Tuesday, December 6, 2011

* Super Dvora Mk.III chống tác chiến phi đối xứng

Không được tổ chức để đấu với các chiến hạm tên lửa hàng ngàn tấn, Hải quân Israel được xây dựng để chống khủng bố, buôn lậu vũ khí và nhập cư trái phép.
Do yêu cầu của nhiệm vụ, ngoài 2 tàu ngầm, ba tàu hộ vệ tên lửa và 10 tàu tấn công tên lửa hạng nhẹ, lực lượng chính của hải quân Israel là các tàu tuần tra bờ biển. Mỗi chiếc tàu tuần tra trong lực lượng này luôn phải đảm bảo 400 giờ tuần tra liên tục trên biển trong một tháng.
Lực lượng tàu tuần tra bờ biển của Israel đã sớm lập được chiến công sau khi thành lập. Năm 1973, trong cuộc chiến tranh Yom Kippur, 2 trong số 12 chiếc tàu tuần tra Dabur của Israel (nhận từ Mỹ năm 1970) đã đột kích thành công vào lực lượng đặc nhiệm của Ai Cập, phá hủy số tàu này trước khi chúng tấn công Israel.
Năm 1980, tiếp theo thành công của Dabur, Nhà máy đóng tàu IAI Ramta của Israel đã tự thiết kế và đóng loại tàu tuần tra đầu tiên của nước này với tên Dvora (tiếng Israel có nghĩa là “Con ong”). Những chiếc Dvora đầu tiên không được thành công như mong muốn do mắc nhiều lỗi thiết kế, vận tốc chiếc tàu không thể vượt quá 65 km/h. Tháng 5/1989, trên bờ biển Nitzanim, tàu tuần tra của Israel đã không thể đuổi kịp các con tàu cao tốc của các du kích Palestine.

Những thuyền máy nhỏ, cao tốc luôn làm đau đầu các lực lượng tuần duyên.



Sau đó, IAI Ramta và Hải quân Israel đã nghiên cứu và cải tiến để cho ra đời tàu Super Dvora (1989), Super Dvora Mk.I (1993) và Super Dvora Mk.II.
Trong đó, tàu tuần tra Super Dvora Mk.II có chiều dài 25 m và có vận tốc tối đa tới 83,5 km/h. Nhờ có tốc độ cao và khả năng thao diễn tốt, Super Dvora Mk.II đã rất thành công trên thị trường xuất khẩu quốc tế.
Năm 2002, Hải quân Israel và IAI Ramta quyết định thành lập một nhóm thiết kế nhằm chế tạo ra một loại tàu tuần tra thế hệ mới có khả năng vượt trội so với Super Dvora Mk.II. Yêu cầu đặt ra là: Có khả năng truy đuổi các mục tiêu nhỏ với vận tốc lên tới 92,5 km/h; có khả năng hành trình trên cự ly dài tới 1.850 km; tiếp nhiên liệu và thực phẩm ngay trên biển, có khả năng hoạt động bình thường trong điều kiện biển động cấp 5 và sống sót trong biển động cấp 7, đủ ổn định để lắp đặt các loại vũ khí cùng cảm biến và có giá cả hợp lý. Nghiên cứu này cuối cùng đã dẫn đến sự ra đời của tàu tuần tra Super Dvora Mk.III với chiếc đầu tiên mang số hiệu 830 được trang bị cho Hải quân Israel vào ngày 17/7/2004.
Super Dvora Mk.III có chiều dài 27,4 m, rộng 5,67 m, mớn nước 1,1 m và có giãn nước đủ tải 72 tấn. Toàn bộ thân tàu được chế tạo bằng loại hợp kim nhôm đặc biệt mã hiệu 6000 (là hợp kim rất cứng giữa nhôm, magiê và silic) giúp tàu có khả năng chống đạn tốt và chịu được sự ăn mòn của nước biển.
Được trang bị 2 động cơ MTU 12V4000 công suất 2.720 mã lực mỗi chiếc cùng hệ thống động lực kiểu phụt nước (waterjet), Super Dvora Mk.III có thể đạt vận tốc tối đa tới 90 km/h. Nhờ thiết kế thân và mũi đặc biệt, tàu có khả năng thao diễn tốt, có thể cua gấp ở tốc độ cao và hoạt động ở những vùng nước rất nông.

Super Dvora Mk.III có thể đạt được tốc độ tới 90 km/h và có khả năng di chuyển trong vùng nước nông



Tàu được thiết kế chia thành 6 khoang riêng biệt kín nước, những khoang này hoàn toàn không bị ảnh hưởng gì nếu các khoang bên cạnh bị bắn thủng.
Trong mỗi khoang cũng được trang bị bơm cùng thiết bị cấp điện riêng, có thể hoạt động hoàn toàn tự động khi kích hoạt bằng một nút bấm.
Một sĩ quan Hải quân Israel làm việc trong chương trình cho biết, trong một bài thử nghiệm, tàu có khả năng sống sót khi ba trong 6 khoang bị phá hủy hoàn toàn bởi bom, mìn tự tạo (IEDs).
Nhằm phục vụ các chuyến hải hành dài, có thể lên đến 4 ngày liên tục, nội thất trong tàu cũng được thiết kế với chất lương rất cao để phục vụ tốt cho 14 thành viên thủy thủ đoàn.
Các khoang thủy thủ đều được thiết kế với nội thất tiện lợi, có điều hòa không khí và cách âm, cách nhiệt hoàn toàn với phần còn lại của tàu. Giữa các phần của tàu cũng được lắp đặt thiết bị liên lạc nội bộ với nhau cùng với thiết bị chữa cháy tự động, giúp thủy thủ đoàn có khả năng ứng phó hữu hiệu nhất khi diễn ra tình huống chiến đấu.

