Tuesday, December 6, 2011

* Nhà thờ Đức bà Paris Rực cháy kiến trúc Gothic

Duyên Anh ( Tổng hợp)
Gothic là một phong cách kiến trúc bắt nguồn từ châu Âu, chủ yếu là Pháp, khoảng thế kỷ thứ 12, nên được gọi là kiến trúc kiểu Pháp. Ban đầu, Gothic gắn liền với thiết kế các nhà thờ, với vẻ bí ẩn và lạ lẫm, nên còn gắn liền với khái niệm "man rợ và kinh dị".

Tên gọi Gothic chỉ xuất hiện khi châu Âu bước vào phong trào cải cách, khoảng thế kỷ 16. Đến thế kỷ 18, thì phong cách kiến trúc này bắt đầu phát triển mạnh ở châu lục này, mở rộng hơn vào đầu thế kỷ 19 và tiếp tục được áp dụng khi thiết kế các trường đại học, đầu thế kỷ 20.
Đặc điểm tiêu biểu nhất của kiến trúc Gothic là mái vòm và đầu nhọn. Phong cách này nhấn mạnh vào những hình khối theo chiều thẳng đứng, và tập trung vào những hệ cột mảnh, trần cao mở rộng với sự kết hợp của những vật liệu như kính. Nhờ kiến trúc mái vòng cung và có đầu nhọn, cộng với hệ thống cửa sổ kính rộng nên những ngôi nhà theo kiến trúc này có nhiều ánh sáng.

