Wednesday, November 16, 2011

* BÀN VỀ BÚT HIỆU CỦA NGUYỄN DU

TS Phạm Trọng Chánh
"Cung đàn bạc mệnh".
Nguyễn Du có những bút hiệu gì ? Và ý nghĩa các bút hiệu ấy như thế nào?
Trước nhất Nguyễn Du có bút hiệu Thanh Hiên ký rõ ràng trên Thanh Hiên thi tập. Thanh do chữ Thanh Liên là bút hiệu thi hào Lý Bạch quê làng Thanh Liên. Hiên là chữ thường dùng trong gia đình Nguyễn Du, cha, cụ Nguyễn Nghiễm lấy bút hiệu Nghị Hiên, anh Nguyễn Nể (hay Đề) lấy bút hiệu là Quế Hiên.
Nguyễn Hành trong Minh Quyên Phả bài Ca tụng việc đi săn có nhắc đến bút hiệu Phi Tử của Nguyễn Du.:
Phi Tử cười đáp: Phi Tử có điển tích là người xứ Phù Khưu, thời Chiến quốc nuôi ngựa và dâng ngựa cho Vua Chu Hiếu Vương nên được phong chức Phụ Dung (nước phụ của chư hầu). (Xem Thành ngữ Điển tích của Diên Hương.). Việc này ứng với sự kiện năm 1802, Nguyễn Du từ Quỳnh Hải dẫn thủ hạ đem dâng lương thực, bò ngựa cho Vua Gia Long gặp tại huyện Phù Dung trấn Sơn Nam, Nguyễn Du được phong chức tri huyện tại nơi đây. Có lẽ từ đó Nguyễn Du có bút hiệu Phi Tử.

Từ khi tìm ra Lưu Hương Ký của Hồ Xuân Hương: chúng ta tìm thấy những tên lạ làm tựa các bài thơ tặng Hồ Xuân Hương : Thạch Đình (Thạch Đình tặng) Thanh Liên (Họa Thanh Liên nguyên vận). Chí Hiên : Chí Hiên tặng (hai bài thơ).
Bài Thạch Đình tặng, theo tôi nguyên là Thạch Đình tặng biệt, đó là bài thơ nôm của Nguyễn Du làm tại đình đá sông Vị Hoàng, Nam Định, nơi đây là bến biển có gió bão nên xây đình tiễn biệt bằng đá kiên cố. Nơi đây Hồ Xuân Hương tiễn Nguyễn Du năm 1794 về Hà Tĩnh để xây dựng lại từ đường, đình chùa, cầu Tiên làng Tiên Điền bị đốt phá tướng Tây Sơn Lê Văn Dụ nhân vụ khởi nghĩa chống Tây Sơn của Nguyễn Quýnh.. Nguyễn Nể sau khi đi sứ Tây Sơn sang Thanh về, và ba năm làm quan Bắc Hà, nay được Vua Quang Trung triệu vào Phú Xuân phong chức Đông Các học sĩ. Nguyễn Nể bận việc quan không thể trực tiếp trông coi, nên giao việc này cho hai em là Nguyễn Du và Nguyễn Ức, nhất là Nguyễn Ức có tài kiến trúc, về sau cung điện, thành quách kinh đô Huế đời Gia Long, Minh Mạng đều do Nguyễn Ức vẽ kiểu và chỉ huy xây dựng.

