Saturday, November 5, 2011

* Muốn Chống Ngoại Xâm Hãy Dẹp CSVN và Xây Dựng Lại Chính Nghĩa Dân Tộc

TS-LS. Lưu Nguyễn Đạt:
TÂM THƯ
  • Kính Gửi Đồng Bào, Đồng Hương Việt Nam Trong và Ngoài Nước;
  • Qua Thiện Tâm Tôn Kính của Quý Trưởng Thượng Dân Tộc, Tôn Giáo, Cộng Đồng, Trí Thức, Chuyên Gia, Doanh Nghiệp;
  • Qua Công Tâm của các Nhà Tranh Đấu Cho Độc Lập, Quyền Lợi, Tự Do, An Sinh, Hạnh Phúc và Tiến Bộ của Dân Tộc Việt Nam, nhất là Quý Vị trong Lực Lượng Quốc Gia Chân Chính và Thành Phần Ly Khai của Lực Lượng Cộng Sản và Ngoại Vi;
  • Qua Kinh Nghiệm Sống và Tri Thức của Toàn Thể Đồng Bào đã chịu đựng mọi thử thách văn hoá, xã hội, lịch sử trong hơn 70 năm qua;
  • Qua Tinh Thần Hào Kiệt, Lý Tưởng Anh Minh, Sáng Tạo của Thế Hệ Trẻ Việt Nam Trong và Ngoài Nước;
  • Qua sự Công Bình và Công Lý Toàn Cầu của các Tổ Chức và Chính Quyền Quốc Tế Bảo Trọng Nhân Quyền và Vận Mệnh Sinh Tồn của Nhân Loại, Trong đó có Dân Tộc Việt Nam.
XÉT RẰNG:
  • Nạn ngoại xâm bởi Đế quốc Hán Cộng là một thực trạng lịch sử, gần đây thêm sôi động bởi những hành vi hống hách của bá quyền Bắc Kinh nhằm thôn tính Biển Đông và toàn bộ Khu Đông Nam Á, trong đó có chư hầu ý thức hệ là CSVN;
  • Nạn ngoại xâm bởi Đế Quốc Hán Cộng chỉ là hậu quả thanh toán nợ nần quân bị chiến lược giữa những chế độ chuyên trị cướp đất, cướp dân, giữa những tên đầu nậu quốc tế buôn bán súng đạn, ranh giới, đảo rừng, và quyền thế đảng phiệt;
  • Nạn Đế quốc Hán Cộng, dù trầm trọng tới mấy, vẫn chỉ là “hiện tượng” hay phản xạ tàn phá ngoài da cơ thể Tổ Quốc Việt Nam. Căn bệnh thật tại nội tạng là CSVN, một thứ ung thư mà Dân Tộc chúng ta cần phải loại trừ bằng đủ mọi cách, vừa điều trị vừa đề phòng.
  • Nhà cầm quyền Hà Nội vốn không có chính danh vì nhiều lần cướp đoạt chính quyền bằng bạo lực, lừa lọc, phản bội minh ước đã cam kết và nhất là không hề có chính nghĩa vì luôn luôn chủ mưu bán nước, hại dân bằng mọi thủ đoạn tiêu diệt, tù đày, cướp bóc tàn ác, nên không có tư cách, khả năng và uy tín cần thiết để bảo vệ nền độc lập căn bản cũa dân tộc và sự vẹn toàn lãnh thổ của tổ quốc;
NAY TRÂN TRỌNG ĐỀ NGHỊ TOÀN DÂN VIỆT NAM
  • Với 90 triệu người trong và ngoài nước, sau hơn 70 năm bị sát hại, hành hạ, ngược đãi, bị thiệt thòi, tha hoá, lý tán, chậm tiến, suy nhược
  • Kết lực đảm nhận trách nhiệm lịch sử Tổng Khởi Nghĩa giải thể chế độ CSVN, lỗi thời, bất tài tham nhũng, bán nước hại dân;
