Tuesday, November 22, 2011

* Kỷ nguyên Thái Bình Dương của Mỹ

Tăng cường hiện diện chính trị và quân sự trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ là chính sách ưu tiên của Washington trong thập kỷ tới.
Tuyên bố trên được Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nêu ra trong bài “Kỷ nguyên Thái Bình Dương của Mỹ” được công bố trên tuần báo “Foreign Policy” số ra mới đây, ngay trước thời điểm Mỹ chủ trì Hội nghị thượng đỉnh APEC tại Hawaii vào tháng 11/2011.

Củng cố đồng minh
Không phải là AfghanistanIraq, những nước được Mỹ đầu tư nguồn tài lực khổng lồ, mà châu Á-Thái Bình Dương mới là trung tâm chính sách của Washington trong thập kỷ tới, và Mỹ sẽ hiện diện ở khu vực này để thực hiện việc chuyển biến cấu trúc chiến lược.

Theo giới phân tích quốc tế, sự chuyển hướng này không gây bất ngờ, bởi suốt 10 năm tập trung tài chính và nhân lực vào Afghanistan và Iraq, nước Mỹ đã thấm thía cho những mục tiêu mà họ theo đuổi: Tiêu diệt chủ nghĩa khủng bố và đổi mới dân chủ.

Thực tế cho thấy, trong thập niên đầu thế kỷ 21, châu Á - Thái Bình Dương nổi lên để trở thành một động lực của chính trị thế giới với những cỗ máy kinh tế trọng yếu của nền kinh tế toàn cầu, đồng thời cũng có nhiều nước phát thải khí lớn nhất.

“Đã đến lúc Mỹ giúp xây dựng các cấu trúc và thể chế như từng làm ở châu Âu sau thế chiến 2, cấu trúc đã và đang đem lại vô vàn lợi ích cho Mỹ. Và giờ đây, Mỹ cần làm như vậy ở châu Á, với tư cách là một quốc gia châu Á Thái Bình Dương”, Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh.

Theo đó, ngoại giao Mỹ trong thập kỷ tới sẽ tiến triển theo 6 đường hướng hoạt động chính: tăng cường các liên minh an ninh song phương; làm sâu sắc quan hệ với các cường quốc đang nổi lên, kể cả Trung Quốc; gắn kết với các cơ chế đa phương ở khu vực; mở rộng thương mại và đầu tư; xây dựng một sự hiện diện quân sự rộng rãi; và thúc đẩy dân chủ và nhân quyền.
Tàu USS Geogre Washington liên tục xuất hiện ở vùng biển Châu Á - Thái Bình Dương.


Đặc biệt, Mỹ sẽ ưu tiên phát triển quan hệ với các đồng minh truyền thống là Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines, Australia, Thái Lan… tiếp cận và xây dựng quan hệ đối tác tốt với các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Singapore, New Zealand, Malaysia, Mông Cổ, Việt Nam, Brunei và các nước hải đảo ở Thái Bình Dương.

Trước mắt, Mỹ tăng cường sự hiện diện tại ASEAN, APEC, EAS… xem đó như là những công cụ giúp Mỹ có thể can dự một cách sâu rộng về mặt kinh tế cũng như quân sự.

Kiềm chế sự lớn mạnh của Trung Quốc
Ngoài ra, một trong những nguyên nhân khác khiến Mỹ quyết định chuyển dịch trọng tâm sang châu Á – Thái Bình Dương là sự gia tăng mạnh mẽ phát triển của Trung Quốc. Không khó để nhận ra rằng, các nước trong danh sách đồng minh mà Ngoại trưởng Mỹ nêu trong bài viết thực chất là một vòng cung kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Giáo sư Yakov Berger, Chuyên gia Viện Viễn Đông - Nga, nhận định: “Mục đích của học thuyết này là nhằm đối phó với sự tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc, cũng như ảnh hưởng địa chính trị ngày càng tăng của nước này. Đây không chỉ nói về mục đích quân sự, mặc dù việc chuyển đổi quyền lực kinh tế sang quyền lực quân sự cũng có ý nghĩa. Đây không phải là lần đầu tiên Mỹ nói rằng họ cần củng cố vị thế ở châu Á, và Bắc Kinh luôn theo dõi vấn đề này”.

Hồi cuối năm 2010, Lầu Năm Góc đã thuyết phục được Quốc hội rằng sự gia tăng tham vọng quân sự của Bắc Kinh trong khu vực đe dọa an ninh của Washington. Kết quả, Lưỡng viện Quốc hội Mỹ đã đồng ý duyệt chi ngân sách nhằm hiện đại hóa các cơ sở quân sự trên đảo Guam ở Thái Bình Dương.

Mỹ cũng trang bị máy bay chiến đấu mới tại các căn cứ ở Nhật Bản và Hàn Quốc. Ngoài ra, Mỹ tăng cường các đợt diễn tập quân sự ngày một quy mô với đồng minh trong khu vực.

Trên thực tế, các cuộc tập trận gây phản ứng tiêu cực từ phía Bắc Kinh. Kết quả là, Trung Quốc có lý do nhiều hơn để nhìn nhận sự hiện diện quân sự ngày càng tăng của Mỹ trong khu vực là một mối đe dọa lợi ích của họ.

Tham vọng song phương của Mỹ và Trung Quốc là chơi theo luật của riêng mình đang biến thành cuộc chơi phi luật lệ. Các nhà phân tích quan ngại trước sự gia tăng căng thẳng và hậu quả là chi tiêu quân sự tăng lên. Về chỉ số này, hiện nay châu Á - Thái Bình Dương đang là khu vực dẫn đầu thế giới.

Như vậy, việc Mỹ công khai chuyển hướng chiến lược sang châu Á - Thái Bình Dương trong thập kỷ tới, đồng nghĩa với cuộc đối đầu giữa Washington và Bắc Kinh tới đây sẽ có thêm những vòng xoáy mới.
Tùng Dương (tổng hợp)

No comments:

Post a Comment