Saturday, December 10, 2011

* Tại sao không ai thực sự muốn giải quyết vấn đề hạt nhân Iran?

Dù Mỹ, Israel, Nga, Trung Quốc và cả Iran đều tỏ ra sốt sắng với cuộc khủng hoảng hạt nhân của quốc gia Hồi giáo nhưng thực chất không nước nào muốn ngồi vào bàn đàm phán để tìm ra lời giải cho bài toán này.
Trong bối cảnh IAEA công bố bản báo cáo về chương trình hạt nhân của Iran, nhiều người dự đoán rất có thể Nga sẽ nhắc lại đề xuất làm giàu uranium cho Iran như từng đưa ra hồi mùa hè năm nay và động thái này có thể giúp chính quyền Obama đảm bảo rằng mọi chuyện sẽ không đi quá xa vào năm 2012.
Khả năng đó có thể xảy ra mà theo đó, nhóm 5+1 kêu gọi Iran nghiêm túc chấp nhận lời đề nghị chuyển uranium sang Nga làm giàu để minh bạch hóa chương trình hạt nhân Tehran trong bối cảnh Israel ngày càng mất kiên nhẫn và tăng cường đe dọa quân sự.
Trong khi đó, Nga và Trung Quốc cũng sẽ nhiệt liệt hưởng ứng quan điểm này của phương Tây bởi kết quả của nỗ lực đàm phán này rất có thể là quyết định dỡ bỏ các lệnh trừng phạt và đưa quan hệ thương mại giữa hai nước này với Tehran trở lại như xưa.
Viễn cảnh này nghe có vẻ hợp lý nhưng thực tế cho thấy, khả năng có thể xảy ra nhất là cộng đồng quốc tế sẽ phải chờ đợi vô thời hạn và rồi sẽ chẳng có kế hoạch nào được vạch ra nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân này bởi dường như cả Mỹ, Nga, Trung Quốc, Israel và Iran đều không mặn mà với một giải pháp ngoại giao cho bài toán này.

Mỹ thận trọng trước bầu cử
Về lý thuyết, Mỹ theo đuổi chính sách “cây gậy và củ cà rốt” với Iran. Chính sách này bắt đầu từ năm 2009, khi Tổng thống Obama tuyên bố với Tehran rằng: “Washington cam kết theo đuổi con đường ngoại giao và tiến trình phi hạt nhân hóa Iran sẽ không có chỗ cho những lời đe dọa”.
Iran dường như phản ứng rất tích cực sau tuyên bố này. Họ tuyên bố chấp thuận kế hoạch trao đổi uranium ở cấp độ thấp lấy cấp độ cao nhằm tự ngăn chặn khả năng làm giàu uranium của mình. Tuy nhiên, khi đó các bên chưa đạt được một thỏa thuận chính thức nào.
Mùa thu năm nay, ông Ahmadinejad cũng từng ba lần, trong đó có một lần tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, đưa ra đề nghị giảm cấp độ làm giàu uranium của Iran từ 20% xuống 5%. Dường như Mỹ cũng muốn chớp lấy cơ hội này nhưng tính đến nay vẫn chưa có động thái cụ thể nào được đưa ra.
Mỹ không muốn những bất trắc trong nỗ lực đàm phán với Iran gây bất lợi cho ông Obama cuộc bầu cử Tổng thống sắp tới. Ảnh: chrisgtsblog.