  • Và lập tức khai sáng, tạo dựng lại Chính Nghĩa Dân Tộc trên nền tảng Dân chủ Tự do Tiến Bộ thực sự của dân, bởi dân, vì dân, trên căn bản [a] pháp trị hiến định đa nguyên, cân bằng; [b] quản trị quốc gia kết sinh thế lực chính đáng và trách nhiệm công minh; [c] song song với một hệ thống Xã Hội Dân Sự và Đảng Phái chân chính; [d] xuất phát từ một dân tộc có nguồn gốc văn hoá đạo đức, có giáo dục nhân bản, có thực lực, quyền lợi và trách nhiệm trong một xã hội cầu tiến, công bình, ôn hoà.
  • Vậy, muốn chống ngoại xâm hãy dẹp tai ương CSVN và xây dựng lại chính danh và chính thống dân tộc:
QUA TRỌNG TRÁCH KHAI TRIỂN VÀ THỰC THI:
I. Nền Pháp trị Hiến định Đa nguyên, Cân bằng
1. Hiến pháp mà Việt Nam cần lựa chọn phải là một hệ thống quy ước thành văn, dưới hình thức luật căn bản của lãnh thổ, xác định rõ thế lực kết sinh của ba thành tố: chính quyền, xã hội, và người dân.
[a] Trong khu vực chính quyền, hiến pháp bao gồm những nguyên tắc căn bản thiết lập kiến trúc, thủ tục, quyền hành và trách nhiệm của một chính quyền đa nguyên, đa nhiệm, có trọng trách bảo vệ an ninh xứ sở, phát triển đất nước thịnh vượng, đồng thời bảo trọng quyền lợi, an sinh, phẩm giá của mọi người dân v.v.
[b] Trong khu vực xã hội, hiến pháp bao gồm những “nguyên tắc tổ chức” cộng đồng, hiệp hội, đảng phái; định hướng kinh tế tư hữu; giáo dục phổ thông, cấp tiến, nhân bản; tín ngưỡng độc lập v.v.
[c] Trong khu vực cá nhân của người dân, hiến pháp phải hạn chế mọi áp lực của chính quyền và xã hội để “bảo đảm và thực thi” những quyền bẩm sinh [1] bất khả xâm phạm, bất khả khước từ của người dân, mà quan trọng nhất, gồm có quyền sinh sống [xứng đáng nhân bản, an ninh, hạnh phúc], quyền tự do [tư tưởng, sáng tạo, ngôn luận, hội họp, tín ngưỡng, thờ phụng, khước từ] quyền tư hữu [vật chất và tinh thân].
Như vậy, với tư cách một khế ước xã hội,[2] Hiến pháp xác định liên hệ thích hợp, thích đáng giữa cá nhân, xã hội và chính quyền. Cá nhân hội nhập xã hội dân sự và xã hội chính trị trên căn bản thuận nhận song phương [3] trong tinh thần hỗ tương, bảo vệ lẫn nhau, với những quyền hành và trách nhiện tương xứng.
Luật lệ và trật tự chính trị không có tính cách tự nhiên, bất dịch, và chỉ có tính cách khả chấp, khi có chính nghĩa, khi thuận hoà với ước vọng chung [4] của toàn dân có chủ quyền tối hậu – gây áp lực công dân, thuận hay chống, trong việc thi hành, bổ túc, điều chính, thay đổi, bãi bỏ một khế ước xã hội, một thể chế chính trị.

