Nguyễn Thị Thanh Dương
Tâm lý người đời thường thế, nếu con dâu, con rể mà học giỏi, có bằng cấp cao hay con nhà danh gía giàu sang thì các bà mẹ chồng, mẹ vợ trân trọng qúy hóa và nể dâu, nể rể lắm.
Con trai lấy vợ đã hơn 2 năm nay.
Đúng lúc ông đang băn khoăn thì nghe từ ngoài sân tiếng xe thắng rít một tiếng ghê rợn, tiếp theo là tiếng cửa xe đóng “xầm” một tiếng thô bạo làm ông hết hồn.Bà xồng xộc đi vào nhà, mặt mày còn phừng phừng như ngọn lửa vừa phất lên trong gío:
- Con với cái !! mất dậy qúa !!
Ông ngỡ ngàng:
- Có chuyện gì? Bà bình tĩnh nói tôi nghe…
- Con dâu của ông đấy, nó vừa cãi tôi. Ai đời con dâu mà dám cãi lý với mẹ chồng không hở??
Bà Hiếu ôm ngực thở ra rồi nói tiếp:
- Nhưng chưa hết, thằng chồng nó đi làm về, bênh vợ cũng …cãi tôi luôn.
Bà vừa tức vừa tủi gào khóc lên:
- Ối ông Hiếu ơi là ông Hiếu, ông đẻ ra thằng con…bất hiếu thế hở?
Ông Hiếu hiểu ra, để im cho bà gào khóc vài phút cho nhẹ lòng, mới nói:
- Nghe bà nói làm như thằng Thảo là con trai riêng của tôi, và con vợ nó chẳng liên quan, dính líu gì đến bà. Vợ chồng nó xưa nay vẫn thương yêu bà, tuy bà chưa nói ra nhưng tôi đoán mò chắc không sai, bà cứ đến nhà nó làm tổng chỉ huy thì có ngày phải xảy ra chuyện bất đồng ý kiến thôi.
Bà Hiếu liền quệt nước mắt, phân bua:
- Tôi lo cho chúng nó, chỉ dạy chúng nó mà có tội à? Nhà có một thằng con trai duy nhất, nó lấy vợ ở riêng coi như…mất con. Tôi phải thường xuyên đến để lo cho con tôi chứ.
- Đấy mới là sự …vô duyên của bà. Ai lấy mất con trai của bà? Trai gái lớn lên phải lập gia đình, tung cánh chim ra lập tổ ấm riêng. Bà có muốn thằng con …ế vợ, không có công ăn việc làm, ở nhà bám váy mẹ suốt đời không nào? Thế chuyện gì đã xảy ra??
- Thì cũng như mọi lần, tôi chỉ con dâu chuyện bếp núc. Hôm nay tôi chỉ nó cách kho cá, cho gừng vào cho át mùi tanh, từ bé đến giờ thằng Thảo quen ăn món cá kho gừng của tôi. Nhưng con Yến nhất định không nghe, nó bảo “Món cá kho này không cần gừng” và cuối cùng nó gắt gỏng với tôi: “mẹ xen vào chuyện nhà của con nhiều qúa, từng tí một con không thể nào chịu nổi”. Thế là tôi mắng cho nó một trận., rồi thằng Thảo về tới, nghe xong chuyện chẳng bênh mẹ, người đã đứt ruột đẻ ra nó, lại bênh vợ, mà vợ thì suy ra chỉ là…người dưng nước lã. Nó nói : “ Con xin mẹ đừng đến đây chỉ bảo gì nữa, vợ con nấu nướng, ngon dở gì con cũng ăn được mà, kẻo mẹ chồng nàng dâu mất lòng nhau thì con khổ tâm lắm”. Thật là bất công, ngày xưa, tôi nấu nướng động một tí là nó chê… Ối giời cao đất dầy ơi, con trai và con dâu chúng nó hùa nhau cãi tôi, coi tôi chẳng ra thể thống gì…
Ông Hiếu từ tốn:
- Tôi đã bảo bà nhiều lần mà bà đâu có nghe, vợ chồng nó chăm chút lo cho nhau, việc gì đến bà? Ai cũng có cuộc sống riêng, phải tôn trọng nhau. Khi con còn nhỏ là của mình, trong vòng tay mình, khi con trưởng thành lập gia đình thì chúng gần gũi với vợ, với chồng và con cái của nó, dù có yêu thương cha mẹ nhưng cũng không thể gần hơn. Cứ vài ba ngày bà lại mò đến nhà nó, giám thị và chỉ huy cả chuyện nấu nướng thì con dâu nào chịu cho nổi? nó chịu đựng bà hai năm nay là kiên nhẫn lắm rồi đấy. Bà lo cơm nước nhà nó, còn cơm nước nhà này ai lo? bà để mặc, chứ đảm đang gì. Chiều nay chúng ta lại ăn cơm với món canh cũ hôm qua hâm lại và nồi thịt kho trứng 3 ngày chưa hết chứ gì? tôi ngán qúa trời rồi !!
