Sunday, November 13, 2011

* Các kịch bản xung đột Iran-Israel (kỳ 1)

Đất rộng, người đông GDP năm 2010 ước tính tới 357 tỷ USD, Iran có đầy đủ các yếu tố để trở thành một trong những nước có tiềm lực quân sự mạnh nhất khu vực.
Kỳ 1: Tiềm lực quân sự Iran Trong thời gian gần đây, bất chấp những lời đe dọa trừng phạt của Mỹ, Israel và đồng minh, Iran vẫn bảo lưu quan điểm về chương trình hạt nhân của mình.
Chắc chắn Iran không thể không biết hậu quả của những nước đi ngược lại lợi ích của các nước phương Tây qua các cuộc chiến tại Afghanistan, Iraq và mới đây nhất là Libya. Tuy nhiên thái độ cứng rắn của Iran không phải không có cơ sở nếu chúng ta nhìn vào tiềm lực quốc phòng của đất nước này.
Không giống như các nước khác, lực lượng vũ trang của Iran chia thành hai nhánh chính hoạt động khá độc lập với nhau gồm Quân đội Cộng hòa Hồi giáo Iran (IRIA - Islamic Republic of Iran Army) chịu trách nhiệm về chiến đấu bảo vệ lãnh thổ và Lực lượng Vệ binh Cách mạng (IRGC - Islamic Revolution Guardians Corps) phụ trách các vấn đề an ninh.


Các binh sĩ Iran tham gia duyệt binh.
quy mô và nhiệm vụ không giống nhau nhưng cả 2 lực lượng này đều có các binh chủng hải, lục và không quân riêng. Riêng IRGC còn có lực lượng đặc nhiệm Quds và Binh chủng tên lửa đối đất của Iran.
Hiện tại, IRIA đang có trong tay 465.000 binh lính, trong đó 230.000 người là quân nhân chuyên nghiệp và 235.000 người là lính nghĩa vụ, còn IRGC có quy mô 125.000 lính chính quy và khoảng 90.000 dân binh thuộc lữ đoàn bán vũ trang Basij.
Trước cách mạng Hồi giáo năm 1979, Iran là một trong những đồng minh thân cận của phương Tây, vì vậy quân đội nước này đều được trang bị những vũ khí Âu Mỹ tối tân hiện đại nhất như trực thăng tấn công AH-1J, máy bay tác chiến không đối không tầm xa F-14 Tom Cat...
Tuy nhiên, sau cuộc Cách mạng Hồi giáo 1979, bị phương Tây cấm vận, Iran đã mở rộng nguồn cung cấp vũ khí ra các thị trường mới như Nga, Trung Quốc, Brazil... và đặc biệt là đã đạt được nhiều thành công trong việc hiện đại hóa nền công nghiệp quốc phòng, từ đó đã tự túc được rất nhiều loại vũ khí khí tài hiện đại.

Vị trí địa lý của Iran trong khu vực.
Hải quân
Nắm giữ vùng biển quan trọng, trong đó có eo biển Hormuz với 40% lưu lượng dầu thô giao dịch trên thế giới, Iran đang cố gắng xây dựng một lực lượng hải quân lớn và có sức mạnh đáng kể.
Đặc biệt, do yếu tố địa lý nhỏ hẹp của vùng vịnh Persian, xác suất cao phải chiến đấu với các quốc gia có tiềm lực hải quân mạnh hơn, Iran đã đầu tư mạnh vào lực lượng tàu cao tốc tấn công trang bị tên lửa và lực lượng tàu ngầm.

tàu đệm không khí trang bị tên lửa chống hạm của Iran.
Hải quân Iran hiện nay sở hữu một lực lượng lớn gồm 28.000 binh sĩ; 13 tàu ngầm các loại, 5 hộ vệ hạm; 3 tàu tàu hộ vệ cỡ nhỏ; 98 tàu tuần tiễu và hơn 100 tàu cao tốc tấn công có trang bị tên lửa.
Ngoài ra, binh chủng này cũng sở hữu lực lượng không quân riêng với 65 máy bay, trong đó có cả máy bay săn ngầm P-3 Orion do Mỹ sản xuất.

