Với những thành tích trên chiến trường Trung Đông hồi thập niên 1990, trực thăng Apache AH-64 được gắn biệt danh “sát thủ xe tăng”, giúp các nhà thiết kế Mỹ một phen “nở mày, nở mặt”.
Kỳ 3: Sát thủ vùng Trung Đông |
Bên cạnh đó, chiến lược phát triển các đơn vị tăng - thiết giáp hùng mạnh, có sức cơ động cao của Liên Xô luôn là nỗi ám ảnh đối với Mỹ. Theo ông Wheeler - tác giả cuốn sách Trực thăng tấn công, chính mối đe dọa của những chiếc xe tăng Nga trên chiến trường châu Âu là động lực giúp dòng trực thăng tấn công phát triển.
Vì thế, trực thăng UH-1 bắt đầu được vũ trang kiêm nhiệm thêm vai trò yểm trợ từ trên không. Năm 1965, AH-1 Huey Cobra – trực thăng vũ trang đầu tiên và đúng nghĩa của Mỹ, ra đời. Sau AH-1, Mỹ tiếp tục hoàn thiện dòng trực thăng vũ trang bằng Apache AH-64 hiện đại với hỏa lực mạnh hơn.
Đa năng và linh hoạt
Apache có khả năng chiến đấu bền bỉ, sống sót cao trên chiến trường với khoang lái bọc giáp chống đạn cỡ 23mm. Thậm chí, cả cánh quạt chính 4 lá cũng có khả năng chống đạn. Hệ thống thùng chứa nhiên liệu có thể tự hàn lại nếu bị trúng đạn.
Về thế mạnh về công nghệ điện tử, ngay từ đầu, AH-64 được trang bị các khí tài như thiết bị chỉ thị bám bắt mục tiêu, kính ngắm nhìn đêm, thiết bị ngắm hồng ngoại… giúp chiến đấu cả ban ngày và ban đêm trong mọi điều kiện thời tiết.
Đặc biệt, biến thể AH-64D còn có radar điều khiển hỏa lực sóng mm AN/APG-78 đặt trên nóc cánh quạt chính, cho phép phi công phát hiện các mối đe dọa trong điều kiện tầm nhìn kém và mục tiêu lộn xộn trên mặt đất. Việc đặt radar trên đỉnh cánh quạt còn tạo lợi thế khi trực thăng nấp sau rừng cây, đồi núi, tòa nhà cũng có thể theo dõi mục tiêu một cách an toàn. Ngoài ra, AH-64 được trang bị hệ thống đối phó điện tử nhằm chống lại hỏa lực phòng không đối phương, thường là tên lửa tầm nhiệt.
Trực thăng AH-64 phóng rocket. |
Nỗi ám ảnh của tăng IraqCuộc chiến năm 1991 để lại nỗi khiếp sợ cho lực lượng tăng-thiết giáp Iraq. Trong vòng 100 giờ, AH-64 đã bắn 3.000 quả AGM-114 “nướng chín” 500 xe tăng và nhiều xe thiết giáp của Iraq. Về phía Mỹ, chỉ có một chiếc AH-64 bị bắn hỏng động cơ, nhưng tổ lái sống sót.
Tương tự Mi-24, AH-64 cũng có dịp thể hiện khả năng không chiến. Ngày 24/5/2001, AH-64 của Không quân Israel đã đánh chặn 2 chiếc máy bay Cessna 152 của Lebanon.
Nhưng thay vì dùng vũ khí không đối không, AH-64 đã bắn hạ chiếc Cessna bằng tên lửa chống tăng AGM-114. Lập nhiều công trạng trên chiến trường với số lượng bị bắn rơi ở mức thấp, AH-64 được 11 nước nhập khẩu sử dụng. Mới đây, AH-64D tiếp tục hiện diện ở quốc gia thứ 12 khi đánh bại đối thủ Mi-28N trong cuộc đấu thầu ở Ấn Độ. Ở Đông Nam Á, Singapore là quốc gia đầu tiên sở hữu loại trực thăng hiện đại này.
Tuy nhiên, lập nhiều thành tích không có nghĩa là “bất khả chiến bại”. Theo một số nguồn tin không chính thức, AH-64 từng bị trúng đạn súng chống tăng RPG-7 ở cự ly gần trong cuộc chiến vùng Vịnh 1991. Năm 2003, Vệ binh Cộng hòa Iraq còn bắn rơi 1 chiếc AH-64, làm hư hại 31 chiếc khác. Từ năm 2003-2007, theo thống kê sơ bộ, khoảng 20 chiếc AH-64 bị hạ. Dù được trang bị hệ thống cảnh báo chống tên lửa hiện đại, nhưng AH-64 vẫn khó khắc chế tên lửa vác vai.
Hiện đại, nhưng…Sau khi AH-64 ra đời và đi vào phục vụ không lâu, Quân đội Mỹ tiếp tục phát triển loại trực thăng vũ trang mới RAH-66 làm nhiệm vụ trinh sát và “chỉ điểm” mục tiêu cho AH-64. Để thực hiện cho nhiệm vụ nguy hiểm này, nhiều công nghệ đặc biệt đã được ứng dụng trong qua trình chế tạo RAH-66. Có thể nói, RAH-66 là trực thăng “đi trước thời đại” với vật liệu hấp thụ sóng radar, kiểu dáng máy bay có nhiều góc cạnh, lớp sơn phủ bên ngoài ngăn tia hồng ngoại...
Trực thăng tàng hình RAH-66 làm nhiệm vụ "chỉ điểm" cho AH-64. |
Tuy nhiệm vụ chính là trinh sát, nhưng RAH-66 cũng được vũ trang khá mạnh có thể chiến đấu không đối không bằng tên lửa AIM-92 hoặc chống tăng với AGM-114 Hellfire. Tương lai RAH-66 là rất sáng sủa nếu nó được đưa vào phục vụ. Nhưng năm 2004, Mỹ đã quyết định hủy bỏ dự án RAH-66 vì “ngốn” quá nhiều tiền. Tính tới thời điểm dừng dự án, Mỹ đã phải chi 6,9 tỷ USD.
No comments:
Post a Comment