Bà Hiếu ngừng khóc để bào chữa:
- Thịt kho trứng phải …kho đi kho lại, qủa trứng càng thấm nước thịt càng cứng càng ngon. Còn món canh hôm qua, đổ đi thì phí, hâm lại ăn chẳng chết ai. Nhà hàng nó toàn làm thế cả.
- Nhưng tôi có phải là khách hàng của bà đâu !
- Tôi thí dụ cho ông biết thôi, này nhé nhà hàng bán đủ thứ bún như bún riêu, bún ốc, bún mọc, bún bò Huế, bún măng vịt .. v..v..Thấy “xôm tụ” thế, nhưng họ không nấu mấy nồi nước lèo ấy mỗi ngày đâu, toàn là nước lèo nấu sẵn, có khi ế thiu ế chảy hàng tuần lễ, đem đông lạnh, khách ăn tới đâu thì hâm lại tới đó. Thế mà có người vẫn khen ngon. Còn tôi chỉ hâm canh cho ông… một hai ngày là cùng chứ mấy.
- Tóm lại món canh cũ hâm lại của bà vẫn có gía trị chứ gì? Về chuyện con dâu bà, con Yến dù gì cũng là đứa con gái của thời đại tân tiến, nó thừa biết cách nào ngon để nấu cho chồng, không cần đến những món gia truyền của bà. Mà tôi nói bà đừng giận hờn nhé, bà nấu ăn xưa nay có ngon lành gì đâu mà đòi chỉ dậy con dâu? Chẳng khác nào mấy bà mẹ xí xọn, nói tiếng Anh dở dở ương ương cứ hở ra là nói chuyện tiếng Anh với con cái sinh đẻ hay lớn lên ở Mỹ, làm lây lan cả cái dở sang cho con, chứ hay ho gì.
Bà Hiếu lại bào chữa:
- Không phải chỉ chuyện nấu nướng, thiếu gì chuyện nhà khác cần tôi chỉ bảo, giúp đỡ như hút bụi, lau nhà, giặt quần áo…
Ông ngắt lời:
- Cái chuyện giặt quần áo, có lần bà kể tôi quần áo xấy khô từ máy ra, bà giành quyền chính tay bà xếp quần áo cho thằng Thảo bà mới vừa ý, quyết chí không để vợ nó làm. Hay vụ thằng Thảo đau bao tử, vợ nó mua thuốc Bắc về thì bà dành phần sắc thuốc theo kiểu của bà để cho con trai bà uống. Làm sao con dâu không buồn lòng? con bà nhưng là chồng của nó. Ngày xưa mẹ tôi có xông vào tranh dành với bà để chăm sóc thằng con trai của mẹ là tôi đâu? hở?
- Vì tôi ,..biết lo hết mọi thứ rồi lấy đâu mà mẹ ông phải chỉ chỏ. Với lại tình mẹ thương con mỗi người thể hiện một cách.
Ông Hiếu vẫn nhỏ nhẹ:
- Vì tôi yêu thương bà nên chấp nhận mọi thứ hay dở của bà thì đúng hơn. Bây giờ con trai mình cũng thế, cứ để mặc chúng nó lo cho nhau bà lo cho tôi có phải là khỏe thân bà không? Đấy, chiều nay bà bỏ đói tôi tới giờ này đã ăn uống gì đâu?
Bà hơi khựng lại, áy náy:
- Sao ông không ăn trước đi, đợi tôi về làm gì?