Iran đang vận hành 3 tàu ngầm tấn công lớp Kilo do Nga sản xuất.
Trong số tàu ngầm của Iran sở hữu, nổi bật nhất là 3 chiếc Project 877EKM lớp Kilo do Nga sản xuất. Dù vậy, đây là những chiếc Kilo biến thể đầu tiên nên tính năng hoạt động và vũ khí không thể so sánh với những chiếc Kilo Project 636 Nga bán ra sau này.
Ngoài ra, những chiếc tàu ngầm còn lại đều thuộc lớp Nahang và Ghadir do nước này tự sản xuất, vốn là những tàu ngầm mini có lượng giãn nước chỉ từ 150 - 400 tấn và khả năng chiến đấu rất hạn chế.

Một chiếc tàu ngầm mini lớp Ghadir đang được hoàn thiện trong nhà máy.
Năm 2008, Iran công bố nước này đã bắt đầu đóng chiếc tàu ngầm tấn công nội địa đầu tiên giãn nước trên 1.000 tấn có tên Qaem.
Theo những thông tin phía Iran cung cấp, loại tàu ngầm này sẽ được trang bị nhiều công nghệ hiện đại, trong đó vũ khí sẽ bao gồm cả ngư lôi và tên lửa.


tàu hộ vệ Jamaran là chiếc tàu chiến hiện đại nội địa lớn nhất hiện nay của Iran.
Về lực lượng tàu nổi, không chỉ đầu tư vào các tàu cao tốc tên lửa với nhiệm vụ phòng vệ, Iran cũng đang bắt tay đóng các chiến hạm lớn, trang bị vũ khí mạnh, có khả năng tác chiến dài ngày để gia tăng sự hiện diện của nước này trên các vùng biển quốc tế.
Tiêu biểu cho những chiến hạm này là hộ vệ hạm lớp Moudge có tên Jamaran mới được Iran hoàn thành. Jamaran là một tàu chiến tấn công có khả năng tác chiến rất mạnh, được trang bị 4 tên lửa chống hạm Noor (biến thể nội địa Iran sản xuất theo tên lửa C-802 của Trung Quốc) tầm bắn 200 km; tên lửa phòng không Fajr (copy tên lửa SM-1 của Mỹ) cùng ngư lôi và pháo hạm 76 mm.
Vào thời điểm hiện nay, Iran cũng đang tiến hành đóng tàu hộ vệ lớp Moudge cải tiến với khả năng tác chiến vượt trội so với Jamaran. Dự tính chiếc hộ vệ hạm mới có tên Velayat sẽ phục vụ hải quân Iran trong tương lai gần.

Những chiếc tàu cao tốc này có thể đạt tốc độ tới 150 km/h. Cùng với tên lửa chống hạm, nó sẽ là mối đe dọa chết người với các tàu chiến tại vùng biển nông thuộc vịnh Persian
Máy bay F-14A Tomcat của Không quân Iran.
Một phi đội gồm máy bay F-14, F-4 và Mig-29 của không quân Iran bay biểu diễn.
Máy bay Azarakhs (sấm sét) của Iran chế tạo dựa trên F-5E của Mỹ
Máy bay F-16 Mỹ bán cho chính quyền Shas của Iran.
Phòng không - không quân

