Monday, November 21, 2011

* Các loại súng bắn tỉa tầm xa hoặc chuyên diệt mục tiêu bọc giáp thường có cỡ nòng lớn hơn súng bộ binh thông thường. (kỳ 1)


Điển hình, khẩu Cheytac Intervention M-200 có cỡ nòng 10,4 mm, Barrett M82A1 của Mỹ, OSV-96 của Nga... có cỡ nòng 12,7 mm. Tuy nhiên, đây vẫn chưa phải những khẩu súng có cỡ nòng lớn nhất vì chúng còn thua quá xa những khẩu súng dưới đây.

Từ vũ khí chống tăng bất đắc dĩ...
Từ sau chiến tranh thế giới thứ nhất cho đến thời kỳ đầu chiến tranh thế giới thứ hai, các đơn vị bộ binh gần như không thể làm gì trước xe tăng đối phương mà vẫn phải phụ thuộc gần như hoàn toàn vào pháo.
Do súng chống tăng cá nhân sử dụng liề nổ lõm vẫn chưa ra đời, cách đối phó duy nhất với xe tăng của những người lính là sử dụng súng trường chống tăng cỡ nòng lớn.

Kawamura Type - 97Súng trường Kawamura Type-97 của Nhật là một trong những khẩu súng trường đầu tiên được sản xuất với cỡ nòng lên tới 20 mm.
Khẩu súng này được Masawa Kawamura thiết kế và phát triển từ năm 1935 với vai trò đối phó với xe tăng của quân đồng minh trước khi Nhật cùng khối phát xít phát động chiến tranh thế giới thứ hai. Năm 1937, súng được biên chế cho quân đội của Đế quốc Nhật Bản.

Súng trường chống tăng Kawamura Type-97 và đạn.


Khẩu Type-97 có khối lượng 59 kg (thậm chí là 68 kg nếu lắp đầy đủ giáp chắn cho xạ thủ) và dài 2,06 m, trong đó phần nòng súng dài 1,2 m.
Với kích cỡ này, Type-97 gần với một khẩu pháo hơn là khẩu súng trường. Thực sự, trên chiến trường, cần tới ba người lính hỗ trợ cho một xạ thủ bắn súng Type-97 bao gồm một người thay đạn và hai người mang đạn dự trữ.
Khẩu súng này sử dụng loại đạn đặc chủng cỡ 20 x 125 mm lắp trong hộp tiếp đạn 7 viên và thậm chí có khả năng bắn ở chế độ bán tự động (trong khi hầu hết các loại súng chống tăng cùng thời kỳ có cỡ nòng nhỏ hơn chỉ có thể bắn ở chế độ phát một).
Tuy nhiên, lực giật của Type-97 rất lớn và có thể làm bị thương xạ thủ, do đó, trong quân đội Nhật hoàng, xạ thủ Type-97 không những yêu cầu phải là người khỏe mạnh mà còn phải là những người lính dũng cảm nhất.

Type-97 thường được mang vác bởi hai người lính trên chiến trường. Để mang thêm đạn còn cần hai người lính nữa.


Bù lại nhược điểm về kích cỡ, Type-97 là một trong những khẩu súng trường chống tăng mạnh nhất thời bấy giờ.
Viên đạn của Type-97 bắn ra có sơ tốc 815 m/giây và có khả năng xuyên 30 mm thép ở 350 mm hoặc đánh bại giáp trước xe tăng M3 Stuart của Mỹ (dày 44 mm) ở khoảng cách 150 m.
Con số này vượt xa khả năng của các loại súng trường chống tăng cùng thời như PzB-39 của Đức (xuyên 30 mm ở khoảng cách 100 m) hay PTRS-41 của Nga (xuyên 40 mm ở khoảng cách 100 m).
Tuy nhiên, do nhiều nhược điểm như nặng nề, khó sử dụng cộng với việc giáp xe tăng sau những năm đầu thế chiến hai đã vượt xa khả năng của súng trường, Type-97 chỉ được sản xuất 400 khẩu rồi sau đó đã bị đào thải để thay thế bằng những vũ khí khác hiệu quả hơn.

