Wednesday, December 7, 2011

* Người đẹp Trân Châu Cảng (kỳ cuối)

Bị “đày” đi biệt xứ sau cuộc tình đổ vỡ với “người lùn xấu xí” Goebbels, sắc đẹp của Susie Ruth ngày càng rực rỡ giữa muôn trùng sóng gió Hawaii.
Yêu thích môn tennis, bơi và khiêu vũ rất giỏi, chẳng bao lâu sau, khi cả nhà đặt chân đến Honolulu, Ruth đã nhận được nhiều lời mời tham gia các hoạt động vui chơi giải trí...
Chính trong những dịp tưởng như vô hại này, nhiều sỹ quan hải quân Mỹ sống xa nhà, buồn chán... đã cởi lòng với người đẹp và Ruth dễ dàng có được tin tức tình báo quan trọng. Với trí thông minh và sự sắc sảo, Ruth lập tức ghi chép lại tất cả những gì nghe được. Thế nhưng, ban đầu, hoạt động thu thập tin tức của Ruth lại diễn ra ở một nơi khác…

Phút trải lòng của các bà vợ
Khi đến Honolulu, Susie Ruth mở một salon làm đẹp chuyên phục vụ cho các quý bà. Salon của Ruth ngay lập tức trở thành điểm đến thường xuyên của các phu nhân sỹ quan Hải quân Mỹ, những người có nhiều thời gian, nhất là những khi chồng ra khơi dài ngày. Các bà vừa tân trang sắc đẹp, vừa khoe khả năng hiểu biết của mình với những tin tức nóng hổi. Họ thường kháo nhau về những nhân sự mới được bổ nhiệm, những vị trí chưa ai đảm nhận, chồng họ ra khơi khi nào, đến đâu và đôi khi là cả tính năng kỹ chiến thuật của mỗi con tàu… Thói hư tật xấu của chỉ huy, hay hạm trưởng cũng trở thành đề tài rôm rả trong câu chuyện của các bà.
Hàng ngày, Ruth và Friedel làm việc trong salon. Họ nghe, nhớ và báo cáo cho Kuehn tất cả những gì có được. Sau đó, Kuehn tổng hợp lại và bằng các kênh liên lạc, tin tức nối đuôi nhau “chảy” về lãnh sự quán Đức, Nhật Bản. Một ngày nọ, lãnh sự Nhật Bản tại Honolulu là Otohiro Okuda đã đi tìm Ruth và cha cô. Họ đã có một cuộc họp bí mật. Okuda đã giao thêm nhiệm vụ mới cho gia đình gián điệp Kuehn: thu thập thông tin về tình hình Hải quân Mỹ, chính xác ngày tàu ra khơi và quay về cảng, vị trí các tàu neo đậu, số lượng, chủng loại...

Hải trình của hạm đội Nhật Bản hướng tới Trân Châu Cảng mà người Mỹ chỉ có thể phát hiện vào phút chót.
Okuda cũng hứa hẹn trả nhiều tiền hơn cho nhiệm vụ mới này. Ruth yêu cầu 40.000 USD và cha cô đã đồng ý nhận trước 14.000 USD. Phần còn lại sẽ được thanh toán sau khi hoàn thành nhiệm vụ. Kuehn vô cùng lo lắng: làm thế nào để có được những tin tức đó. Nhưng Ruth chỉ mỉm cười bởi cô đã đính hôn với một sĩ quan hải quân cấp cao của Mỹ và có thể có tất cả! Theo lời mời của vị hôn phu, Ruth thường xuyên có mặt trên tàu chiến.