2. Nguyên tắc cai trị mà theo đó mọi người dân, tổ chức, pháp thể, tư cũng như công, kể cả Chính quyền, Nhà Nước đều phải tôn trọng, thi hành một cách công minh, công bằng là nguyên tắc pháp trị [5], hay thượng tôn luật pháp [không ai đứng trên pháp luật] v.v. phải được suy diễn từ những quy định gốc sẵn có trong hiến pháp. Mọi đạo luật, thủ tục ứng dụng luật pháp, hay cả điều khoản trong hiến pháp nếu soạn thảo “ngoài phạm vi”[6] hay ngược lại một trong ba khu vực quyền hành và trách nhiệm quy định trong hiến pháp đều coi là vi hiến và vô hiệu.

3. Trong trường hợp đặc biệt cần bổ túc, cập nhật, điều chỉnh, sửa sai, hiến pháp có thể được tu chính, hoặc thay đổi toàn diện, bằng những thủ tục trọng thể, kỹ lưỡng. Hiến Pháp mới cần đem trưng cầu dân ý hay được soạn thảo bởi một quốc hội lập hiến, do dân cử.

II. Quản trị quốc gia trên bình diện kết sinh thế lực chính đáng và trách nhiệm công minh

1. Quyền hành quản trị đất nước không nên tập trung trong tay một cá nhân hay kiêm nhiệm bởi một đảng phiệt chuyên chính, mà cần phân công phân nhiệm tới thành phần dân cử, công chức, chuyên viên, cán sự đa nguyên, đa dạng.

2. Dù là đại nghị hay tổng thống chế, căn bản vẫn là nhà cầm quyền phải được dân bầu từ gốc. Riêng, với thể chế tổng thống, chính phủ trung ương, ở cấp lãnh đạo hay chuyên ngành, phải được dân lựa chọn theo quyền đầu phiếu mở rộng và thủ tục bầu cử minh bạch. Chính quyền trung ương thường được phân nhiệm thành ba ngành chuyên biệt: lập pháp, hành pháp, tư pháp. Trong tương lai, tại Việt Nam, có nên thêm ngành giám sát/công tố để phanh phui và truy tố cấp thời mọi vi phạm, lạm quyền, sai quấy, tham nhũng trong chính quyền và các khu vực giáo dục, quản trị, doanh nghiệp, vụ lợi hay bất vụ lợi?
Trên căn bản phân ngành độc lập, với quyền hạn và trách nhiệm đặc định, chuyên biệt, tuy liên kết phục vụ quyền lợi chung của đất nước, dân tộc, nhưng vẫn ở thế liên kiểm, nên chính phủ có cơ đồ duy trì mức độ cai trị quân bình, không lạm quyền, không độc đoán, không suy thoái tập thể.

3. Thành phần công chức [7] hay công vụ [8], muốn hội nhập công minh guồng máy quản trị đất nước, phải được tuyển chọn và tiến cử trên căn bản chuyên cần, tài đức [9] — hơn là do bè phái hay màu cờ sắc áo đảng phiệt [10] — để một mặt tăng trưởng hiệu lực công vụ, mặt khác, giảm thiểu nạn độc tải, lạm quyền, tham nhũng.

4. Thành phần công chức, đang thi hành công vụ, không được “làm chính trị”, để giữ thái độ trung kiên phục vụ người dân, mà không bị áp lực đảng phái chi phối. Muốn ứng cử, tham gia phụ giúp bầu cử, người công chức phải tạm ngưng công vụ trong chính quyền hay nhiệm sở, để tránh tình trạng xung đột quyền lợi công vụ và chính trị.[11]

5. Công chức, giáo chức, chuyên viên, cán sự, thuộc thành phần chuyên cần, trọng yếu trong guồng máy hành chính, giáo dục, quản trị, công cũng như tư, cần phải được đối đãi, tiến thưởng xứng đáng với nghiệp vụ giao phó. Như thế sẽ giảm thiểu quốc nạn tham nhũng, làm ăn bất hợp pháp, chạy chọt, phí phạm tài sản và nhân lực.

III. Tổ chức Xã Hội Dân Sự: Nẩy Mầm Dân Chủ từ Hạ tầng Cơ sở
Trong hệ thống dân chủ chân chính nhằm bảo vệ và phát huy quyền lợi chung của toàn dân, Việt Nam cần thực thi nhiệm vụ xã hội dân sự đặt trọng tâm trên quan hệ hỗ tương, hỗ trợ để thực hiện lợi ích chung, hữu hiệu, mở rộng.