Theo nhà báo James Acton, có một số lý do cho sự trì trệ này song gốc rễ của vấn đề chính là thực tế, Mỹ đã mất hết nhiệt huyết và cũng thấy không còn có thể thu lợi lộc gì từ tiến trình ngoại giao.
Năm 2010, Mỹ "khích lệ" Brazil và Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra lời đề nghị đàm phán với Iran về thỏa thuận trao đổi nhiên liệu hạt nhân để thu về 1.200kg uranium cấp độ thấp do Iran tự làm giàu và trao lại cho Tehran uranium làm giàu ở cấp độ 20% phục vụ cho lò phản ứng hạt nhân của mình.
Tuy nhiên, cựu Ngoại trưởng Brazil Celso Amorim, người tham gia trực tiếp vào nỗ lực ngoại giao Brazil-Thổ Nhĩ Kỳ-Iran, tiết lộ rằng, sau khi Mỹ thúc giục Brazil xúc tiến thỏa thuận này và Iran đồng ý thì Washington lại nuốt lời và quay ra phớt lờ.
Theo giới phân tích, để có được chính sách với Iran, Tổng thống Obama cùng tổ cố vấn phải tiến hành quá trình phân tích tất cả các yếu tố, trong đó cuộc bầu cử năm 2012 là một nhân tố đặc biệt quan trọng.
Trong bối cảnh chiến dịch vận động tranh cử đang ngày càng căng thẳng, các cố vấn của ông Obama không muốn những cái bắt tay với Iran trong nỗ lực đàm phán sẽ mang lại bất cứ bất trắc nào, ảnh hưởng đến khả năng tái đắc cử Tổng thống của ông Obama.
Sự thận trọng này thực sự không thừa bởi Nga và Trung Quốc chắc chắn sẽ không “để cửa” cho Mỹ thu được nhiều lợi ích từ các cuộc đàm phán với Iran bởi sự mâu thuẫn trong nhiều vấn đề chiến lược khác; và Moscow cũng như Bắc Kinh đều nhận thấy rằng, hợp tác với Washington về vấn đề Tehran cũng sẽ chẳng mang lại lợi lộc gì.
Vì vậy, cố vấn an ninh của Mỹ Tom Donilon mới đây chỉ đưa ra một tuyên bố nước đôi, theo đó, ông dùng những lời lẽ mỹ miều như ông Obama từng sử dụng hồi năm 2009 để đánh giá cao Iran song cũng nhấn mạnh những hành động của Tehran khiến Washington phải tăng cường cô lập và bao vây Iran bằng cách siết chặt các lệnh trừng phạt, củng cố sức mạnh cho các đồng minh trong khu vực và để ngỏ cùng lúc khả năng đối thoại và can thiệp quân sự.
Quan điểm mập mờ này có thể giúp ông Obama tránh khỏi những lời lẽ tấn công từ phía phe Cộng hòa rằng, Tổng thống quá mềm mỏng với Iran, gây bất lợi cho ông Obama trong cuộc bầu cử sắp tới.
Do đó, có thể nhận thấy rằng, ít nhất là từ giờ đến khi cuộc bầu cử Tổng thống năm 2012 kết thúc, chính sách né tránh đàm phán với Iran của Mỹ sẽ được duy trì.

Nga, Trung chẳng dại vứt bỏ con bài
Một số chuyên gia phân tích của Mỹ và Nga chia sẻ nhận định rằng, đề xuất đối thoại với Iran nhằm chuyển uranium ra nước ngoài làm giàu của Nga chỉ là một hình thức câu giờ của Moscow mà không có chút thiện chí nào.
Điện Kremlin nhận thức rõ rằng, Iran sẽ không dễ gì chấp nhận đề xuất này. Thực tế cho thấy, dù nhiều tháng trôi qua nhưng Tehran vẫn chưa có câu trả lời về đề nghị này. Còn phương Tây, đặc biệt là Mỹ đương nhiên cũng không muốn câu chuyện hạt nhân Iran chấm dứt theo cách đó.
Một khi các nỗ lực đàm phán được khơi thông, theo đó, uranium sẽ được đưa ra nước ngoài làm giàu và IAEA sẽ phải thừa nhận sự minh bạch của chương trình hạt nhân này; đồng thời kết luận về bản chất hòa bình của nó. Kết quả này sẽ khiến Quốc hội và chính quyền Mỹ đứng ngồi không yên bởi sau tuyên bố của IAEA, Iran có thể tiếp tục “tích cóp” uranium được làm giàu, đồng thời tự tiến hành một số quy trình khác trong nước để tiến tới chế tạo bom hạt nhân.
Vì vậy, thông qua đề xuất này, Nga sẽ vừa được tiếng là tích cực trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân Iran, lại vừa thỏa mãn được những toan tính chiến lược của mình là giữ nguyên hiện trạng “lùm xùm” của bài toán hạt nhân Iran, qua đó, giữ được con bài quan trọng vốn luôn giúp Nga có được lợi thế trong các cuộc trao đổi với Mỹ.
Tương tự, Trung Quốc luôn khao khát trở thành một cường quốc lớn trên thế giới. Tuy vậy, trong bối cảnh thế giới đơn cực, Bắc Kinh hiểu rằng không thể thực hiện chiến lược tốn kém và mạo hiểm – “cân bằng cứng”, tức đối đầu trực diện với Mỹ để tranh giành quyền bá chủ trên trường quốc tế.
Do đó, Bắc Kinh lựa chọn chiến lược đan xen cương nhu và thận trọng, đó là “chiến lược cân bằng mềm”. Đây là chiến lược gây ảnh hưởng thông qua ngoại giao, các tổ chức quốc tế, luật quốc tế và các sức ép kinh tế, không phải là nhằm mục đích kìm hãm hay chống lại sức mạnh siêu cường của Mỹ ở thời điểm này mà là làm phức tạp nhiệm vụ và gia tăng các chi phí tài chính và các hoạt động chính trị của Mỹ.
Trong việc giải quyết khủng hoảng hạt nhân Iran, mục tiêu của Trung Quốc là hạn chế khả năng của Mỹ trong vấn đề áp đặt chương trình nghị sự đối với các quốc gia có ảnh hưởng khác trong hệ thống quan hệ quốc tế.
Trung, Nga đều muốn sử dụng Iran làm con bài chính trị. Ảnh: PressTV.