- Nhà có hai vợ chồng gìa ăn một thể cho vui, còn trước sau gì nữa…
- Ông đợi nhé, tôi dọn cơm ngay bây giờ, mười phút là xong ngay, những món này nhanh hỏa tốc, không thua gì fast food. Tôi cũng lo cho ông đâu vào đấy, đảm đang không thua kém gì ai.
Ông Hiếu thở dài:
- Thì toàn là món cũ hâm lại chứ tài hoa gì…
Đang bực mình bà Hiếu cũng phải đùa:
- Tôi là vợ ông, cũng là món cũ mèm, xài đi xài lại mấy chục năm chưa ngán thì nhằm nhò gì mấy món đồ ăn.
Bà Hiếu biết điều tất tả vào bếp, đúng như bà nói, mười phút sau là bà đã bày cơm ra bàn, canh khổ qua nhồi thịt hâm lại, thịt kho trứng cũng…hâm lại, lần này là lần thứ …mấy bà không nhớ nữa, hi vọng chiều nay hai vợ chồng sẽ thanh toán hết chỗ còn lại để mai đổi sang món khác. Chính bà cũng…ngán món thịt kho trứng trường kỳ này lắm rồi.
Trong bữa ăn bà vẫn còn day dứt, đay nghiến:
- Để xem chúng nó sẽ đối xử thế nào? Phen này một là còn con, hai là tôi từ luôn..
*****************
Ngày Thảo yêu và muốn cưới Yến, bà Hiếu đã phản đối quyết liệt, chỉ vì bà cho là Yến không xứng với con trai bà, Yến làm nhân viên bán vé máy bay cho một cửa hàng du lịch của người Việt Nam, Thảo là kỹ sư.
Khi Thảo mới ra trường, trong đám bạn bè quen biết của vợ chồng bà Hiếu đã có vài nơi muốn làm suôi gia gả con gái, cô thì kỹ sư, cô là bác sĩ cắt kính mắt, cô là y tá học 4 năm …toàn là những nơi ăn học tương xứng cả. Bà Hiếu hỏi ra thì Thảo nói có người yêu rồi và hớn hở mang Yến về “khoe” là cô hiền, cô đẹp và ngoan ngoãn. Đến lúc bà hỏi nghề của Yến thì bà phản đối ngay.
Nhưng cuối cùng vì thương con bà Hiếu vẫn nuốt đắng nuốt cay làm đám cưới cho Thảo lấy Yến, và từ đó bà luôn mang một ác cảm với Yến.
Cưới nhau xong hai vợ chồng trẻ mua nhà ở riêng ngay, nhưng bà Hiếu không tha, cứ vài ngày bà lại đến nhà để xem xét con dâu, chỉ huy con dâu làm theo ý của bà.
Tâm lý người đời thường thế, nếu con dâu, con rể mà học giỏi, có bằng cấp cao hay con nhà danh gía giàu sang thì các bà mẹ chồng, mẹ vợ trân trọng qúy hóa và nể dâu, nể rể lắm. Ngược lại thì các bà coi như dưới đẳng cấp với mình và coi thường họ.
Thứ bảy này không thấy vợ chồng Thảo mang con đến chơi nhà ông bà nội như thông lệ, càng làm bà Hiếu giận sôi gan, bà hết đứng lên lại ngồi xuống, đi ra cửa lại đi vào. Hình như bà chờ trông nghe tiếng xe hơi đậu ngoài sân, tiếng gõ cửa xôn xao và tiếng đứa cháu nội 1 tuổi bi bô vài tiếng …
Ông Hiếu phải trấn an vợ:
- Bà không ngồi yên được à? chắc chúng nó đang bận?
- Bận gì cũng phải mang cháu nội đến thăm ông bà chứ, tuần nào cũng thế mà. Hừm, muốn giận thì tôi cho giận đến sang năm cũng không cần đâu nhé…
- Trước sau gì chúng nó cũng đến thôi. Bà ngồi xuống đây nói chuyện với tôi cho đỡ sốt ruột nào…
Bà Hiếu nghe lời ông ngồi xuống ghế.
- Nhân dịp này tôi muốn có vài ý kiến với bà, thằng Thảo đã lấy con Yến chúng nó thương yêu nhau thật tình là mình mừng rồi.