Đặc điểm của kiến trúc Gotic:
Ta có thể nhận biết kiến trúc Gotic bằng những đặc điểm chính sau đây:
- Thường có chiều cao lớn từ 38-42 mét, riêng tháp lấy ánh sáng cao đến 60m, cửa sổ kính màu ở mặt đứng có thể lớn tới 8-12 mét.
- Công trình mở nhiều cửa sổ rộng, bên trong công trình tràn ngập ánh sáng.
- Các cửa sổ Hoa Hồng rất lớn và giàu tính trang trí, thường đặt ở đầu hồi cánh Nam và Bắc.
- Các tác phẩm điêu khắc kiến trúc cũng như kính màu được sử dụng rộng rãi.
- Kiểu mặt bằng cơ bản là kiểu mặt bằng chữ thập Latinh, mặt đứng ở phía Tây có cửa vào được trang trí lộng lẫy nhất; ở phần Hậu cung phía Đông thường có những gian thờ nửa đường tròn.
- Hình thức bên ngoài phản ánh trung thực hình thức kết cấu bên trong.
- Công trình cao lớn, đồ sộ và các bộ phận chi tiết kiến trúc vượt quá sự phù hợp với tỷ xích của con người.
- Cảm giác về chiều cao của nhà thờ Gotic là do chiều cao thật của nó quyết định và một phần nữa là do ảo giác quyết định, ảo giác này là do cột cuốn, gờ sống và vòm trần gây nên.
Nhà thờ Gotic có chiều cao lớn từ 38-42 mét, riêng tháp lấy ánh sáng cao đến 60m, cửa sổ kính màu ở mặt đứng có thể lớn tới 8-12 mét.
Mặt đứng phía Tây (mặt chính) của kiến trúc nhà thờ Gotic tuân theo những chế định nhất định, từ dưới lên trên được chia làm ba phần (ba tầng): phần dưới cùng là cửa, thường có ba hốc cửa rất sâu (chiều sâu của hốc có thể chiếm hẳn một bước nhà);
Phần giữa ở chính giữa cửa sổ tròn to bằng kính màu được tô điểm như những bông hoa hồng; phần trên cùng là hành lang và hai tháp chuông.
Kết cấu nhà thờ Gotic là một trong những sáng tạo đặc biệt nhất, tạo cho kiến trúc nhà thờ những ưu việt và vẻ đẹp đặc biệt, mà trước đó các hệ thống kết cấu, kể cả những nền kiến trúc phát triển cao như La Mã cổ đại, chưa đạt được.
Hệ thống kết cấu nhà thờ Gotic là một hề thống không gian lớn, dùng khung chịu lực, tách biệt rõ rệt giữa kết cấu chịu lực và kết cấu ngăn cách; với những thành phần chính tính từ đổ mái xuống là: vòm mái hình múi có sống, cuộn nhọn, cột và cuộn bay. Hệ thống đã tạo cho kiến trúc những không gian mệnh mông, khoáng đạt và một khung cảnh nội thất nhẹ nhàng, tràn ngập ánh sáng.
Trong các công trình kiến trúc Gotic, khi xây dựng vòm mái bằng hình chữ nhật,thông thường người ta gặp mái cong hai chiều rất phức tạp, như vậy khi mặt chiếu bằng của nó là hình chữ nhật, chiều cao của cuốn vẫn bằng nhau, nên xử lý kiến trúc vòm có múi đơn giản hơn rất nhiều.
Hệ thống kết cấu của vòm Gotic không còn có một gắn bó nào với kết cấu của kiến trúc La Mã cổ đại, tính chất cách tân của kiến trúc Gotic có được là nhờ những cuộn nhọn (đến từ kiến trúc phía Đông, mái vòm có bốn cuộn nhọn có múi đỡ). Vòm mái hình múi có sống trong kiến trúc mái nhà thờ Gotic chia ra làm các loại:
- Vòm có sống bốn mũi có hình chiếu mặt bằng hình chữ nhật.
- Vòm có sống sáu mũi có hình chiếu hình chữ nhật.
- Vòm có nhiều sống và nhiều múi hình sao có mặt chiếu hình chữ nhật (loại vòm mái phức tạp này là sản phẩm của kiến trúc Gotic hậu kỳ).
Bốn chân vòm của kiến trúc truyền tải xuống cột và một phần của tải trọng xuống cuốn bay.
Cuốn bay là một thành phần quan trọng của hệ thống kết cấu nhà thờ Gotic, chia xẻ với cột tải trọng của vòm, làm giảm tiết diện của cột kiến cho công trình có thể mở cửa sổ lớn được và làm cho đường nét kiến trúc thêm thanh thoát.
Cuốn bay (Flying buttess) bao gồm những cái cuốn nghiêng trong không trung và những bệ cột đứng, là một sáng tạo lớn khác cho kiến trúc Gotic. Cuốn bay, cũng giống như những cột bổ trụ, được xây dựng dùng để đỡ những lực đạp ở mặt bên, nhưng vì cấu tạo thì khác xa cột bổ trụ. Cuốn bay cũng góp phần làm cho gắn bó hơn mối liên kết giữa nhịp lớn ở giữa và nhịp biên, khiến cho kích thước cột của hai bộ phận này giảm nhỏ.
Hệ thống kết cấu nhà thờ Gotic đưa đến kết quả là tiết kiệm được nhiều vật liệu cho vòm, chiều dày của vòm chỉ còn khoảng 25-30cm, vòm mái hình múi có sống còn hợp được nhiều loại mặt bằng khác nhau, chẳng hạn trong trường hợp mặt bằng hình dáng phức tạp như đàn tế nhà thờ Saint Denis.
Nhà thờ Đức Bà Paris: Tiêu biểu cho phong cách Gothic "rực cháy":
Nhà thờ Đức Bà Paris (tiếng Pháp: Cathédrale Notre-Dame de Paris) là một nhà thờ Công giáo tiêu biểu cho phong cách kiến trúc Gothique trên đảo Île de la Cité (nằm giữa dòng sông Seine) của Paris. Đây cũng là nhà thờ chính tòa của Tổng giáo phận Paris.
Kiến trúc bên trong nhà thờ
Kiến trúc bên trong nhà thờ