Pháo Oerlikon 20 mm ở phía đuôi tàu vận hành bằng tay



Về vũ khí trang bị, Super Dvora Mk.III được trang bị đầy đủ các vũ khí để chống lại các mối nguy hiểm trên biển, trên không và dưới mặt nước.
Pháo chính của tàu là một khẩu Typhoon cỡ nòng 25 mm do Rafael sản xuất đặt phía trước mũi. Khẩu pháo này có thể được điều khiển trực tiếp từ bàn điều khiển hay tự động bắt bám mục tiêu nhờ tín hiệu chỉ thị của hệ thống trinh sát quang hồng ngoại (EO/IR).
Khẩu pháo tự động này có khả năng bắn với tốc độ 200 phát/ phút với tầm bắn 2,5 km. Phía sau tàu được trang bị một khẩu pháo bắn nhanh Oerlinkon 20 mm làm nhiệm vụ phòng không cùng 2 đại liên cỡ nòng 7,62 mm.
Ngoài ra, tàu cũng trang bị một khẩu súng phóng lựu tự động cỡ 40 mm làm nhiệm vụ chống người nhái.

Cụm pháo chính bắn nhanh cỡ nòng 25 mm Typhoon và hai tên lửa Spike-ER gắn kèm



Ngoài ra, trong điều kiện chiến đấu, người ta cũng có thể gắn thêm hai ống phóng tên lửa Spike-ER trên cùng bệ pháo Typhoon. Loại tên lửa dẫn đường quang - điện tử này có thể dùng để tấn công tàu thuyền đối phương hay các mục tiêu bờ biển ở khoảng cách tối đa tới 8 km.
Bộ thiết bị định vị tiêu chuẩn của Super Dvora Mk.III bao gồm một radar hàng hải, thiết bị định vị toàn cầu GPS, địa bàn con quay, la bàn từ trường, thiết bị đo sâu cùng đồng hồ hàng hải tự động.
Radar chính trang bị trên tàu là loại Sperry Marine Bridge Master-E băng sóng I do Northrop Grumman sản xuất có khả năng định vị và tìm kiếm các mục tiêu trên mặt biển.
Hệ thống ngắm quan điện POP-3000 do công ty IAI sản xuất cũng được lắp trên đài radar có nhiệm vụ điều khiển pháo 25 mm và tên lửa Spike-ER (nếu trang bị).
Các thông tin trinh sát sẽ được hiển thị theo thời gian thực trên các màn hình tại phòng điều khiển giúp người điều khiển tàu có khả năng đưa ra quyết định đúng đắn và sớm nhất.

Radar băng sóng I và thiết bị ngắm quang điện phía trên phần thượng tầng của Super Dvora Mk.III. Phía dưới là hai súng máy cỡ nòng 7,62 mm



Trước các mối nguy hiểm, nhiều nhất là tên lửa chống tăng AT-3 Sagger hay loại hiện đại hơn là AT-14 Kornet (số lượng hạn chế) của lực lượng Hezbollah, những chiếc Super Dvora đóng sau còn được trang bị bộ thiết bị phát hiện nguy hiểm và đối phó quang điện tử có tên EL/M2222S Nav Guard.
Được cải tiến từ bộ thiết bị Air Guard dành cho máy bay, Nav Guard bao gồm các bộ phận như cảm biến cảnh báo tên lửa có khả năng phát hiện và phân loại tên lửa đang bắn tới, thông báo cho người điều khiển và kích hoạt hệ thống phòng vệ quang điện tử.
Cảm biến tên lửa này được cấu tạo từ bốn radar băng sóng E/F, bốn cảm biến hồng ngoại bố trí trên đài radar sao cho có thể bao quát 360 độ xung quanh tàu.
Mỗi radar này lại được cấu tạo từ 16 module gửi - nhận tín hiệu với công suất cực đại tới 2,5 kW, có khả năng phát hiện cả những mục tiêu nhỏ nhất như tên lửa chống tăng hay đạn RPG.
Sau khi phát hiện mục tiêu, Nav Guard sẽ đối phó chủ yếu bằng các hệ thống phòng vệ thụ động như tạo khói, gây nhiễu radar hay pháo sáng bắn từ bốn cụm phóng.
Hiện tại, Israel sở hữu 10 chiếc tàu tuần tra cao tốc Super Dvora Mk.III. Tất cả lực lượng này đều được bố trí tại hải đội 916 đóng tại cảng Ashdod và bảo vệ một dải bờ biển dài 70 km từ Rafah tới Mikhmoret.
Ngoài ra, Super Dvora Mk.III cũng đã được chào hàng ra nước ngoài. Năm 2009, hải quân Sri Lanka đã ký một hợp đồng để mua 6 chiếc tàu tuần tra này.
Cũng giống như Israel, những chiếc tàu này sẽ là phương tiện hữu hiệu để quốc đảo Sri Lanka chống lại chiến thuật chiến tranh bất đối xứng của các nhóm phiến quân du kích trang bị vũ khí nhẹ.
An Thái (Theo Jane's Defence)

No comments:

Post a Comment