- Nhưng tôi vẫn …ấm ức lắm, con người ta sao mà có phước thế, bác sĩ lấy bác sĩ, kỹ sư lấy kỹ sư hay bất cứ nghề nghiệp bằng cấp nào tương đương. Nhà mình vô phước, có thằng con ăn học đến nơi đến chốn, lấy vợ lại không một mảnh bằng trong tay, thế có tủi hờn không?
Ông Hiếu không quên được niềm vui mừng và hãnh diện của vợ chồng ông trong ngày ra trường đại học của Thảo với hạng danh dự, trước khi ra trường Thảo đã được vài công ty nổi tiếng đến phỏng vấn và sẵn sàng nhận vào làm việc. Thật không bõ công lao ông bà đã chăm chút lo cho con ăn học.
Thảo vừa học giỏi vừa đẹp trai, lại hiền và lễ phép nên bạn bè quen biết có con gái đều muốn làm sui gia thì làm sao bà Hiếu không tự hào về con trai mình.
- Duyên nợ cả bà ạ, chẳng lẽ tình yêu mà cũng tính toán bằng cấp thiệt hơn? Con Yến vì qua Mỹ muộn, vì hoàn cảnh gia đình phải đi làm nên không có cơ hội học lại thôi. Nhưng tôi thấy kiến thức nó khá lắm.
Bà Hiếu dãy nảy lên:
- Ối giời ôi, có mang cái kiến thức ấy đi xin việc làm và đòi lương cao được không? hay chỉ làm một nhân viên quèn ngồi bán vé máy bay? ngày xưa tôi bán gà ở chợ An Đông, tôi biết mời chào và chèo kéo khách hàng phải mua gà của tôi bằng được dù là con gà sắp rù, sắp toi, thì việc bán vé máy bay với tôi cũng dễ ợt, có khi tôi còn bán đắt hàng hơn nó, chỉ tiếc là tôi… không biết xử dụng computer và không biết tiếng Anh. Thôi, ông đừng nói nữa làm tôi ngứa cả tai…
Ông Hiếu quay qua hỏi chuyện qúa khứ :
- Ừ, thì thôi, ý tôi chỉ muốn nói con Yến cũng có bằng cấp, học xong đại học ở Việt Nam, nhờ có kiến thức nó mới làm được công việc bà cho là quèn ấy đấy. Nhưng ngày xưa bà bán gà sao lại chuyển qua bán vải vóc, quần áo ?
- Ông biết rồi còn hỏi chọc quê tôi…
- Bà bán gà kiểu đanh đá ấy thì dần dần mất khách, bán ế ẩm phải chuyển sang bán cá cũng ở chợ An Đông chứ gì ?
Bà vẫn còn cay cú:
- Khách nó vẫn nhớ mặt tôi ông ạ, hàng cá cũng…ế luôn, nên cuối cùng tôi phải chuyển sang bán vải và quần áo cho thanh lịch tử tế, kẻo cứ bị mang tiếng là dân hàng cá, hàng gà vịt chua ngoa. Mà tôi phải chuyển chợ luôn đấy, bỏ chợ An Đông, sang bán ở chợ Chuồng Bò Ngã Bảy, lạ chợ lạ khách mới buôn bán được……
- Chuyện buôn bán kiểu chụp giật khách hàng như bà ở Việt Nam sang đến Mỹ phải thay đổi cho hợp thời, cũng như về tính cách của bà mẹ chồng thời buổi này thì bà lại càng nên thay đổi. Tôi cảm phục bà Thạch, bạn của chúng ta, gia đình con trai ở riêng, mang con đến nhờ bà nội trông cháu giùm mỗi ngày, bà đã rất tận tình, thậm chí bà kiên nhẫn với trò chơi xếp puzzle, cho đứa cháu vui lòng vì mỗi lần bà xếp xong đứa cháu liền thích thú xóa đi và bắt bà xếp lại, mỗi ngày mười mấy lượt đến nỗi bây giờ bà là tay xếp puzzle cừ khôi nhất nhà…
Bà Hiếu ngắt lời chồng, bổ sung thêm:
- Biết rồi, mỗi lần con cháu nội đến, bà hớn hở bảo “Cháu nội bà đã “gía lâm” chứ gì.” ?
- Đúng thế, hay bà Lai con ở xa, thỉnh thoảng bà làm thịt chà bông thật ngon gởi cho con cho cháu, vì bà biết con dâu bận rộn chẳng có thì giờ làm món này. Các bà mẹ chồng lịch sự như thế thì con dâu nào chẳng qúy?
