Tuesday, November 22, 2011

* Kết thúc thời kỳ 'trăng mật' của Trung Quốc tại châu Phi

Thế Phương
Bên cạnh sự cạnh tranh quyết liệt của phương Tây thì sự phản đối quyết liệt của nhiều người dân bản địa, chế độ chính trị thay đổi ở một số nước châu Phi ngăn cản Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng tại lục địa Đen.
Theo giới phân tích, không thể phủ nhận những mặt “tích cực” trong các hoạt động của Trung Quốc tại châu Phi. Bắc Kinh cung cấp nhiều vốn, sẵn sàng đầu tư vào các lĩnh vực mà phương Tây còn “e ngại”, giúp nhiều nước châu Phi xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư cho giáo dục, y tế.

Tuy nhiên, những “làn sóng” di dân của lao động Trung Quốc, việc khai thác tài nguyên thiên nhiên bất chấp tới những hệ lụy về môi trường đã làm “thức tỉnh” tâm lý “bài Trung Quốc” của người dân lục địa đen.

Bên cạnh đó, châu Phi cũng đang trải qua sự biến đổi chính trị khá sâu sắc, khiến chính sách đầu tư “từ cửa sau” của Bắc Kinh đứng trước nguy cơ phá sản. Vì vậy, nếu không tìm ra một “đấu pháp” hợp lý, chiến lược gia tăng can dự và ảnh hưởng của Trung Quốc vào lục địa đen sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Người dân châu Phi phản đối “quyết liệt” nhiều nhà đầu tư Trung Quốc vì những thiệt hại chết người đối với ngành dệt và sản xuất hàng tiêu dùng địa phương do sự xâm nhập ồ ạt của “hàng Tàu”. Thợ mỏ cũng như nhiều gia đình tại Zambia biểu tình trước sự bóc lột sức lao động trong điều kiện làm việc tồi tàn tại các mỏ than do người Trung Quốc điều hành.

Zimbabwe, nhiều người đổ xuống đường chống lại việc các người Trung Quốc "tiếp quản" các doanh nghiệp bán lẻ trong nước. Bên cạnh đó, việc các công ty Trung Quốc đang mua, hay chiếm dụng đất nông nghiệp vốn là nguồn cung cấp thức ăn cho người dân địa phương cũng là “giọt nước làm tràn ly”, dấy lên sự bất mãn của người dân lục địa đen.

Nhìn chung, người dân châu Phi đang hướng mũi dùi chỉ trích vào các chính quyền quá phụ thuộc vào nguồn tiền của Trung Quốc. Sự bất mãn đối với Trung Quốc khiến một số vụ tấn công nhắm vào người Trung Quốc và doanh nghiệp nước này liên tục xảy ra trong thời gian gần đây. Ngày 11/10/2011, một người phụ nữ Trung Quốc bị một nhóm cướp giật tại Tandania tấn công làm tử vong, tiếp đó một bệnh viện của Trung Quốc cũng bị tấn công, cướp tiền và máy tính trong ngày 12/10/2011.

Trước đây, Bắc Kinh được chào đón bởi Chính phủ nhiều nước châu Phi, vốn là các Chính phủ độc tài. Tuy nhiên, những thay đổi chế độ cầm quyền gần đây ở một số nước khiến chính sách “đi cửa sau” để thắng thầu trong các hợp đồng của Trung Quốc trước các đối thủ phương Tây đứng trước nguy cơ phá sản.

Chính quyền Gaddafi ở Libya sụp đổ hay việc Nam Sudan giành độc lập phá vỡ những mối quan hệ truyền thống mà Bắc Kinh vốn dựa vào đó để “qua mặt” các đối thủ phương Tây trong các hợp đồng đấu thầu.

Gần đây nhất, việc “đổi ngôi” lãnh đạo ở Zambia là cú giáng vào tham vọng đầu tư vào những nguồn tài nguyên thiên nhiên ở nước này của Trung Quốc. Tháng 9/2011, Michael Sata giành chiến thắng áp đảo trước Rupiah Banda để trở thành Tổng thống Zambia; đồng thời chấm dứt chế độ cầm quyền kéo dài từ năm 1991 của Phong trào Dân chủ đa đảng (MMD). Chiến thắng của Michael Sata được cho là một “cú sốc” đối với Trung Quốc.

Trong bài phát biểu tranh cử của mình, Michael Sata “bám chặt” vào tâm lý “bài Trung Quốc” của người dân nước này, xem các dòng đầu tư của Bắc Kinh có thể là nguy cơ đối với đất nước. Trong cuộc tranh cử năm 2006 trước đó mà Michael Sata thất bại, ông ám chỉ Đài Loan là một quốc gia có chủ quyền. Trung Quốc rất tức giận trước lời bình luận đó, đe dọa rút các vốn đầu tư nếu chiến thắng.

Dưới “triều đại” của MMD, Zambia sử dụng mọi phương thức để thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp quốc doanh Trung Quốc. Tuy nhiên, với sự “bất mãn” của người dân, Chính phủ mới tuyên bố quan hệ của Zambia và Trung Quốc sẽ phải khác đi. Việc làm đầu tiên của Tổng thống Michael Sata khi lên cầm quyền là gặp Đại sứ Trung Quốc Zhou Yuxiao.

Ông khẳng định sẽ chấm dứt vấn đề nhập cư không hạn chế của người Trung Quốc sang Zambia. Ông nói với Đại sứ Zhou Yuxiao: “Chúng tôi chào đón đầu tư của người Trung Quốc nhưng chúng phải làm lợi cho người dân chúng tôi”.

Khi sang Zambia, các nhà đầu tư Trung Quốc chỉ được mang theo số lượng hạn chế công nhân Trung Quốc, những người mà họ không thể tìm thấy ở Zambia. Giới quan sát nhận định, có thể những người lãnh đạo mới tại Zambia nói riêng và nhiều nước châu Phi nói chung đã nhận ra chính sách di dân của Trung Quốc và hết sức quan ngại trước hậu quả mà nó gây ra.

Nhìn chung, chính sách “không can thiệp”, khác hẳn với chính sách của các nước phương Tây khi thường có điều kiện ràng buộc (gắn các khoản vay kèm với các điều kiện về dân chủ, nhân quyền, các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường) mang lại những lợi thế đáng kể cho Trung Quốc trong cuộc đua giành các nguồn tài nguyên thiên nhiên ở châu Phi trước các đối thủ phương Tây.

Tuy nhiên, khi nhiều Chính phủ thân Trung Quốc sụp đổ, Bắc Kinh gặp không ít thách thức và khó khăn trong chiến lược gia tăng ảnh hưởng nhằm tìm kiếm các nguồn tài nguyên thiên nhiên tại lục địa Đen.

No comments:

Post a Comment