Thế nào là Xã Hội Dân Sự [XHDS]?
Xã Hội Dân Sự [XHDS][12] tự nguyện đoàn ngũ hoá dưới hình thức các tổ chức bất vụ lợi,[13] độc lập, hoặc tổ chức phi chính phủ,[14] để hoạt động trong các lĩnh vực xã hội, kinh tế, từ thiện, giáo dục, tôn giáo, nghề nghiệp, điều nghiên, văn học, nghệ thuật, các phong trào dân vận bảo trọng nhân quyền v.v.
Sinh hoạt hợp pháp của tổ chức XHDS cũng cho phép lượng giá hệ thống pháp trị hiện hữu là dân chủ cởi mở nếu tôn trọng hoạt động chính thống và hợp hiến của XHDS, còn không sẽ phải coi là chuyên chế, phản dân chủ, bất hợp hiến, khi cấm đoán, kiềm chế các tổ chức tập thể này. XHDS phải được minh thị tôn trọng như một nhu cầu chính đáng của dân, do dân, vì dân. Mọi hình thức tổ chức XHDS khác, “phản dân sự”, đều có tính cách trá hình, lươn lẹo, vừa phản động ngược chiều, vừa vô hiệu, phí phạm nhân lực, tài lực, vì không gây được hào khí chí nguyện độc lập, tự kiểm, tự duy.

1. Khu vực XHDS khác với khu vực cá nhân, gia đình, nhóm phiệt khi những thành phần này hành động vì quyền lợi, mục tiêu riêng rẽ của cá nhân, gia đình, bè nhóm, nhằm bảo vệ lợi ích thu hẹp của họ. Trái lại, các tổ chức thuộc lĩnh vực XHDS hoạt động theo tiêu chuẩn “tập thể mở rộng” như thành lập hội văn học, hiệp hội từ thiện, cơ sở bảo vệ nhân quyền.
Kể từ những năm 1990, với sự hình thành của các Phong Trào Tân Xã Hội, [15] sinh hoạt XHDS đã đột phát mạnh để trở thành khối thế lực quản trị thứ ba [16], giữa chính phủ và doanh nghiệp tư bản [kinh tế thị trường], nhằm thực thi chiến lược xây dựng trật tự xã hội toàn cầu, trong một không gian nhân bản không ranh giới. Sinh hoạt chính của XHDS đã chuyển hướng, đặt trọng tâm vào các chương trình kết sinh thuần xây dựng của XHDS. Mức độ tranh đấu chính trị còn lại nay tụ tập thành Xã Hội Chính Trị, [17] gần gũi với các tổ chức tranh đấu về ý thức hệ, chống đối các tai ương cai trị chuyên chế, các bạo hành công lực, công quyền.
Nhưng tại các quốc gia mà mực độ tự do công dân còn quá thấp, với cơ cấu công quyền chuyên chế còn lấn át quá mạnh, thì khía cạnh chính trị khó có thể tách ra khỏi mục tiêu sinh hoạt của các tổ chức XHDS: [a] vừa giúp đỡ xây dựng xã hội thiếu thốn về mặt vật chất, kinh tế, giáo dục, [b] vừa bênh vực xã hội lâm nạn, bị ngược đãi tinh thần, mất tự do, mất phẩm giá con người, bị chuất quyền công dân, chuất quyền sở hữu.

