Friday, November 18, 2011

* Delmar - điệp viên không bao giờ bị lộ (kỳ 1)

Ngày 2/11/2007, điện Kremli làm các học giả phương Tây giật mình với việc Tổng thống Putin trao phần thưởng cho điệp viên đã xâm nhập vào Dự án Manhattan.

Trong Đại chiến thế giới thứ 2, các sĩ quan Tổng cục Tình báo Quốc phòng Liên Xô (GRU) đã lặng lẽ “góp phần đẩy nhanh đáng kể thời gian Liên Xô tự chế tạo được bom nguyên tử”, giúp Liên Xô giành lại ưu thế trên chiến trường, kết thúc sớm cuộc chiến tranh tàn khốc hao người tốn của. Đất Việt giới thiệu về Delmar - “sĩ quan Tình báo Liên Xô duy nhất’’ xâm nhập được vào các nhà máy bí mật của Dự án Manhattan.

Kỳ 1: Người Nga sinh ra ở Mỹ

Ngày 2/11/2007, điện Kremli làm các học giả phương Tây giật mình với tuyên bố, Tổng thống Putin đã trao phần thưởng cao quý nhất của Nhà nước Nga cho một điệp viên Liên Xô - người đã xâm nhập vào Dự án Manhattan, Dự án chế tạo bom nguyên tử đầu tiên trên thế giới: Tiến sỹ Koval.

Sở dĩ tuyên bố gây ngạc nhiên bởi cho tới nay, các sử gia, các nhà khoa học, quan chức cảnh sát Liên bang Mỹ cũng như những người bạn cũ của Tiến sỹ Koval, thậm chí đến TT Putin, một cựu sĩ quan tình báo, cũng không ngờ Tiến sỹ Koval chính là Delmar.

Con đường trở thành điệp viên

Gia đình Abraham Koval sống trong ngôi nhà cũng khá đủ tiện nghi không xa khu trung tâm là Lâu đài trên Đồi (Castle on the Hill). Cha mẹ Koval ở Mỹ khoảng hai mươi năm và có ba con. Koval là con trai thứ hai, sinh năm1913. Nhưng cuộc sống mỗi ngày một khó khăn, gia đình vẫn sống trong cảnh túng thiếu nợ nần. Năm 1933, gia đình Koval chuyển đến sống tại Birobidzhan, thuộc tỉnh tự trị Do Thái, gần Siberi (Nga). Năm 1934 Koval thi đỗ vào Trường Đại học Công nghệ Hóa Mendeleev, Moscow. Anh tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại ưu và được giữ lại học hệ nghiên cứu sinh.

GRU đã nhìn thấy ở Koval một tài năng hứa hẹn của một nhà nghiên cứu. Nhưng mối quan tâm của GRU với Koval lại là vì anh có một lý lịch khác thường nhưng rất cần cho nghề nghiệp tình báo ở Mỹ: sinh ra ở Mỹ và sống nhiều năm trước khi trở về Liên Xô, lại nắm vững thứ tiếng Anh - Mỹ hoàn thiện.


Nghiên cứu sinh Koval, điểm ngắm của GRU.


Với lý lịch như trên, GRU hy vọng có thể đào tạo anh trở thành một tình báo viên cần thiết cho nhiệm vụ. Để phái Koval sang Mỹ, anh phải nhập ngũ để bạn bè và người thân thấy sự thiếu vắng của anh ở Moscow. Sau khi được học qua một khóa đào tạo chuyên môn, Koval sang Mỹ hoạt động dưới mật danh là “Delmar”.

Nhiệm vụ chính của Delmar là thu thập những thông tin về nghiên cứu điều chế các chất độc hóa học mới trong các phòng thí nghiệm của Mỹ. Đầu năm 1941, vài tháng sau khi đặt chân đến Mỹ, các giấy tờ với cái tên giả đã không giúp anh tìm được công việc tiến hành hoạt động tình báo.

Chỉ huy trung tâm đã bàn đến một phương án, nếu không thể tìm được việc làm, Delmar có thể sử dụng giấy tờ thật với tên G.Koval, sinh ra, lớn lên và học hành tại TP.Sioux, bang Iowa, (Mỹ). Sau đó, Delmar đã không phải mất nhiều công sức thu xếp được công việc, tìm được những người quen mới, có lợi cho công tác hoạt động tình báo.

Chiến dịch “Delmar”


Số phận của G.Koval, mật danh Delmar, đã gắn liền với chiến dịch mang tên ông trong lịch sử ngành Tình báo Quân sự Xô-viết. Ông là người có số mệnh xâm nhập được vào một trong những cơ sở bí mật nhất nước Mỹ vào thời kỳ Đại chiến Thế giới lần thứ II. Trước đó, năm 1943, Delmar bị điều động vào quân đội Mỹ - sự kiện làm thay đổi cơ bản số phận của tình báo viên Delmar. Anh điện về Trung tâm xin chỉ thị. Trung tâm cho biết, Delmar nếu phải nhập ngũ thì cần phải tranh thủ chính việc này để phục vụ nhiệm vụ.

Delmar khoác áo lính Mỹ. Vì Delmar có các tài liệu chứng minh đã tốt nghiệp hai khóa học của Trường Cao đẳng kỹ thuật ở Mỹ, và Dự án nguyên tử Mỹ thiếu người, nên Delmar được cử đào tạo các khoa học những chuyên môn mới có liên quan đến các cơ sở sản xuất vật liệu phóng xạ. Khoảng 30 thanh niên Mỹ cùng khóa với Delmar.


Ngôi nhà 827 W.Grand Ave, nơi Delmar sống và cung cấp bí mật về bom nguyên tử Mỹ cho Liên Xô.


Một số sau Chiến tranh Thế giới lần thứ II trở thành những nhà phân tích quan trọng của các tập đoàn hàng đầu của Mỹ, họ làm việc cho các Dự án Nguyên tử Mỹ. Một trong các bạn đồng khóa của Koval là Duane Weise, cho rằng Koval đã đạt được điểm số IQ cao ngất ngưởng. Đó chính là lý do tại sao Koval được lựa chọn vào các phòng thí nghiệm nguyên tử của Mỹ sau này. “Thời ấy, các bạn đồng môn đều cho rằng không ai giỏi hơn George”, TS.Kramish nói.

Delmar đã trở thành nhân viên của một trong các xí nghiệp sản xuất uranium đã được làm giàu. Nơi ông làm việc chỉ có một nhóm cực kỳ hạn chế các chức sắc cao cấp trong chính phủ Mỹ được biết, còn chỉ những ai lãnh đạo Dự án Manhattan mới nắm được sơ qua. Ngành công nghiệp duy nhất sản xuất uranium và plutonium là thành phần quan trọng nhất trong Dự án nguyên tử của Mỹ.

Vì vậy, những thông tin về sự tồn tại của mục tiêu nguyên tử là một bí mật đặc biệt của nước Mỹ. Ở những cơ sở này, TS Koval có quyền hạn lớn. “Ông ấy có quyền ra vào mọi địa điểm và có xe jeep riêng”, TS Kramish, người đã làm việc với Koval tại Oak - Ridge, nơi đặt nhà máy chế tạo các nguyên liệu làm bom nguyên tử, cho biết. 

No comments:

Post a Comment