Nhà thờ Đức Bà Paris là một kiệt tác về kiến trúc cổ ngay ở trung tâm Paris và cũng nằm trong tim của người dân Paris. Nhà thờ đã biến thành một huyền thoại sống mà người ta không ngừng khám phá trở lại những khía cạnh mới qua những thời gian và không gian khác nhau. Đây là cội nguồn của biến đổi sự hứng khởi cho họa sĩ cũng như văn thi sĩ. Nhà thờ xây lại trên dấu vết của một nhà thờ cũ nhỏ, được xây bởi vua Clovic để giữ lời nguyện với Đức mẹ khi đứa con trai tên là Childebert khỏi bệnh.
Nhà thờ Đức Bà Paris đã tham gia vào nhiều thăng trầm cũng như biến động lịch sử của kinh đô ánh sáng. Trước tiên nơi đây là một cái đền gallo-romain (cấu trúc giữa Pháp cổ và La Mã) sau đó biến thành đền basilique chrétienne (đền công giáo) sau cùng biến thành một nhà thờ có lối cấu trúc theo kiểu la tinh. Ba lần thay đổi chưa yên và lần thứ tư là Nhà thờ Đức Bà Paris ngày nay, do ông Maurice De Sully đứng trông nom với sự hợp tác hai kiến trúc sư Jean de Chelles và Pierre Montreuil. Bắt đầu xây cất năm 1163 chấm dứt năm 1300 (công trình xây cất Nhà thờ Đức Bà Paris 137 năm) Có chiều dài 130, chiều ngang 48 thước, chiều cao 35 thước, có thể chứa được 6.500 người.
Nhà thờ Đức Bà Paris là nhà thờ lớn cuối cùng có những đường nét cũng như ý kiến cấu trúc mới so với thời đại đó. Chẳng hạn như những vòng cung đá tỏa ra nhìn xa xa như những giải lụa đẹp mắt và để kéo dài tuổi thọ của nhà thờ, nước mưa hứng từ những máng xối, được chảy qua trong miệng các hình làm bằng tượng chung quanh, để phun nước ra xa chân tường (khỏi bị hư hại nền móng dưới chân tường với thời gian).
Phía mặt tiền nhà thờ có một cấu trúc thăng bằng và uy nghi. Ba cửa lớn không bằng nhau, cửa giữa cao nhất và rộng hơn hai cửa kia. Vào thời trung cổ người ta thường dùng sự mất cân đối này để giảm sự đơn điệu buồn tẻ của những mặt tiền lớn. Những cửa sắt lớn có những tượng nổi lên một nền vàng tượng trưng cho quyển thánh kinh bằng đá. Sáu cánh cửa lớn được trang trí bằng những cốt sắt uốn nắn tuyệt đẹp và những hình tượng các thánh điêu khắc trên cạnh những vòm cong.
Bên trong, ngay tại giữa thánh đường, hai hàng cột với vòm trần trên cao, tượng trưng cho lối kiến trúc Pháp vào thế kỷ 13: đường nét thanh thoát nhưng táo bạo với những chạm trổ tinh vi. Để soi sáng phía trong nhà thờ người ta làm rộng những cửa sổ. Đỡ những tháp là những trụ đường kính lên đến 1,6m. Những vụ tu bổ đòi hỏi rất nhiều công phu theo cách làm hồi xa xưa và cây đàn orgue được cấu tạo bởi 7800 ống đồng, kích thước khác nhau, phát ra một thứ âm vang ngân xa trầm bổng, làm dịu lại lòng người.