Bà Hiếu xa xầm nét mặt:
- Ý ông nói tôi bất lịch sự với con dâu hở? hở? tôi đến tận nhà hầu chúng nó kia mà…
-
Bà tranh giành với con dâu thì đúng hơn, hai người đàn bà đều muốn chăm sóc cho một người mà họ cùng yêu qúy. Con Yến thật thà đấy, bà không nhớ chuyện bà Hoan à? ở chung với con dâu, bà Hoan khó tính khó nết chê cơm canh không ngon, cô con dâu sâu sắc lắm, hiểm hóc lắm, không bao giờ nổi giận, nhẹ nhàng và khiêm tốn nói với mẹ chồng: “ Vâng, mẹ nhận xét rất đúng, vậy mẹ nấu ăn giùm con cho vừa ý mẹ và vợ chồng con cùng thưởng thức tài cán của mẹ” Thế là trong lúc mẹ chồng hì hục làm bếp, cô con dâu ra ghế sô pha ôm con nằm coi ti vi và ngủ mấy giấc.
Bà Hiếu lanh chanh phản đối:
- Không phải bà mẹ chồng nào cũng lịch sự như các bà ông vừa kể đâu nhé. Sao ông không kể chuyện bà Lan ? chồng làm nhân viên kỹ thuật cho hãng máy bay lương thâm niên cao đến nỗi qua tuổi hưu rồi mà vẫn tham đi làm không chịu nghỉ. Thế mà có hai thằng con trai, một bác sĩ, một dược sĩ đã lập gia đình ở riêng, mỗi tháng hai thằng con đều “phải” gởi tiền về biếu cha mẹ, vì bà Lan quan niệm rằng công lao cha mẹ nuôi con ăn học nên danh phận và làm ra tiền thì phải cho cha mẹ cùng hưởng, chứ …bỗng dưng vợ nó chẳng có công cán gì mà được hưởng hết thì bất công qúa. Tôi hỏi ông, cha mẹ khá gỉa mà lấy tiền của con trai như thế, con dâu sẽ nghĩ sao? Tôi còn hơn họ ở chỗ ấy đấy…
Xong bà Hiếu ai oán:
- Mỗi nhà mỗi cảnh ông ơi…có thiếu gì các bà mẹ chồng phải khóc thầm. Bà Phước góa chồng từ lúc thằng con duy nhất lên 10, bà ở vậy nuôi con, qua Mỹ đi làm đủ nghề lao động kiếm tiền lo cho con ăn học. Con thành dược sĩ, lấy vợ cũng dược sĩ, xinh đẹp, bà vui mừng hả hê dốc hết tiền bạc cho con mua nhà và ở chung với vợ chồng nó những mong để suốt đời gần con gần cháu. Thế mà mẹ chồng nàng dâu xung đột, con dâu ra gía với chồng là “Hoặc anh chọn mẹ hoặc anh chọn vợ, chứ cô ta không thể ở chung với mẹ chồng”. Thằng con trời đánh này đã chọn…vợ, đưa mẹ đi thuê nhà diện low income do chính phủ trợ cấp, và bà Phước phải sống tần tiện bằng những đồng tiền hưu trí hạn hẹp của mình.
Ông Hiếu xót xa:
- Con với cái ! có ăn học mà hành xử thế ư ?
- Thế đấy, thằng con đã giết mẹ nó không bằng dao bằng súng, đã chôn sống mẹ nó từng ngày, từng giờ…. Từ ngày ấy bà Phước sống mỏi mòn tiều tụy, dù thằng con vẫn thỉnh thoảng lén vợ đến thăm mẹ, nhưng có nghĩa lý gì nữa….