2. Khu vực XHDS khác với khu vực vụ tư lợi kinh tế thị trường.[18] Trong khi các doanh nhân, các pháp nhân sĩ nghiệp, công ty thương mại đều sinh hoạt mong lấy lời vì đầu tư sáng kiến, vốn liếng, máy móc, tổng hợp thành “vốn tư bản”,[19] thì các hiệp hội từ thiện, hiệp đoàn, các tổ chức khuyến học, bảo tồn văn hoá, bảo vệ nhân quyền v.v. lại là những pháp nhân thiện nguyện, bất vụ lợi, sinh hoạt với mục đích cung cấp ích lợi chung theo nhu cầu hơn là theo khả năng. Căn bản trao đổi của XHDS không tùy thuộc vào yếu tố cung cầu trên thị trường mà căn cứ vào thực trạng ưu tiên, mức độ khẩn cấp của nạn nhân, của kẻ thất thế, cũng như căn cứ vào nhu cầu tinh thần của lý tưởng và phẩm giá con người, của giá trị tư tưởng. Vốn liếng của XHDS là “vốn xã hội”, [20] hay “vốn công dân thiện chí” là những đóng góp tự nguyện về nhân lực và kiến thức của người dân .
Mọi sinh hoạt bất vụ lợi cũng cần phương tiện cụ thể, tiền bạc, cơ sở sinh hoạt. Nhưng chỉ khác là những hạ tầng cơ sở tài lực và điều hành đó không làm lợi cho thành viên các tổ chức hiệp hội, mà phải được phân minh, để riêng thành các chương mục phục vụ tập thể cần cung phụng, theo tiêu chuẩn của nội quy của hiệp hội và đường hướng chung của XHDS.
Có ngân quỹ mới có dịch vụ cộng đồng, mới có các dự án bảo vệ nhân phẩm, bình quyền, đa dạng trong nghề nghiệp, giúp đỡ từ thiền, cải tiến môi sinh, bảo vệ môi trường. Có tài chính mới có dự án nghiên cứu y tế công cộng, mới thực hiện được những chương trình sáng tạo văn nghệ, phát huy giáo dục v.v. Nhưng mọi thủ tục tài chính, thu và chi phải được thực hiện theo đúng thủ tục minh bạch, đúng tiêu chuẩn công bằng, không lạm quyền tư lợi, không a tòng tham nhũng.

3. Khu vực XHDS khác với khu vực công quyền [chính quyền, chính phủ, nhà nước],[21] vì XHDS tự nguyện xây dựng căn bản công dân quyền trên các trụ lực hiến định như tự do tôn giáo, tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, tự do sáng tạo, tự do phê phán công quyền v.v. Rõ rệt, XHDS giữ thế đứng hiến định của cộng đồng, xã hội, trong việc xây dựng & bảo trì nền tảng dân chủ.
Ngày hôm nay, những ai có lương tri và lương tâm đều công nhận rằng XHDS, với “Vốn Xã Hội” và đặc tính văn hoá tân xã hội, đã [a] một mặt tạo dựng sức mạnh liên đới phát huy và bảo trọng nền dân chủ chân chính, [b] mặt khác tiếp tục tìm phương thức giảm thiểu xung đột, va chạm, và các mâu thuẫn, đối kháng trong xã hội.
Cái ưu điểm của XHDS là tính cách năng động của các tổ chức dân sự tự nguyện trong việc ảnh hưởng, định hướng chính sách đối nội vá đối ngoại; thay đổi, phát huy đời sống kinh tế, xã hội, văn hoá giáo dục; tăng cường mức độ an ninh trong nước và ngoài nước. Đó là sự nẩy mầm dân chủ từ hạ tầng cơ sở, từ ý dân, sáng kiến, yêu sách, đòi hỏi, khuyến cáo của dân lên tới thượng tầng cơ sở của hệ thống chính quyền [Nhà lập pháp, hành pháp, tư pháp] có trách nhiệm đối với dân, đối với đất nước.