Nhằm bảo vệ các mục tiêu quan trọng, đặc biệt là cơ sở hạt nhân, Iran đã xây dựng một lực lượng phòng không - không quân đông đảo và có chất lượng cao trong khu vực.
Không quân Iran vào giai đoạn trước cách mạng Hồi giáo đã sở hữu những trang bị hiện đại nhất khu vực. Dưới sự trị vì của vương triều Shas, Mỹ đã viện trợ và bán cho Iran 160 máy bay F-16, 79 máy bay F-14A Tomcat, 32 máy bay F-4D Phantom, 177 máy bay F-4E, 16 máy bay trinh sát điện tử RF-4E Phantom II, 140 máy bay F-5E và 28 máy bay F-5F hai chỗ ngồi.
Sau khi bị cấm vận từ năm 1979 cùng với cuộc chiến tranh Iran - Iraq, Iran đã dần cạn kiệt nguồn phụ tùng thay thế cho những máy bay này, do đó, số máy bay phương Tây còn phục vụ hiện nay trong quân đội Iran không còn nhiều (chỉ còn khoảng 25 chiếc F-14A và hơn 100 máy bay F-4; F-5 còn đang hoạt động).
Dù vậy, Iran cũng đã đạt được thành tựu khi không chỉ sản xuất được phụ tùng thay thế mà còn có khả năng tự nâng cấp những loại máy bay này. Tiêu biểu Iran đã sản xuất được máy bay Saeqeh, biến thể nâng cấp của máy bay F-5A và Azarakhsh là loại máy bay tự sản xuất hoàn toàn dựa trên máy bay F-5E của Mỹ.

Sau nămm 1979, Iran cũng đã mua khá nhiều máy bay từ các nước khối XHCN như máy bay tiêm kích J-7M của Trung Quốc, Mig-29, Su-24MK của Nga và máy bay vận tải Il-76TD.
Một nguồn cung cấp máy bay cho Iran không thể không kể đến là những chiếc máy bay do phi công Iraq đào tẩu khi Mỹ tấn công Iraq trong cuộc chiến tranh Vùng Vịnh lần thứ nhất gồm các loại như Mirage-F1 (ít nhất một phi đội), Su-24MK (Fencer-D), Mig-29, Su-22M, Su-25, Mig-24 và Il-76.
Trong số các máy bay này, những chiếc Mirage F1 và Su-24MK vẫn còn đang phục vụ bình thường trong lực lượng Không quân Iran.

Chiếc máy bay cảnh báo sớm (AEW) Il-76 Adnan này là do các phi công Iraq "biếu không" cho Iran
Ngoài ra, công nghiệp Iran cũng đã tự chủ trong việc sản xuấ nhiều loại máy bay trực thăng và máy bay huấn luyện theo các nguyên mẫu nước ngoài như Shavabiz 75 (biến thể của trực thăng Bell 214C), Shahed 274 (chủ yếu dựa theo trực thăng Bell-206), máy bay huấn luyện JT2-2 Tazarv, máy bay huấn luyện hạng nhẹ Parastu ( biến thể của máy bay F33 Bonanza do Mỹ sản xuất).
Không những sở hữu số lượng máy bay hùng hậu, không quân Iran cũng đã tích lũy được khá nhiều kinh nghiệm tác chiến từ cuốc chiến tranh 9 năm với người láng giềng Iraq. Đồng thời, qua cuộc chiến này, Iran cũng đã làm chủ được nhiều loại vũ khí của cả phương Tây và khối XHCN.
Trong những năm gần đây, bên cạnh việc tự phát triển các loại máy bay chiến đấu mới, Iran cũng đang nỗ lực tìm nguồn cung cấp các chiến đấu cơ hiện đại. Trong số các loại máy bay nước này quan tâm có thể kể đến máy bay chiến đấu đa nhiệm Su-30 của Nga, J-10 hay JF-17 Thunder của Trung Quốc. Tuy nhiên, dưới áp lực của Mỹ và phương Tây, hiện Iran chưa ký được một hợp đồng nào để mua những loại máy bay này.


