Monday, November 14, 2011

* Các hệ thống phòng không Đài Loan (kỳ 1)

Đối mặt với hàng ngàn tên lửa đạn đạo và máy bay áp đảo, hệ thống phòng không là bộ phận quan trọng nhất trong hệ thống phòng thủ chung của Đài Loan.
Hệ thống phòng không trên đảo Đài Loan đã được xây dựng từ những năm 1950 với sự trợ giúp của Mỹ.

Ngay từ những ngày đầu, tiểu đoàn 2, sư đoàn pháo binh 71 của Mỹ đã xây dựng mạng lưới phòng không gồm 4 hệ thống tên lửa đất đối không MIM-14 Nike-Hercules tại phía đông bắc của đảo.

60 năm tiếp sau đó, hòn đảo này đã dần được vũ trang bởi rất nhiều hệ thống phòng không tiên tiến nhập khẩu của Mỹ cũng như nội địa.
Tên lửa MIM-14 Nike-Hercules triển lãm trong công viên Đài Sơn, thành phố Đài Bắc.
Các hệ thống phòng không tầm trung và tầm xa

MIM-23 Hawk

Các hệ thống phòng không tầm xa của Đài Loan ban đầu được phát triển dựa vào tên lửa phòng không của Mỹ. Ngoài các tên lửa MIM-14 Nike-Hercules đã “nghỉ hưu”, tên lửa MIM-23 Hawk là loại tên lửa phòng không tầm trung đầu tiên được Đài Loan sử dụng.

Được Mỹ phát triển từ năm 1952 và trang bị năm 1960, ngoài ưu điểm di động và nhỏ gọn, Hawk có hiệu năng hoạt động tương đương tên lửa SA-2 với tầm bắn kém hơn nhiều, chỉ khoảng 24 km và độ cao tối đa 14 km. Tuy nhiên, các hệ thống Hawk được nâng cấp sau này đã cải thiện hiệu năng của tên lửa rất nhiều.

Ví dụ, biến thể nâng cấp pha 4 được thực hiện cuối những năm 1990, Hawk đã được trang bị radar mới có khả năng phát hiện cả những UAV loại nhỏ, hệ thống bẫy mồi chống tên lửa diệt radar, thay động cơ tên lửa mới, trang bị thiết bị trinh sát quang điện tử tiên tiến.

Hiện nay, Hawk là loại tên lửa cũ nhất vẫn còn phục vụ trong lực lượng phòng không Đài Loan. Trên toàn bộ hòn đảo này có 12 trận địa tên lửa Hawk trải dài hết phần bờ biển phía Tây, Bắc và phía Nam hòn đảo cùng một trận địa trên hòn đảo Bành Hồ phía Tây với tổng số khoảng hơn 900 quả đạn tên lửa.
Hiện nay, Đài Loan có kế hoạch thay thế loại tên lửa cũ kỹ này bằng những loại tên lửa nội địa hiện đại hơn như tên lửa Thiên Cung.
Tên lửa phòng không tầm trung MIM-23 Hawk trong quân đội Đài Loan sắp được loại bỏ để thay thế bằng các tên lửa Thiên Cung nội địa hiện đại hơn.
MIM-104 Patriot
Là đồng minh lâu năm của Mỹ, cũng không khó hiểu khi Đài Loan có thể tiếp cận được loại tên lửa phòng không hiện đại bậc nhất này.

Trong những năm 1990, Đài Loan đã mua 3 hệ thống phòng không Patriot PAC-2 với tầm bắn tới 160 km. Sau đó, các hệ thống này đã được nâng cấp lên chuẩn hiện đại nhất của Patriot là biến thể MIM-104D GEM-T (Guidance Enhance Missile - Biến thể sử dụng tên lửa cải tiến).

Sau đó, Đài Loan cũng đã đặt mua thêm 7 hệ thống Patriot PAC-3 , trong đó khoảng 3-4 hệ thống đã được chuyển giao cho Đài Loan, nâng cao khả năng phòng thủ chống tên lửa đạn đạo của hòn đảo này.

Hiện tại, tất cả các hệ thống Patriot của Đài Loan đều được bố trí tại phía bắc của hòn đảo trong bốn trận địa chính nhằm bảo vệ Đài Bắc.

Các hệ thống này được đặt xen kẽ với rất nhiều hệ thống tên lửa phòng không tầm ngắn và pháo phòng không tạo nên một hệ thống phòng thủ dày đặc.
Một hệ thống Patriot PAC-3 của Đài Loan.
Thiên Cung
Hệ thống Thiên Cung đầu tiên được đặt tên Thiên Cung I (TK-I) được Viện nghiên cứu Trung Sơn (CSIST) nghiên cứu phát triển từ năm 1981.

