Nam Phong
Tàu thăm dò không người lái Curiosity đã được Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) phóng lên không gian vào ngày 26/11 vừa qua. Chuyến thám hiểm của Curiosity được kỳ vọng là sẽ giúp con người giải đáp những thắc mắc và tranh cãi lâu này về “hành tinh đỏ” đặc biệt là vấn đề có hay không sự tồn tại của sự sống trên hành tinh này.
Theo kế hoạch, Curiosity sẽ hạ cánh xuống miệng núi lửa Gale vào tháng 8 năm sau, nghĩa là chúng ta vẫn phải chờ đợi gần một năm nữa để có câu trả lời cuối cùng cho những thắc mắc của mình. Trong thời gian chờ đợi này, hãy cùng điểm lại những bí ẩn của Sao Hỏa mà cho tới nay con người vẫn chưa tìm thấy câu trả lời.
Con người vẫn đang cố gắng khám phá những bí ẩn của hành tinh đỏ. |
1. Vì sao sao Hỏa có “hai mặt”?
Trong suốt nhiều chục năm qua, các nhà khoa học luôn cảm thấy khó hiểu vì hai mặt của sao Hỏa tồn tại sự khác biệt rất lớn. Phần bắc bán cầu của hành tinh này bằng phẳng và thấp, có thể nói là nơi bằng phẳng nhất trong Thái Dương hệ. Nhiều người cho rằng, địa hình này có thể là do các dòng nước từng chảy qua bề mặt sao Hỏa tạo thành. Tuy nhiên, địa hình ở nam bán cầu thì ngược lại rất gồ ghề, với rất nhiều hố thiên thạch. Độ cao so với mực nước biển của khu vực này cao hơn từ 4-8km so với vùng bồn địa phía bắc bán cầu. Những chứng cứ các nhà khoa học mới nhận được chứng minh rằng, sự khác biệt giữa địa hình bắc và nam bán cầu của Sao Hỏa có thể là do sự va chạm với nham thạch vũ trụ trong một thời gian dài.
2. Khí metan bắt nguồn từ đâu?
Năm 2003, tàu vũ trụ Mars Express của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Châu Âu lần đầu tiên phát hiện ra khí metan trên Sao Hỏa. Đây là một phân tử hữu cơ đơn giản. Trong bầu khí quyển Trái đất, phần lớn khí metan được tạo ra từ các hoạt động sống chẳng hạn như tiêu hóa thức ăn của động vật. Các nhà khoa học nhận định rằng, khí metan đã ổn định trong khí quyển Sao Hỏa khoảng 300 năm nay, vì vậy chưa thể xác định được hiện tại Sao Hỏa có tiếp tục sản sinh loại khí này hay không.
Đương nhiên, ngay cả trong trường hợp không có sự sống vẫn có thể sản sinh khí metan, chẳng hạn như hoạt động của núi lửa. Theo kế hoạch, tàu vũ trụ ExoMars của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Châu Âu được phóng vào năm 2016 sẽ thực hiện việc nghiên cứu các thành phần trong khí quyển sao Hỏa, tìm hiểu những thông tin liên quan tới khí loại khí metan này.
3. Trên sao Hỏa có biển hay không?
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra những đặc điểm địa hình của Sao Hỏa chứng minh rằng, bề mặt hành tình đỏ trong quá khứ đủ ấm để các dòng nước ở thể lỏng có thể chảy trên bề mặt của nó. Những đặc điểm này bao gồm những kết cấu giống như một đại dương rộng lớn, lũng sông, hay các đồng bằng châu thổ và các khoáng chất được hình thành trong môi trường có nước.
Tuy nhiên, mô hình khí hậu hiện tại của Sao Hỏa không thể giải thích được vì sao khí hậu ấm áp này đã từng tồn tại. Bởi vì, vào thời điểm đó, ánh sáng mặt trời yếu hơn rất nhiều so với hiện tại. Vì vậy, nhiều người cho rằng, những đặc điểm địa mạo này có thể là do gió hoặc một nhân tố nào khác hình thành.