Iran tự nhận là nước đầu tiên chế tạo tên lửa đánh chặn tên lửa không đối không.
Tên lửa có thiết kế giống S-300 của Nga.
Tên lửa phòng không 2K12 Kub (SA-6) của Iran.
Dù sở hữu số lượng máy bay khá lớn, nhưng hầu hết những loại máy bay này đã lỗi thời khi so sánh với máy bay F/A-18 của Mỹ hay F-15, F-16 của Israel, do đó nhiệm vụ bảo vệ các mục tiêu quan trọng của Iran vẫn phải dựa nhiều vào lực lượng phòng không.
Tương tự không quân, lực lượng phòng không Iran cũng sở hữu nhiều loại vũ khí khác nhau của cả phương Tây và Nga.
Ngoài các hệ thống tên lửa phòng không cũ như S-200, 2K12 Kub, S-125 (Nga), MIM-23 Hawk, SM-1 (Mỹ), mới đây Iran cũng đã mua 29 hệ thống phòng không tầm ngắn Tor của Nga. Đây là hệ thống phòng không cơ động, có khả năng phản ứng nhanh và có thể đối phó với các tên lửa hành trình.
Ngoài ra, quân đội Iran cũng được trang bị nhiều loại tên lửa tầm nhiệt vác vai hiện đại như SA-16/18 Igla, RBS-70 của Thụy Điển.
Bên cạnh tên lửa phòng không, Iran cũng được trang bị mạng lưới pháo phòng không tầm thấp dày đặc, trong đó có cả những hệ thống hiện đại điều khiển bằng máy tính, dẫn bắn bằng radar và thiết bị ngắm quang điện tử như Skyguard do Thụy Sĩ sản xuất.
Ngoài ra, công nghệ quốc phòng của Iran cũng làm chủ, sản xuất được nhiều loại tên lửa phòng không hiện đại khác.
Đáng kể nhất là tên lửa biến thể S-300 (Iran tuyên bố tự sản xuất sau khi hợp đồng mua bán với Nga bị đổ bể, có thể có sự hỗ trợ kỹ thuật và linh kiện từ Nga hoặc Belarus), tên lửa Messad (là biến thể nâng cấp của tên lửa MIM-23 Hawk của Mỹ với radar và thiết bị điều khiển mới, có độ chính xác và tầm bắn vượt xa nguyên bản.


Binh sĩ Iran đang vận hành pháo 35 mm trong hệ thống phòng không Sky Guard
Tên lửaLực lượng tên lửa đối đất là “nắm đấm” đáng gờm của Iran đối với các quốc gia có ý định tấn công nước này, đặc biệt là Israel.
Từ những tên lửa Scud mua ban đầu của Nga và một phần nhờ sự giúp đỡ của Trung Quốc, Triều Tiên, Iran đã tự chế tạo được rất nhiều loại tên lửa đạn đạo nguy hiểm.
Bước đầu, Iran đã thành công trong việc chế tạo các tên lửa đạn đạo tầm ngắn hoạt động bằng nhiên liệu lỏng như Shahab-1 (tầm bắn 350 km, dựa trên tên lửa Scud-B), Shahab-2 (tầm bắn 750 km, dựa trên Scud-C).

Tên lửa đất đối đất Fateh-110 có tầm bắn 300 km với tốc độ tới 1.200 m/s nên gần như không thể đánh chặn.
Sau đó, Iran ngày càng tiến bộ khi đã thành công trong việc chế tạo các tên lửa tầm trung có tầm bắn từ 2.000 - 3.000 km, có khả năng vươn tới Israel và toàn bộ các căn cứ quân sự của Mỹ tại vùng Vịnh.
Đặc biệt, các tên lửa mới này (như Shahab-3 tầm bắn từ 1.200 - 2.000 km; Ghadr-110 tầm bắn 2.500 - 3.000 km, Sajjil-2 tầm bắn 2.000 - 2.500 km) đều sử dụng nhiên liệu rắn, do đó thời gian triển khai phóng sẽ nhanh hơn và đối phương có ít thời gian chống trả hơn.

