Wednesday, December 7, 2011

* Người đẹp Trân Châu Cảng (kỳ 1)

Cách đây 70 năm (7/12/1941), Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ đã bị không quân Nhật đánh cho tan tác ở biển Hawaii xinh đẹp.
Ít người biết rằng, góp phần vào trận Trân Châu Cảng chấn động toàn cầu có công của một trong những nữ gián điệp vĩ đại nhất mọi thời đại – Susie Ruth Kuehn.
Làm thế nào để một cô gái xinh đẹp người Đức, xuất thân từ một gia đình bình thường, lại trở thành nữ gián điệp thành công nhất của Nhật Bản trong Thế chiến lần II? Đến nay vẫn chưa có đáp án chính xác. 70 năm qua, người ta chỉ có thể quy trách nhiệm đó cho Paul Joseph Goebbels - Bộ trưởng Tuyên truyền Đức Quốc xã, bởi đơn giản, ông này đã trót trở thành nô lệ của ái tình.
Tên tuổi Ruth Kuehn đến nay vẫn chưa có trong danh mục các bậc thầy gián điệp thế giới. Tuy nhiên, giá trị những tin tức thu thập được là bằng chứng rõ nhất, giúp vinh danh Ruth Kuehn trong lịch sử tình báo của loài người.

Tình nhân của “người lùn xấu xí”
Bernard Julius Otto Kuehn - cha dượng của Ruth Kuehn, đã phục vụ trên một tàu tuần dương thuộc lực lượng Hải quân Đế chế Đức. Năm 1915, chiếc tàu mà Kuehn phục vụ bị người Anh đánh đắm. Khi đang trôi nổi trên biển, Kuehn đã bị người Anh bắt làm tù binh. Để giết thời gian “đếm lịch” trong tù, Kuehn bắt đầu học tiếng Anh và đã đạt được những thành tích đáng nể.
Khi về Đức, Kuehn tham gia phong trào quốc xã. Ông làm quen với Henrich Himle (người đứng đầu tổ chức SS) và nhân vật cộm cán này ưu ái. Tuy được giới thiệu vào làm việc trong Gestapo, nhưng trên thực tế, đó là vị trí không mấy thuận lợi.
Người ta ám chỉ cho Kuehn hiểu rằng, đây chỉ là giai đoạn trung gian trước khi nhận trọng trách làm Cảnh sát trưởng ở một trong những thành phố lớn nhất của Đức. Tuy nhiên, thay vì làm việc trong văn phòng của cảnh sát trưởng, ngày 15.8.1935, Kuehn phải có mặt ở Honolulu cùng với vợ (Friedel) và 2 đứa con: Hans Joachim, 6 tuổi, và Susie Ruth,17 tuổi. Cậu con trai cả ở lại Đức làm thư ký riêng cho Goebbels. Cuộc ra đi này bắt nguồn từ câu chuyện tình của cô con gái xinh đẹp.
Số là, đầu năm 1935, Joseph Goebbels, con người thấp bé với cái chân tàn tật, tổ chức một bữa tiệc nội bộ dành cho các cộng tác viên của mình. Vì chưa có người yêu, nên người anh cả của gia đình Kuehn đã đưa em gái Susie Ruth đi cùng làm bạn nhảy. Sự hồn nhiên và vẻ đẹp của cô đã hút hồn ông trùm tuyên truyền ngay từ giây phút đầu tiên. Goebbels lùn và xấu xí vội vã nghiêng người mời Ruth ra sàn nhảy. Và chẳng bao lâu sau, cô gái 17 tuổi đã trở thành người tình của trùm thông tin tuyên truyền đầy uy lực trong đế chế.