Trong các cuộc thảo luận tại IAEA, Trung Quốc nỗ lực ngăn cản Hội đồng bảo an xem xét hồ sơ Iran như mong muốn của Mỹ. Ngoài ra, với tư cách là thành viên thường trực của Hội đồng bảo an, Trung Quốc cũng chống lại nhiều dự thảo khác nhau do Mỹ khởi xướng nhằm tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với Iran. Điều này cho thấy rõ việc sử dụng chiến lược cân bằng mềm mà Trung Quốc đang sử dụng.
Như vậy, nếu bài toán hạt nhân Iran được giải quyết êm đẹp thông qua nỗ lực ngoại giao nhằm làm giàu uranium cho Iran ở nước ngoài thì Trung Quốc sẽ chẳng còn quân bài quan trọng để triển khai chiến lược cân bằng mềm với Mỹ của mình.

Israel không muốn tự hại mình
Những bất lợi mà Tel Aviv gặp phải khi giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân Tehran bằng giải pháp ngoại giao là khá rõ ràng.
Dưới thời cựu Vương Shah, quan hệ giữa Israel và Iran rất nồng ấm. Tuy nhiên, mối quan hệ đó ngày càng tồi tệ dưới thời Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad. Chính quyền đương nhiệm Iran không ít lần đe dọa thổi tung Israel.
Do đó, sự thay đổi chế độ tại Iran là điều mà Tel Aviv mong muốn để có thể lại “tay trong tay” với Tehran như xưa, đặc biệt trong bối cảnh Tel Aviv đang phải đối mặt làn sóng chống Do Thái ngày càng tăng cao trong khu vực.
Tuy nhiên, theo giới phân tích, nỗ lực đàm phán sẽ khơi thông những bế tắc trong vấn đề hạt nhân của quốc gia Hồi giáo, theo đó cộng đồng quốc tế sẽ hạn chế cô lập Iran, nâng cao uy tín cho chính quyền Ahmadinejad. Như vậy, tham vọng lật đổ chính quyền Iran của Israel sẽ không thể trở thành hiện thực.

Iran cứng rắn
Trước bài học xương máu từ sự sụp đổ của chế độ Gaddafi do từ bỏ chương trình hạt nhân của mình, chính quyền của Tổng thống Ahmadinejad và lãnh tụ tinh thần Ayatollah Khamenei ngày càng tỏ ra cương quyết hơn nhằm bảo vệ tham vọng hạt nhân.
Dường như lãnh tụ tinh thần Ayatollah Khamenei rút ra bài học rằng, chương trình hạt nhân không phải thứ có thể đem ra trao đổi trong các cuộc đàm phán mà nó chính xác là công cụ đảm bảo sự tồn vong của quốc gia này.
Vì vậy, chính quyền Iran không muốn đi theo vết xe đổ của Libya mà thỏa hiệp với phương Tây trong nỗ lực ngoại giao, để rồi chịu kết cục bi thảm như chế độ Gaddafi.
Như vậy, khi ai cũng giữ cho mình một lý do để né tránh thì viễn cảnh khôi phục vòng đàm phán nhằm giải quyết vấn đề hạt nhân Iran sẽ khó có thể xảy ra, ít nhất trong tương lai gần.
Trà My (tổng hợp)

No comments:

Post a Comment