Trên khung cửa lớn ở ngòai mặt tiền nhà thờ, có một hàng 28 bức tượng hiện thân của những vua Juda và Do Thái. Năm 1793 nhóm cách mạng lâm thời lật đổ vương quyền, họ tưởng những tượng đá trên là biểu tượng của vua chúa Pháp, nên ra lệnh đem xuống chặt đầu trước sân nhà thờ và đập phá một số tượng khác nữa. Sau đó ông Viollet le Duc sửa chữa lại một số hư hại về kiến trúc cũng như một số tượng và người ta không khỏi ngạc nhiên khi một số tượng bằng đồng có khuôn mặt na ná giống ông. Không lẽ đem những hình tượng có khuôn mặt giống ông nấu ra đúc lại, nên người ta vẫn để nguyên. Xét cho cùng thì chuyện này cũng vô thưởng vô phạt vì hình tượng đã đạt được những mỹ thuật cố hữu của nó.
Sự trùng tu gặp rất nhiều thuận lợi nhờ sự thành công của cuốn tiểu thuyết tình cảm Notre-Dame de Paris của đại văn hào Victor Hugo. Phía trên cửa giữa nhà thờ, có một cửa sổ tròn bằng kính được ghép đủ màu sắc như một hào quang cho tượng Đức mẹ và chúa hài đồng, hai bên có hai thiên thần canh gác, có đường kính 10m và là cửa sổ lớn nhất mà người ta dám nghĩ và làm vào thời đó. Hai bên cửa sổ tròn bằng kính ở giữa là hai tháp: một tháp nhìn về hướng Bắc, một tháp nhìn về hướng Nam hai tháp này có chiều cao là 69m. Tháp Bắc (bên trái) có 402 bậc thang. Tháp Nam (bên phải) để một cái chuông lớn tên là Emmanuel cân nặng 13.000kg và một cây để rung chuông nặng 500kg.
Vào thế kỷ 17 chuông cũ được đúc lại, khi đánh lên rất thanh thoát như tiếng nhạc tạo thành âm thanh của nó, lý do là khi nấu đúc lại, chuông mới có chất vàng và bạc trong đồng từ những vật trang sức của những người dân Paris đã tự nguyện đóng góp vì đức tin. Năm 1949 nhà thờ lập lại truyền thống cũ: hàng năm vào tháng Năm mỗi một nhà kim hòan tại Ba Lê sẽ gởi tặng nhà thờ một món quà quí giá về nghệ thuật.
Ngay trước khi hòan thành Nhà thờ Đức Bà Paris đã có những sự kiện lịch sử và chính trị xảy ra nơi đây. Saint-Louis đã để lại đây một vương miện biểu tượng bằng gai vào năm 1239. Vào năm 1302 ông Phillipe Lebel đã tổ chức long trọng làm lễ giới thiệu quốc hội của vương quốc. Vào năm 1431 Henry VI lên ngôi vua Pháp được làm lễ tại đây. Sau đó nhà thờ tổ chức những vụ tang lễ, hôn nhân cũng như ân xá. Thời xa xưa, đạo giáo có một uy thế rất lớn trong xã hội, nên bất cứ sự kiện gì quan trọng, đều phải có sự thông qua bằng một lễ lớn của nhà thờ, như một hình thức hợp thức hóa. Năm 1455 nhà thờ làm lễ phục hồi thánh chức cho nữ anh hùng dân tộc Jeanne d’Arc và đức Giáo hoàng Pie VII làm lễ lên ngôi cho Napoléon ngày 02/12/1804.
Cả hàng triệu tín đồ trước đây cũng như bây giờ đi viếng thăm Nhà thờ Đức Bà Paris như một hình thức hành hương. Đến để tìm hiểu và thấm nhuần những nét thiêng liêng của nơi đây trong những âm thanh không rõ nét của thường lệ. Từ lối kiến trúc thời trung cổ có nền văn minh đi trước lối kiến trúc hiện đại ngày nay, Paris hiến cho đời một kiệt tác mà thời gian và những biến cố lịch sử không làm ảnh hưởng gì đến những kiến trúc đó. Cho đến bây giờ, kiến trúc đó vẫn tỏa sáng mà bất cứ ai, thuộc mọi tầng lớp khi ngắm nhìn cũng phải trầm trồ thán phục.

No comments:

Post a Comment