Bà Hiếu ngậm ngùi tiếp:
- Còn bà Duyên đấy, ở gần nhà con trai, mỗi buổi chiều bà đến trường đón cháu nội đi học về, bà Duyên đưa 2 cháu về nhà chúng nó, tắm rửa và chơi với chúng cho đến khi bố mẹ nó đi làm về. Để cháu vui, bà Duyên dạy cháu vẽ hay cắt hoa giấy, hai con bé rất thích. Lần nào xong bà cháu cũng dọn dẹp những mẩu giấy dư thừa vứt vào thùng rác. Vậy mà một hôm con cháu thì thầm với bà nội :” Bà ơi, mai chúng ta không chơi cắt giấy, vẽ hình nữa nhé, mẹ cháu bảo bà đến chỉ làm bừa bộn nhà của mẹ”. Bà Duyên buồn lòng lắm, nhưng không trách cứ gì cô con dâu xảnh xẹ, vì bà thương cháu, phải nhịn dâu để vẫn được gần gũi cháu nội của mình…
Ông Hiếu vồ lấy:
- Đấy, bà Duyên này mới là bà mẹ chồng lý tưởng, biết gìn giữ tình cảm giữa mẹ chồng nàng dâu và giữ gìn hạnh phúc cho con trai mình, không dồn con vào thế khó xử, không làm cho chiến tranh bùng nổ. Tại sao các bà bạn tuyệt vời thế mà không ảnh hưởng gì tới bà ..Hiếu nhà mình nhỉ?
Bà Hiếu lườm ông một cái:
- Bà Duyên hiền qúa, gặp tay tôi thì cái thứ con dâu không biết điều kia phải tạ tội với tôi từ lâu rồi. Ai đón con, trông con cho nó? Chơi vui với con nó làm vương vãi tí giấy vụn mà nó ăn nói thế à? Đã mấy lần tôi…xúi bà Duyên mắng cho con dâu một trận, rồi ra sao thì ra mà bà ấy nhất quyết không nghe tôi.
Tuy nói độc địa thế nhưng bà Hiếu đang nhớ con nhớ cháu, càng nghe ông nói bà càng thấm thía lòng. Bà biết mình cũng qúa đáng khi bắt con dâu phải làm theo ý mình từng tí một, loại nước mắm, bột nêm nào nên dùng, loại gạo nào nên mua vừa rẻ vừa ngon, bà muốn Yến kho cá, rim thịt hay nấu canh phải theo kiểu của bà..v..v... Ngày xưa mẹ chồng bà chưa làm thế bao giờ, mẹ chồng hoàn toàn giao phó con trai cho vợ, cho tới ngày vợ chồng bà xuất cảnh đi Mỹ, bà mẹ chồng hiền lành ấy còn một lòng một dạ gởi gấm, nhắn nhủ con dâu: “ Sang Mỹ con chăm sóc chồng con và cháu nội giùm mẹ nhé. Mẹ cám ơn con” Bà Hiếu đã yêu qúy người mẹ chồng biết bao nhiêu vì bà được tin cậy và yêu thương. Vẫn biết thế mà chẳng hiểu sao bà Hiếu cứ để ý, canh chừng con dâu trong cuộc sống riêng của vợ chồng nó, có lẽ vì bà không ưa cô con dâu mà thôi.
Ông Hiếu lo ngại thật sự, gìa néo thì đứt giây, tình cảm giữa mẹ con và nàng dâu mẹ chồng sẽ bị sứt mẻ. Ông bắt đầu trách thầm con trai và con dâu, dù bà Hiếu có lỗi, nhưng chúng là phận làm con không thể giận mẹ, làm cho to chuyện lên.
Ông vào phòng và bấm phone nhà thằng Thảo, phone reo mấy tiếng liên tục chẳng ai thèm bốc. Ông tự ái lẩm bẩm:
- Chúng mày qúa lắm, bố mày đã xuống nước gọi phone mà cũng không thèm trả lời..
Rồi ông Hiếu cố nhịn tức, gọi phone nhà một lần nữa, ông vẫn hi vọng phone nhà, không chồng thì còn vợ, một trong hai đứa phải nghe, phải biết, vì nhà có caller ID…Thế mà cũng như lần trước, phone reo inh ỏi liên tục vẫn không ai trả lời.
Ông bực mình thật sự, vừa bước ra ngoài là bà đã tóm ngay được bộ mặt bất thường của ông:
- Sao? Ông mới liên lạc với vợ chồng nó hở? chúng không chịu xuống nước đến nhà mình phải không?
Ông không còn cách nào để bảo vệ hay bênh vực cho vợ chồng Thảo nữa. Ông chán nản:
- Tôi gọi mà chúng chẳng bốc phone.
Bà mai mỉa:
- Đấy, ông còn bênh vực thằng con trai bất hiếu nữa không? cả con dâu hiền ngoan có bằng cấp đại học ở Việt Nam của ông.