Lahti L-39Ra đời cùng giai đoạn và cũng sử dụng cỡ đạn 20 mm, khẩu L-39 Norsupyssy của Phần Lan là đối thủ xứng tầm với Type-97 của Nhật.
L-39 sử dụng cỡ đạn 20 x 138 mm với nhiều loại đầu đạn khác nhau như AP, AP-T, AP-HE hoặc đạn xuyên cháy.
Chỉ riêng hộp tiếp đạn chứa 10 viên của L-39 đã nặng đến 3,6 kg. Tuy nhẹ hơn Type-97 gần 10 kg (49,5 kg), L-39 vẫn quá nặng để có thể mang vác như một khẩu súng bộ binh thông thường, do đó, nó thường được kéo đi trên tuyết hay đất mềm nhờ bộ phận đế giá hai chân được thiết kế đặc biệt. Súng có độ dài 2,24 m, trong đó phần nòng súng dài 1,3 m.

Súng trường chống tăng Lahti L-39 trong chiến tranh mùa đông Liên Xô - Phần Lan.


Khẩu L-39 cũng có khả năng bắn bán tự động bằng cơ cấu trích khí. Nó có tầm bắn hiệu quả tối đa tới 1.400 m và có khả năng xuyên 30 mm giáp ở khoảng cách 100 m.
Mặc dù ra đời muộn khi xe tăng T-34 và KV của Liên Xô đã tràn ngập khắp chiến trường và hoàn toàn “miễn dịch” với đạn súng trường chống tăng, L-39 vẫn được sản xuất tới 1.800 khẩu và chủ yếu được dùng để chống lại các loại xe thiết giáp hoặc để tấn công các vị trí phòng thủ vững chắc.

L-39 (trên) bên cạnh một khẩu súng máy PKM (dưới).



... đến súng bắn tỉa xuyên giáp hiện đại RT-20
Được thiết kế và chế tạo tại Rijeka, Croatia, khẩu RT-20 là khẩu súng trường cỡ nòng 20 mm đầu tiên ra đời sau thế chiến hai.
Hai chữ RT trong tên súng là viết tắt của từ Rucni Top, tiếng Croatia có nghĩa là “pháo cầm tay”

RT-20 thuộc hàng "nhẹ cân" nhất trong các loại súng trường có cỡ nòng 20 mm với khối lượng chưa đến 20 kg.


Mặc dù có cỡ nòng tương tự hai khẩu súng trường chống tăng đã nhắc tới ở trên, tuy nhiên RT-20 có kích thước nhỏ hơn nhiều so với những khẩu này. Súng chỉ dài 1,33 m (nòng dài 0,92 m) và nặng “chỉ” 19,2 kg.

Kích cỡ của RT-20 không lớn hơn nhiều so với các loại súng bắn tỉa xuyên giáp 12,7 mm.


Được thiết kế với mục đích ban đầu là phá hủy các thiết bị ngắm trên các xe tăng M-84 và T-72 của Serbia, RT-20 là khẩu súng bắn tỉa có độ chính xác cao và uy lực đứng đầu thế giới.
Súng sử dụng cỡ đạn 20 x 110 mm Hispano với đầu đạn nặng đến 130 g. Với sơ tốc 850 m/giây, động năng của đầu đạn này lên tới gần 47.000 J ( so với đạn 7,62 mm của súng AK-47 chỉ hơn 2.000 J), đạn của RT-20 có thể xuyên thủng hầu hết giáp của các loại xe bọc thép hiện đại trên thế giới ở khoảng cách 800 m.
Điểm đặc biệt nhất của RT-20 là thiết kế giảm giật đặc biệt của nó. Súng được trang bị một ống phản lực phía trên thân súng, khi bắn, một phần khí thuốc sẽ được dẫn qua ống này và phun về phía sau tạo một lực ngược chiều với lực giật của súng.
Cơ cấu này tương tự như các loại súng phóng lựu không giật hiện nay. Tuy vậy, lực giật khi bắn súng RT-20 cũng mạnh gấp 4 lần khi bắn từ một loại súng bắn tỉa hạng nặng khác là khẩu Barrett M95 của Mỹ (cỡ nòng 12,7 mm).
Tầm bắn hiệu quả của RT-20 phụ thuộc nhiều vào loại mục tiêu và con số này có thể lên tới 1.800 m.
Đồng Tâm (tổng hợp)

No comments:

Post a Comment