4. Hiện tại trên bề mặt sao Hỏa có nước hay không?
Một đại dương rộng lớn được cho là đã từng tồn tại trên sao Hỏa. |
Mặc dù rất nhiều chứng cứ cho thấy bề mặt Sao Hỏa từng có nước chảy, tuy nhiên, hiện tại, trên bề mặt Sao Hỏa có nước hay không thì vẫn còn là một bí ẩn. Áp suất khí quyển của Sao Hỏa rất thấp, chỉ bằng 1/100 của Trái đất, quá thấp để nước có thể lưu lại trên bề mặt. Tuy nhiên, những đường hẹp và sẫm màu được thấy trên các sườn núi gợi lên rằng nước mặn có thể chảy xuống từ sườn núi vào mỗi mùa xuân.
5. Sự sống tồn tại trên Sao Hỏa?
Tàu Viking 1 của NASA, tàu vũ trụ đầu tiên của con người đáp xuống Sao Hỏa đã làm dấy lên câu hỏi mà cho tới nay vẫn chưa có lời giải: Liệu trên Sao Hỏa có tồn tại sự sống hay không? Viking 1 là con tàu đầu tiên cũng là con tàu duy nhất có mục tiêu là tìm kiếm sự sống trên hành tinh đỏ.
Viking 1 đã phát hiện ra các phân tử hữu cơ như methyl chloride và dichloromethane. Tuy nhiên, những phát hiện của con tàu này gây ra những tranh cãi rất lớn. Nhiều người cho rằng, những chất này là có nguồn gốc từ trái đất trong quá trình làm sạch tàu dưới mặt đất.
So với sự sống mà chúng ta từng biết tới thì hoàn cảnh Sao Hỏa quá khắc nghiệt. Nó quá lạnh, phóng xạ mạnh, rất khô và còn rất nhiều nhân tố bất lợi khác. Tuy nhiên, trên Trái đất, tại những nơi có hoàn cảnh khắc nghiệt nhất như Nam Cực, sự sống vẫn tồn tại.
Trong thực tế, trên Trái đất của chúng ta chỉ cần ở những nơi có nước chảy là có tồn tại sự sống. Do vậy, việc Sao Hỏa có khả năng tồn tại đại dương khiến nhiều người tin rằng, sự sống tồn tại trên Sao Hỏa.
6. Con người có thể sống trên Sao Hỏa không?
Để trả lời câu hỏi sự sống đã từng hoặc vẫn đang tồn tại trên Sao Hỏa, con người buộc phải tự mình tới hành tình này để tìm câu đáp án. Vào năm 1969, Cơ quan Hàng không Vũ trụ của Mỹ đặt ra kế hoạch đưa người lên sao Hỏa vào năm 1981 sau đó xây dựng cơ sở trên Sao Hỏa vào năm 1988.
Tuy nhiên, việc di chuyển giữa các hành tinh của con người gặp phải rất nhiều thách thức về công nghệ. Chẳng hạn như vấn đề thực phẩm, không khí, nước trong suốt chuyến đi. Ngoài ra, con người cũng sẽ gặp rất nhiều nguy hiểm như những ảnh hưởng của việc mất trọng lượng, cháy hoặc phóng xạ vũ trụ… Đó còn là chưa kể việc hạ cánh, làm việc cho tới sinh hoạt trên một hành tinh khác rồi quay trở về Trái đất đều gặp phải những khó khăn rất lớn.
Tuy nhiên, rất nhiều phi hành gia vẫn hy vọng có thể tìm được lời giải cuối cùng. Chẳng hạn như 6 tình nguyện viên từ nhiều quốc gia tham gia dự án Sao Hỏa 500 đã sống gần nửa năm trong môi trường mô phỏng tàu vũ trụ. Mục đích của dự án này là nhằm mô phỏng quá trình đưa con người lên tàu Sao Hỏa chuẩn bị cho những cuộc thám hiểm Sao Hỏa của con người trong tương lai.
No comments:
Post a Comment