Bỗng ngoài sân có tiếng cửa xe hơi mở đóng và những bước chân đang lại gần cửa. Chuông cửa reo lên làm hai vợ chồng ông Hiếu vừa căng thẳng vừa rộn rã.
Ông vội vàng ra mở cửa và bao nhiêu nỗi bực tức đang đè nặng trong lòng ông bỗng tan biến ngay khi thấy vợ chồng Thảo đang tươi cười trước cửa:
- Con chào bố.
- Con chào mẹ.
Bà Hiếu cũng mừng rơn nhưng còn làm thinh xem tình thế. Yến bế thằng cu Tí đến bên bà nội và rủ rỉ:
- Mẹ bế cháu này. Con xin mẹ tha lỗi cho, ngày hôm ấy con đang thực tập món cá kho học được trên internet, mà mẹ cứ bắt con nấu theo ý mẹ, nên con đành cãi lời mẹ..
Thảo tiếp lời cho vợ:
- Vâng, con biết món cá kho gừng của mẹ rất ngon, nhưng ngoài ra người ta còn có nhiều cách kho cá khác mà Yến muốn tập làm mẹ ạ. Yến muốn đổi món, đổi khẩu vị…
Bà Hiếu nguôi lòng vì con cháu đến, lại được nghe chính vợ chồng Thảo nói lời xin lỗi, bà quay ra thằng cu Tí :
- Đưa nó đây cho mẹ. Ừ bây giờ mẹ hiểu rồi, có lẽ hôm ấy mẹ cũng cố chấp và nóng nảy qúa…
Ông Hiếu trách nhẹ:
- Nhưng hôm nay các con đến trễ hơn thường lệ làm mẹ con mong từ sáng đến giờ…
Thảo đáp:
- Chúng con không bao giờ quên giờ giấc đến thăm bố mẹ ngày cuối tuần đâu, nhưng đi giữa đường xe bị chết máy, nhờ câu bình cũng không xong, thế là phải mang vào shop thay bình battery mới.
Ông Hiếu càng thảnh thơi lòng và hoan hỉ . Thế mà lúc nãy ông đã nghĩ không tốt cho con. Như để chuộc lỗi, ông nựng má thằng cháu
nội
đang trên tay bà nội:
- Cu Tí của ông xinh qúa, dễ thương qúa…
Rồi ông ghé tai bà nói nhỏ cho mình bà nghe:
- Được bồng bế cháu và nựng nịu nó như thế này là đủ hạnh phúc rồi bà nhé? còn bao nhiêu thì giờ bà hãy dành mà lo cho tôi..
Bà âu yếm lườm ông:
- Gớm, đừng có mà vòi vĩnh tôi nhé, tôi sẽ không thay đổi đâu, vẫn cho ông ăn cơm kiểu hỏa tốc hâm đi hâm lại suốt đời.
Ông cười hiền hòa:
- Tôi hân hoan chấp nhận hết, miễn là bà đừng đến nhà con để xem xét và chỉ huy con dâu nữa, cho yên nhà yên cửa…
Cô con dâu đến bên mẹ chồng, dịu dàng:- Tôi hân hoan chấp nhận hết, miễn là bà đừng đến nhà con để xem xét và chỉ huy con dâu nữa, cho yên nhà yên cửa…
- Mẹ ơi, con vẫn cần biết món cá kho gừng của mẹ. Hôm nào mẹ chỉ dạy cho con nhé? Vì ngoài những món con học hỏi trên net con cũng muốn được học hỏi thêm nơi mẹ nhiều thứ lắm.
Bà Hiếu hài lòng nhìn chồng xong dịu dàng như con dâu đã dịu dàng với bà:
- Ừ, khi nào con cần thì mẹ sẽ đến chỉ dạy con, còn từ giờ trở đi mẹ sẽ ở nhà chăm chút cho bố con, để ông ấy thui thủi ở nhà hoài tội nghiệp!
( August, 2011)
- Ừ, khi nào con cần thì mẹ sẽ đến chỉ dạy con, còn từ giờ trở đi mẹ sẽ ở nhà chăm chút cho bố con, để ông ấy thui thủi ở nhà hoài tội nghiệp!
( August, 2011)
No comments:
Post a Comment