4. Trái lại, tại các chế độ cộng sản, kể cả cái gọi là “nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam” [NCHXHCNVN], đã nhập nhằng bày đặt một số tổ chức tập đoàn, cũng dâng cao danh nghĩa dân chủ trá hình. Đó là hiện tượng quái dị của các “tập đoàn dân sự” [sic] lấy tên là “Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam” [MTTQVN] từ cấp thành phố, tỉnh, tới cấp huyện, và các “Câu Lạc Bộ” đủ thứ [CLB, liên minh, liên kết với MTTQVN], đều được thành lập bởi đảng viên cộng sản hoặc chuẩn-đảng-viên-khăn-quàng-đỏ.
Tốt nhất, nên gạt bỏ thuật ngữ Xã Hội Dân Sự [XHDS] đối với các “hội ma” này tại Việt Nam ngày nay, mà nên đặt các tổ chức đó vào thực trạng của nó, mà người viết mạn phép tạo một thuật ngữ mới là “Xã Hội Đảng Sự” [XHĐS], có thể dịch ra tiếng Anh-Mỹ là “Nomenklatura Society” [NS], với những quyền lợi riêng rẽ, ưu đãi, bất hợp pháp không khác mấy các “Xã Hội Đen”, hoặc “Xã Hội Mafia-Đỏ”.

IV. Tiêu Chuẩn Tổ Chức Đảng Phái Chính trị trong Thể Chế Dân Chủ Tự Do
Tuy hiện tượng đảng phái chính trị đã có từ lâu, nhưng hệ thống pháp chế của đảng phái mới được xác định gần đây.[22]
Tiêu chuẩn tổ chức đảng phái chính trị đề cập ở đây chỉ có tính cách điển hình, căn cứ vào các nguyên tắc khả chấp của các thể chế dân chủ tự do trên thế giới.
Vậy đảng phái chính trị trong hệ thống dân chủ tự do có thể định nghĩa là [a] sự hội họp tự do của các công dân [b] nhằm tham dự vào guồng máy chính quyền [c] bằng cách đề cử ứng cử viên và [d] tham dự các cuộc tranh cử tự do liên hệ.
Một cách rộng rãi hơn, đảng phái chính trị là địa bàn tập thể [a] thực hiện những quyền hạn căn bản, hiến định, bất khả khước từ của người dân, [b] là nhịp cầu liên kết thế lực giữa các ngành và các tổ chức trong chính quyền, và [c] khả năng chính đáng gây áp lực chính quyền với tư cách đảng đối lập trong một nền dân chủ đa nguyên nguyên, đa đảng.