Bài họa Thanh Liên nguyên vận là bài thơ của Hồ Xuân Hương đáp lại bài thơ của Nguyễn Du: Thạch Đình Tặng biệt. Có điều Thanh Liên là bút hiệu thi hào Lý Bạch, có lẽ nào Nguyễn Du hay Hồ Xuân Hương không biết tới mà lấy bút hiệu Lý Bạch làm bút hiệu mình, tôi ngờ rằng đó là Thanh Hiên viết thành Thanh Liên, hay Nguyễn Du mang bút hiệu đôi: Thanh Liên Chí Hiên.
Bút hiệu Chí Hiên, Nguyễn Du ký trên hai bài thơ viết năm 1796, sau khi toan vượt biên vào Nam theo Nguyễn Ánh, bị quận Công Nguyễn Thận, trấn thủ Hà Tĩnh bắt giam ba tháng, ra tù ban đêm Nguyễn Du trốn ra Thăng Long, đến nơi thì hay tin mẹ Hồ Xuân Hương đã gả nàng cho anh thầy lang xóm Tây làng Nghi Tàm. Nguyễn Du viết hai bài thơ oán trách nàng tệ bạc ham giàu sang đi lấy chồng, nàng có mắt nàng hãy xem ta làm nên sự nghiệp với nước non.. Sau đó Nguyễn Du về ở nhà Đoàn Nguyễn Tuấn và được Đoàn gả em gái, từ đó Nguyễn Du về Quỳnh Hải năm 30 tuổi chấm dứt cuộc đời Mười năm gió bụi. Bút hiệu Chí Hiên theo tôi Nguyễn Du có từ năm 1787 khi trở thành nhà sư, đi từ chùa này sang chùa khác: Giang Bắc Giang Nam cái túi không. Hành trang bên mình là bản Kinh Kim Cương Chú giải của Lê Quý Đôn, nên đọc tụng ngàn lượt tức ba năm, va đội mũ vàng nhà sư: Muôn dậm mũ vàng chiều nắng xế, đi 5000km từ Vân Nam, lên Trường An và qua Hàng Châu, đến điểm hẹn Miếu Nhạc Phi (viết 5 bài thơ) và ngụ tại chùa Hổ Pháo nơi Từ Hải từng tu hành trước khi thành cướp biển, nơi đây Nguyễn Du có được Kim Vân Kiều Truyện của Thanh Tâm Tài Nhân. Chí lấy từ Pháp danh Chí Thiện Thiền sư rất nổi danh thời Vua Càn Long, chưởng môn phái Thiếu Lâm Tự. Và chữ Hiên của gia đình.
Còn chữ tố như, chỉ xuất hiện trên bài Độc Tiểu Thanh Ký, Nguyễn Du viết năm 1804 lúc làm tri phủ Thường Tín, vợ mất, Nguyễn Du tìm về Cổ Nguyệt Đường mong gặp Hồ Xuân Hương., nối lại duyên xưa. Đến nơi thì Hồ Xuân Hương trong cơn tao loạn Triều Tây Sơn sụp đổ đã lấy lẽ Cai Tổng Cóc Ngiuyễn Công Hoà tại Vĩnh Yên, vợ cả ghen tuông, nàng đang đau ốm. Xót thương nàng thân phận một Tiểu Thanh ba trăm năm lẽ sau, Nguyễn Du đứng bên song cửa viết bài thơ gửi nàng. Tôi dịch như sau:

Tây Hồ vườn cảnh đã hoang vu,
Bên cửa viếng nàng một áng thư.
Son phấn có thần chôn vẫn hận,
Văn chương vô mệnh cháy còn dư,
Mối hờn kim cổ trời khôn hỏi,
Cái án phong lưu khách lụy sầu.
Ba trăm năm nữa trong thiên hạ,
Còn nàng ai khóc một niềm đau .

Hai chữ tố như tra tự điển Thiều Chửu: Tố là tơ trắng, là người phẩm hạnh cao quý, như: là như thế như vậy. Do đó hai câu cuối Bách tri tam bách dư niên hậu, Thiên hạ hà nhân khấp tố như có nghĩa là Không biết rồi đây ba trăm năm lẽ nữa, ai khóc người đẹp tài sắc như nàng Tiểu Thanh. Cách hiểu này giải thích được, định nghĩa hai chữ tố như, thời điểm sáng tác bài thơ năm 1804 và đáp ứng được bài họa của Hồ Xuân Hương.. Trong khi cách giải thích tố như là bút hiệu đầy phi lý: Nguyễn Du lúc ấy mới 37 tuổi mới ra làm quan việc gì mà tru tréo ai khóc mình, lẽ nào Nguyễn Du sánh mình với một cô gái 18 tuổi lấy lẽ, nếu cần Nguyễn Du sẽ hỏi Ngàn năm sau ai nhớ đến ta, nhưng đìều này trái ngược với phong cách Nguyễn Du trong các bài đi săn chẳng cần danh vọng hảo huyền.
CHƠI TÂY HỒ NHỚ BẠN
Phong cảnh Tây Hồ chẳng khác xưa,
Người đồng châu trước biết bao giờ.
Nhật Tân đê lỡ nhưng còn lối
Trấn Quốc rêu phong vẫn ngấn thơ.
Nọ vực Trâu vàng trăng lạc bóng,
Kìa non Phượng Đất khói tuôn mờ.
Hồ kia thăm thẳm sâu dường mấy
So dạ hoài nhân dễ chưa vừa.