Tên lửa Sajjil có tầm bắn tới 2.500 km và có khả năng mang đầu đạn hạt nhân
Thêm nữa, những tên lửa như Ghadr-110 có thể mang đầu đạn nặng tới 750 kg, nghĩa là chúng hoàn toàn có thể được vũ trang bởi đầu đạn hạt nhân nếu Iran làm chủ được công nghệ vũ khí nguyên tử này.
Súng trường tấn công Khaybar KH-2002 do Iran tự chế tạo
Bộ binh
Dù xác suất có một cuộc tấn công bằng bộ binh của Mỹ hay Israel vào Iran là rất nhỏ nhưng không vì thế mà Iran sở hữu lực lượng lục quân yếu.
Lực lượng lục quân Iran đang sở hữu một lực lượng lớn với 350.000 binh sĩ, trong đó 130.000 người là quân nhân chuyên nghiệp, còn lại là lính nghĩa vụ.
Kể từ sau cách mạng Hồi giáo năm 1979, lực lượng lục quân Iran đã được biên chế lại với ba sư đoàn bộ binh cơ giới, 7 sư đoàn bộ binh, một lữ đoàn dù và một sư đoàn đặc nhiệm.
Năm 2004, lực lượng này lại được tổ chức lại một lần nữa với bốn sư đoàn cơ giới, 6 sư đoàn bộ binh, hai lữ đoàn đặc nhiệm và một lữ đoàn dù cùng một số đơn vị độc lập khác.

Pháo Koksan 175 mm do Triều Tiên sản xuất trong biên chế quân đội Iran
Sư đoàn đặc nhiệm số 23 của Iran hiện là đơn vị tinh nhuệ nhất của quân đội nước này với 5.000 quân nhân chuyên nghiệp. Sư đoàn này được chia thành 4 lữ đoàn bao gồm một lữ đoàn hỗ trợ đường không và các lữ đoàn cơ giới hỗn hợp, bao gồm cả một lữ đoàn đổ bộ đường biển được tổ chức tương tự lực lượng thủy quân lục chiến của phương tây.
Hỗ trợ lực lượng bộ binh này là 65 máy bay tấn công mặt đất cùng 320 trực thăng chở quân và chiến đấu, bao gồm chủ yếu là máy bay AH-1J do Mỹ sản xuất.
Hiện lục quân Iran vẫn vận hành nhiều loại vũ khí của cả Nga và phương Tây như xe tăng M-60 của Mỹ, Chieftaincủa Anh, T-54, T-62 và T-72 của Nga. Ngoài ra, Iran cũng có loại xe tăng nội địa với tên Zulfiqar.
Ba biến thể của xe tăng này là Zulfiqar-1 và Zulfiqar-3 sử dụng nhiều chi tiết của cả xe tăng Mỹ và Nga như pháo 2A46 125 mm sản xuất theo pháo của xe tăng T-72 và hệ thống xích, nhún lấy từ xe tăng M-60 của Mỹ.
Iran cũng tự nâng cấp hầu hết số xe tăng T-54 của mình lên chuẩn mới với tên Safir-74 hay còn gọi là T-72Z.

Xe tăng Zulfiqar-3, mẫu xe tăng mới nhất của Iran được cho là có tính năng không kém các xe tăng hiện đại phương Tây

Ngoài ra, Iran cũng tự sản xuất được nhiều hầu hết các loại vũ khí bộ binh như súng trường tấn công Khaybar KH-2002, tên lửa chống tăng Toophan...mặc dù những vũ khí này vẫn dựa một phần hay hoàn toàn vào thiết kế của vũ khí nước ngoài.
Có thể thấy hiện nay Iran đang sở hữu một lực lượng quân đội hùng mạnh trong khu vực. Vũ khí nước này dù chưa phải quá hiện đại và khá lộn xộn do pha trộn giữa hai hệ vũ khí phương Tây và Nga - Trung Quốc, tuy nhiên, nhờ đầu tư nghiêm túc vào công nghiệp quốc phòng, Iran dần đã tự chủ và ngày càng hiện đại hóa được trang thiết bị quân sự của mình.
Nếu Mỹ và Israel muốn đối phó với đất nước này thì những gì đã làm với Iraq hay Afghanistan chắc chắn là không đủ.

No comments:

Post a Comment