Như vậy đảng phái chính trị được thành lập với những nguyên tắc và quyền hạn sau đây:
1. Quyền cá nhân kết hợp, hội họp một cách tự do, thuận hành, không bị cưỡng ép. Đảng phái chính trị cũng phải được tự do thành lập, không bị trở ngại, quấy rầy, không bị cấm đoán.
Quyền hội họp còn có liên hệ phụ thuộc với quyền tự do ngôn luận, với tư cách cá nhân hay tập thể. Khi đảng phái chính trị được bảo vệ, thì tiếng nói của đảng, của thành viên đảng cũng phải được bảo vệ, không bị cấm đoán, hay hạn chế.
Vì mục đích của đảng phái chính trị là chuẩn bị cho thành viên tranh cử, nên quyền ứng cử và bầu cử của thành viên đảng cũng phải được bảo vệ tương xứng, không bị cấm đoán, hay hạn chế.
2. Chính quyền có bổn phận ban hành luật pháp và các thủ tục pháp định bảo vệ người dân thi hành quyền tự do hội họp, lập đảng và những quyền liên hệ phụ thuộc của họ, bằng cách cấm đoán, giải trừ mọi trở ngại can thiệp, sách nhiễu của lực lượng công quyền hay các đảng phái đối nghịch, trên căn bản bảo toàn mọi sinh hoạt hợp pháp của người dân.
3. Về mặt pháp lý, mọi hình thức hạn chế quyền hội họp và những quyền liên hệ phụ thuộc của người dân đòi hội nhập hay thành lập đảng phái chính trị phải được minh định rõ ràng trong hiến pháp hay bằng luật pháp hiện hành, với lý do chính đáng, không thiên vị, căn cứ vào nhu cầu bảo vệ nền dân chủ tự do.
4. Mọi sự hạn chế quyền hội họp phải hội đủ tính cách cân xứng với sự phương hại đích thực cho nền dân chủ tự do.
5. Chính quyền không được cấm đoán cá nhân hay đảng phái hội họp trên căn bản kỳ thị sắc tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, khuynh hướng chính trị, tư tưởng, giai cấp xã hội, tư bản, khuynh hướng luyến ái v.v.
6. Cá nhân hay tập thể phải được quyền gia nhập hay thành lập đảng phái chính trị một cách công bình trước pháp luật, không bị kỳ thị, không được biệt đãi. Những trường hợp tạm thời nâng đỡ các thành phần thiểu số bị thiệt thòi trong quá khứ phải được coi là cần thiết, nên không có tính cách biệt đãi bất công.
7. Tính cách Chính trị Đa nguyên phải được coi là cần thiết cho môi trường sinh hoạt dân chủ tự do chân chính. Chính trị đa nguyên là phương thức cung cấp cho người dân nhiều cơ hội so sánh để lựa chọn đúng đảng và đúng người chấp chính theo ý muốn của họ.
8. Đảng phái chính trị khi tham chính, dù trong ngành lập pháp, hành pháp hay tư pháp, đều phải xác định lập trường trung trực, không thiên vị, thượng tôn luật pháp, bảo trọng công lý, quyền lợi chung của dân tộc, của đất nước, đặt trên quyền lợi và cương lĩnh của đảng phái.
9. Đảng phái chính trị trong chế độ dân chủ tự do [a] không được sử dụng bạo lực như phương tiện chính trị, [b] không được xúi giục bạo động, cũng như [c] không được phá quấy, cản trở quyền tự do hội họp, tự do ngôn luận, phát biểu chính trị của đảng phái đối lập.
Quyền biểu tình chống đối không lấn quá mức đến độ cản trở, triệt hại quyền hội họp, phát biểu của đối phương. Sử dụng quyền chính trị phải có tính cách song phương, tương xứng, chứ không thể độc đoán, một chiều.
Đảng phái chính trị ôn hoà cũng phải được đối xử tương xứng và được chính quyền bảo vệ khi có trường hợp vi phạm, sai quấy bởi đối phương.
10. Đảng phái chính trị khi vi phạm luật pháp hay lạm quyền đảng vụ phải được dành quyền bào chữa, sửa sai, đền bù theo đúng thủ tục luật pháp quy định.
11. Đảng phái chính trị cũng phải kê khai tình trạng tài chính liên quan tới sinh hoạt đảng vụ, tuyên huấn, tranh cử, trong quyền hạn và trách nhiệm pháp định.

V. TẠM KẾT: Nguồn Gốc Dân Tộc
Tất cả những “thế lực” trên chỉ vẹn toàn sứ mạng hay thực thị đầy đủ quyền hành và trách nhiệm nếu bắt nguồn từ một mội trường vững chắc, bắt nguồn từ một Dân tự tạo, tự duy trên ba trọng lực: [1] văn hoá đạo đức nhân bản, [2] giáo dục cấp tiến chân chính, [3] ý thức công dân và trách nhiệm nhân loại.