Thiên Cung I được bắn thử lần dầu năm 1986, tên lửa sử dụng đầu dò radar bán chủ động, sau đó, chính thức được biên chế trong quân đội Đài Loan từ năm 1993.
Bệ phóng tên lửa Thiên Cung I được mở cửa để dân chúng vào thăm quan.
Ban đầu, thiết kế khí động học của Thiên Cung I dựa trên tên lửa Hawk và AIM-54 Phoenix của Mỹ. Sau đó, nó được cải tiến với hình dạng tương tự như tên lửa Patriot của Mỹ sau khi Raytheon được phép chuyển giao 85% công nghệ sản xuất tên lửa Patriot cho Đài Loan.
Radar cảnh báo mục tiêu Trường Bạch.
Một hệ thống TK-I được hỗ trợ bởi một radar tìm kiếm theo dõi mục tiêu Trường Bạch. Đây là loại radar hoạt động trên băng sóng S (2-4GHz) được Đài Loan phát triển dựa trên radar ADAR-HP của Mỹ với khả năng phát hiện mục tiêu có tiết diện phản xạ 1m2 ở khoảng cách 300 km.

TK-I là loại tên lửa còn nhiều hạn chế về kỹ thuật nên luôn phải có 2 radar chỉ thị mục tiêu CS/MPG-25 hoạt động trên băng sóng X để chỉ điểm mục tiêu cho 3 - 4 tên lửa trong suốt quá trình bay. Loại radar này có tầm chỉ thị mục tiêu 200 km và được phát triển hoàn toàn tại CSIST.

Với tầm bắn 100 km, tên lửa Thiên Cung I đặt tại đảo Bành Hồ và Đông Dẫn không chỉ có khả năng tấn công mọi mục tiêu bay trên eo biển Đài Loan mà còn có khả năng vươn tới một số tỉnh của Trung Quốc như Phúc Kiến, Triết Giang và Quảng Đông.

Năm 2006, một báo cáo của tạp chí Jane’s Missiles and Rockets cho thấy tên lửa Thiên Cung I sẽ bị thải hồi và thay thế bằng loại tên lửa hiện đại hơn là Thiên Cung II

Dựa trên kinh nghiệm phát triển Thiên Cung I, Viện Trung Sơn tiếp tục phát triển tên lửa Thiên Cung II với tầm bắn xa hơn và có khả năng chống tên lửa đạn đạo (dù còn nhiều hạn chế). Radar Trường Bạch đã được thay thế bằng một radar khác hoạt động ở băng sóng X cũng được phát triển tại viện Trung Sơn.
Đạn tên lửa của hệ thống phòng không Thiên Cung II.
Tên lửa của hệ thống Thiên Cung II có kích thước lớn hơn Thiên Cung I (TK-2 dài 5,67 m, đường kính 0,42 m và nặng 1.135 kg còn TK-1 dài 5,3 m, đường kính 0,41 m nặng 915 kg).

Thiên Cung II cũng có tốc độ tên lửa cao hơn, đạt 1.530 m/s so với 1.360 m/s của Thiên Cung I và có tầm bắn vượt trội, đạt đến 200 km.

Hiện tại, đảo Đài Loan có 6 trận địa tên lửa Thiên Cung, gồm cả 2 biến thể chủ yếu được đặt ở Đài Bắc (3 trận địa) và thành phố công nghiệp Cao Hùng (2 trận địa).

Viện Trung Sơn đang hoàn thiện biến thể hiện đại nhất của dòng tên lửa Thiên Cung, tên lửa Thiên Cung III (TK-3). Tên lửa TK-3 được phát triển dựa trên TK-2 sử dụng radar dẫn bắn băng sóng Ku (12-18GHz), đầu đạn nổ phá mảnh điều hướng với độ chính xác cao giúp loại tên lửa này có thể tấn công các tên lửa đạn đạo.
Hệ thống phòng không Thiên Cung III ra đời nhằm chống lại các mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo và máy bay tàng hình đối phương.

Ngoài ra, TK-3 cũng vượt trội TK-2 và TK-1 ở khả năng di động. Bệ phóng của TK-3 cùng radar Trường Bạch cải tiến đều được đặt trên các xe tải có khả năng di động cao và khả năng triển khai trong thời gian ngắn.

Việc cải tiến radar Trường Bạch khiến loại radar này tăng công suất lên 170%, giúp nó có khả năng phát hiện đầu đạn tên lửa đạn đạo từ khoảng cách 1.000 km cũng như có thể phát hiện các loại máy bay tàng hình như J-20.

Hệ thống Thiên Cung-III được Đài Loan công bố lần đầu trong một cuộc duyệt binh ngày 10/10 năm 2007 với tầm bắn hơn 200 km. Theo giới chức nước này, Thiên Cung III là thành phần xương sống trong hệ thống phòng thủ tên lửa của Đài Loan.
Đồng Tâm (tổng hợp)

No comments:

Post a Comment