Thế thơ Nguyễn Nể, Nguyễn Hành, Đoàn Nguyễn Tuấn, nhắc đến Tố Như nghĩa là thế nào ?
Năm 1920. Trường Viễn Đông Bác Cổ mướn người sao chép các văn bản thơ cổ, người chép mướn, ngay cả con cháu đời sau không hiểu chuyện tình Nguyễn Du Hồ Xuân Hương nên gán bừa Tố Như là bút hiệu, gia phả nhầm lẫn, người chép đời sau thấy chổ nào nghĩ là thơ viết cho Nguyễn Du cứ gán cho hai chữ Tố Như vào. Ví dụ ngày xưa anh em không bao giờ gọi nhau bằng bút hiệu, hay tên tự. Nguyễn Du viết cho Nguyễn Nể chỉ viết Ức Gia Huynh, viết cho em Nguyễn Ức chỉ đề Ngô Gia Đệ. Nguyễn Nể viết cho em cũng thế. Hoài Đệ, người đời sau thêm thành Hoài Tố Như đệ. Câu Gia đệ hà xứ trú được đổi thành Tố Như hà xứ trú.. Bài Ký đồng hoài đệ thành Ký đồng hoài Thanh Hiên Tố Như đệ. Xưa nay chẳng ai ghi hai bút hiệu cùng một lúc.

Thơ Nguyễn Hành, nguyên tác Thúc Phi Tử (Chú Phi Tử) được đổi thành Tố Như Tử, chẳng còn chú cháu nữa, lần thứ nhất đổi Phi Tử ra Tố Như, lần thứ hai cũng đổi, nhưng lần thứ ba lại để sót bút hiệu Phi Tử..
Thế gia phả chép tên tự Tố Như là thế nào ? Các bản gia phả hiện nay đều chép từ đầu thế kỷ 20, không có một bản gia phả nào bút tích của cụ Nguyễn Nghiễm cả, gia phả chép đầy những lầm lẫn như: Lê Quý Kỷ sự của Nguyễn Thu, Sứ thần đời Tự Đức chép ra Nguyễn Du, Đoàn Nguyễn Tuấn năm 1789 ra làm quan Tây Sơn, thì gia phả chép ông hợp cùng Nguyễn Du chống Tây Sơn. Mười năm gió bụi Nguyễn Du đi giang hồ không nhà không cửa thì lại chép Nguyễn Du về quê vợ. Nguyễn Du từ Quỳnh Hải ra đón Vua Gia Long thì lại chép từ Hà Tĩnh dẫn thủ hạ dâng sớ, quân lương.Nguyễn Du hoàn toàn theo Nguyễn Ánh thì chép ông có tâm sự hoài Lê. Như thế thì còn tin gia phả đoạn nào. May mắn thay Nguyễn Du có ba tập thơ chữ Hán là ba tập nhật ký ghi rõ từng nơi đến với đầy đủ tâm sự. Sắp xếp các bài thơ theo ngày tháng, hoàn cảnh chính trị đương thời ta có được một tiểu sử Nguyễn Du hoàn chỉnh đó là công việc tôi làm trong: Nguyễn Du mười năm gió bụi và mối tình Hồ Xuân Hương Nguyễn Du. Khuê Văn Xuất bản tại Paris. Liên lạc phamtrongchanh@free.fr.
Bài viết này trả lời cho Alexandre Lê báo Diễn Đàn Paris; GS Nguyễn Ngọc Bích Hợp Lưu, Hoa Kỳ và GSTS Mai Quốc Liên trên Hồn Việt. Về bút hiệu Tố Như.

No comments:

Post a Comment