Khi Hoạn Thư nổi máu…
Thế nhưng, đây chỉ là một trong vô số những cuộc phiêu lưu tình ái của Goebbels. Chuyện tình vụng trộm cuối cùng đã bị chính vợ của Goebbels phát hiện ra. Bà buộc Goebbels không chỉ chia tay người tình trẻ, mà còn phải tìm cách đẩy Ruth đi biệt xứ khỏi nước Đức.
Từ năm 1914, Tướng Gayxgophe - Trưởng khoa Địa chính trị thuộc Đại học Berlin (con trai ông này là bạn thân của Goebbels), luôn giữ mối liên lạc chặt chẽ với các tổ chức tình báo Nhật Bản. Người Nhật đã yêu cầu Gayxgophe giúp họ trong việc tuyển mộ những người châu Âu cho hoạt động tình báo. Một trong những khó khăn lớn luôn khiến giới lãnh đạo tình báo ở Tokyo phải đau đầu, đó là màu da và hình dạng bề ngoài của người Nhật rất dễ bị phát hiện ở nước ngoài. Vì thế, trước khi xảy ra chiến tranh, tình báo Nhật Bản rất cần những gián điệp da trắng. Và Ruth đã được tình báo Nhật Bản nhắm tới.

Hải quân Mỹ ở Hawaii trước trận Trân Châu Cảng.
Yêu cầu từ Tokyo là sự may mắn trùng hợp với toan tính của ngài bộ trưởng khi đang loay hoay tìm cách “hạ nhiệt” Hoạn Thư. Cuối năm 1935, chuyện tình giữa Goebbels và Ruth tan vỡ. Goebbels đã kể về nỗi khổ của mình và nhờ Gayxgophe giúp đỡ. Tướng Gayxgophe gợi ý giao cho tình báo Nhật Bản không chỉ Ruth mà cả gia đình cô. Vị bộ trưởng thọt chân không thể mong chờ một gợi ý nào khả thi hơn. Người tình nhỏ của ông ta sẽ đến một nơi xa xôi, biệt xứ, theo đúng yêu cầu của bà vợ. Và thế là, gia đình Kuehn đã đặt chân đến Honolulu giữa Thái Bình Dương.

Chuyên gia địa hình Hawaii
Trước chuyến đi, cả gia đình Ruth Kuehn đã trải qua khóa đào tạo tình báo. Bất chấp những mâu thuẫn nội bộ Cơ quan An ninh Đức Quốc xã, giữa tháng 8/1935, bác sỹ Kuehn cùng người vợ thông minh Friedel, đứa con trai nhỏ và cô con gái riêng 17 tuổi vô cùng xinh đẹp đặt chân xuống Honolulu.
Theo câu chuyện bình phong, bác sỹ Kuehn là chuyên gia nhân chủng học đến Hawaii để nghiên cứu ảnh hưởng của văn hóa Nhật Bản đối với người Polynesia của các quần đảo này. Ruth và cha dượng đã đi tất cả các đảo lớn: Oahu, Hawaii, Molokai, Maui, Kauai và rất nhiều hòn đảo nhỏ khác, tỉ mỉ ghi chép và đánh dấu tất cả những gì họ quan tâm lên các tấm bản đồ. Chẳng bao lâu họ đã trở thành những chuyên gia giỏi nhất về địa hình của Hawaii vào thời điểm đó.
Trân Châu Cảng vào thời điểm tháng 10/1941.
Ở Hawaii, gia đình Kuehn mua một biệt thự xinh đẹp ở Honolulu với một bộ sưu tập tác phẩm nghệ thuật, đồ bạc - minh chứng cho một gia đình khá giả. Tình báo Mỹ phát hiện ra rằng, gia đình Kuehn đã nhận được hơn 100.000 USD. Điều đó rất đáng chú ý, nhưng không ai quan tâm. Theo những người hàng xóm, gia đình Kuehn luôn có nguồn thu từ bất động sản ở Hà Lan và Đức. Trong ba năm đầu tiên ở đảo, họ đã nhận được 70.000 USD do Ngân hàng Rotterdam (Hà Lan) chuyển đến tài khoản của Kuehn qua Ngân hàng Honolulu.
Nhưng thực tế, khoản tiền vào tài khoản nhà Kuehn lại đến từ nguồn khác. Thỉnh thoảng, bà Friedel đến Tokyo mang theo các báo cáo tình báo. Nhưng chỉ một chuyến đi, bà mang về 16.000 USD tiền mặt. Đầu năm 1939, Kuehn than phiền với bè bạn rằng, những khu du lịch ở Hawaii quá ồn ào và đông đúc. Ông cần một nơi yên tĩnh để học ngôn ngữ. Gia đình ông đã bán nhà và chuyển đến Trân Châu Cảng, gần bến chính của Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ.
(Còn tiếp 1 kỳ)

Chi Anh

No comments:

Post a Comment