Bí mật từ cửa sổ gác xép
Số lượng tin tình báo tăng lên nhanh chóng, buộc gia đình Kuehn phải thường xuyên gặp gỡ người Nhật. Để tránh gây nghi ngờ, người Nhật đã cung cấp cho họ một mật mã đơn giản và hệ thống tín hiệu ánh sáng. Qua đó, tin tức có thể được chuyển trực tiếp đến người nhận từ cửa sổ gác xép của ngôi nhà nhỏ mà gia đình Kuehn mua ở Trân Châu Cảng.
Ngày 2/12/1941, cha con nhà Kuehn lần đầu tiên đã thử hệ thống mới. Nó vận hành hoàn hảo. Trong đêm đó, Lãnh sự quán Nhật Bản đã nhận được những thông tin chính xác về số lượng, chủng loại và vị trí của tàu chiến ở Trân Châu Cảng. Sáng hôm sau, Tổng lãnh sự, Tổ trưởng điệp báo Nhật Bản Nagoya Kita, đã sử dụng máy phát sóng ngắn để chuyển những tin tức này đến đại bản doanh tình báo Hải quân Nhật Bản.
Phi công Nhật nhận lệnh trên boong tàu sân bay.
Quan sát số lượng ngày càng nhiều các tàu chiến tập trung ở vùng biển Trân Châu Cảng suốt mấy ngày sau đó, gia đình Kuehn vô cùng lo lắng. Không những họ, mà cả người Nhật cũng đều hồi hộp.
Họ tin rằng, đối phương đang tập trung một lực lượng lớn hải quân ở đây. Những tin tức mà gia đình Kuehn cung cấp đã giúp người Nhật lên kế hoạch cho cuộc tập kích bất ngờ và quy mô lớn vào tàu chiến Mỹ. Ruth và Kuehn cha biết chính xác ngày giờ của cuộc tập kích Trân Châu Cảng. Một ngày trước giờ G, Ruth và Kuehn cha liên tục truyền đi các thông tin mới nhất, cập nhật nhất.
Tàu ngầm Nhật Bản nhận được tin tức và nhanh chóng xử lý để chuyển tiếp qua radio về trung tâm. Tuy nhiên, các tín hiệu vô tuyến đã bị Mỹ chặn thu. Trong suốt 36 giờ ngay trước cuộc tấn công, liên lạc vẫn được tiến hành giữa Lãnh sự quán Nhật Bản với Tokyo, trong đó có cả thông tin do Ruth thu thập. Nhưng người Mỹ vẫn không kịp trở tay.

Sa lưới
Giữa lúc nỗi kinh hoàng đang bao trùm toàn bộ Trân Châu Cảng, sáng 7/12/1941, trên đường đến sở chỉ huy, 2 sỹ quan tình báo Mỹ đã phát hiện thấy ánh sáng từ cửa sổ căn gác xép nhà Kuehn. “Tín hiệu lạ”, họ phỏng đoán và chạy vội tới đó. Hai sỹ quan Mỹ nhanh chóng leo lên căn gác xép, và bắt quả tang Kuehn cha và cô con gái Ruth đang truyền đi các tín hiệu. Hai cha con nhà Kuehn bị bắt ngay lập tức. Gia đình Kuehn bị đưa đi cùng với những chiếc va li được đóng gói để ở cuối hành lang. Tại sở chỉ huy, những chiếc va li được mở ra, bên trong có rất nhiều tiền, trong đó có cả tiền Nhật Bản.
7h58 sáng 7/12/1941, báo động được phát đi: “Không kích! Trân Châu Cảng! Đây không phải là tập trận!”.
Tất cả những chứng cứ đã chống lại họ. Những chiếc va li chứa tiền, các bản sao tài liệu tình báo bằng tiếng Đức và cả các bản sao tín hiệu mật mã. Gia đình Kuen phải hầu toà. Bác sỹ Kuehn cùng vợ và con gái Ruth đều cố nhận tội về mình. Người Mỹ đã chấp nhận lời khai của Kuehn cha và kết án tử hình đối với ông này. Vợ và con gái bị kết án tù.
Nhờ những khai báo với người Mỹ về hoạt động gián điệp của các nước phe Trục ở Thái Bình Dương, ngày 26/11/1942, Kuehn cha được giảm án từ tử hình xuống 50 năm tù giam. Bà vợ Friedel và cô con gái Ruth được tha bổng vì thiếu bằng chứng. Họ chỉ bị giam cầm cho đến khi chiến tranh kết thúc. Sau chiến tranh, gia đình Kuehn chuyển đến Tây Đức sinh sống. Từ đó, Ruth trở thành một giáo viên trung học dưới một cái tên khác, và ít ai biết được quá khứ của cô ta.
Chi Anh

No comments:

Post a Comment