1. Về mặt văn hoá và đạo đức nhân bản
Văn hóa là tổng thể những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra trong quá trình lịch sử. Đó là cũng là những mẫu mực mà con người mong muốn, hay thừa nhận trong môi trường sinh sống.
Trong khi người dân dưới trướng xã hội chủ nghĩa có khuynh hướng chạy theo những mẫu mực giả tạo, thần thánh hoá, những bả vinh quang bịp bợm, những giá trị vật chất, lợi lộc tức thời, ngắn hạn, phù phiềm, thì đã tới lúc cả dân tộc phải tỉnh táo nhớ rằng văn hoá và truyền thống của người xưa để lại trong gia đình, làng ấp chúng ta còn gồm những chân lý hay tri thức về cái thật và cái đúng trong cách cư xử bao dung cuả con người Việt Nam tử tế.
Đã tới lúc chúng ta về lại với bản thể xã hội nhân bản, với cơ cấu gia đình và con người có tâm thức, có đạo đức. Đã tới lúc chúng ta cần nghe ngóng kinh nghiệm máu mủ của các thế hệ trưởng thượng, những tri thức thiết thực, những nhắn nhủ giáo huấn xuất phát từ mẫu mực và tình thương gia đình. Nhần từ, nhân ái bắt nguồn từ đó. Từ những chân lý sâu sắc, ôn hoà.
Trong khi văn hoá duy vật theo xã hội chủ nghĩa và lý thuyết cộng sản đặt trọng tâm vào các mô hình mâu thuẫn xã hội, cốt để duy trì sự thống trị của nhóm người này đối với nhóm người khác, qua những đợt thù hằn đấu tranh giai cấp, thì đã tới lúc chúng ta xoá bỏ những chia rẽ văn hóa, những bất công nhóm phiệt, những giá trị tạm bợ, màu cờ sắc áo, để tiến tới một mô hình văn hóa hợp nhất cho mọi công dân trong nước, căn cứ vào những mẫu số chung, những quyền lời và trách nhiệm đối xứng, trong cách chia sẻ, đối đãi công bình, ôn hoà, lương thiện, không mánh mung, không tham lam, không lừa lọc vị kỷ.
Xã hội Việt Nam của 90 triệu dân không thể mãi mãi là một xã hội vô sản, bị tước đoạt mọi quyền sở hữu, bị lợi dụng, lường gát một cách tập thể và trường kỳ. Và chắc cũng không ai muốn sống trong một xã hội tài phiệt giả tạo gồm một thiểu số đại gia bá đạo, sống trong lâu đài, vàng bạc phung phí trong khi toàn dân sống cảnh điêu tan, cực khổ. Cái xã hội mà 90 triệu dân muốn có là một xã hội dân chủ tự do, công bằng, bình sản, đạo đức, thượng tôn luật pháp, mà con người có phẩm giá của con người.

2. Về mặt giáo dục cấp tiến chân chính
Giáo dục là đầu tư nhân sự, mà xã hội Việt Nam trước đây đã khơi mào góp tay từ truyền thống giáo huấn gia đình, từ những căn dặn chất phát, căn bản: “tiên học lễ , hậu học văn” — trước hết là học phép tắc, lễ nghĩa, học làm người tử tế, sau đó mới học chữ, trau dồi kiến thức.
Đó là khởi đầu của nền giáo dục chân chính, với một chương chình học vân có căn bản: học thật, giáo huấn tử tế, văn bằng thật, kiền thức thật. Giao dực cấp tiến còn là cách hội nhập cái tinh thông, tân tiến, tinh tế hầu cập nhật với tiến bộ loài người, trên căn bản kỹ thuật tinh vi và kiến thức mở rộng, toàn diện, toàn năng.
Nhưng thông thái không có nghĩa là mưu mô xảo quyệt, biết đủ mọi cách để lừa lọc, phát minh tai hoạ. Và cầu tiến không có nghĩa là phải ăn trên ngồi trốc, vượt bỏ thiên hạ, là tự cao tự đắc.
Ngược lại tri thức và tiến bộ đích thực phải biết đo lường và vượt thắng ngay chính bản thân, để lúc nào cũng có thể học hỏi thêm, cập nhật và hài hoà với mình, với tha nhân, và môi trường sinh sống.
Giáo dục chân chính giúp chúng ta đi hết con đường của đạo làm người tử tế, trung hậu, tự duy, tự kiểm. Nó cũng là mẫu mực thực thi quyền hành và trách nhiệm làm một công dân tốt, đầy đủ tư cách.

3. Về ý thức công dân và trách nhiệm nhân loại
Khi dân tộc Việt Nam chúng ta đã tái nhập một nền văn hoá có đạo đức của con người tử tế, công bằng, hài hoà; khi đa số con em chúng ta đã hấp thụ một nền giáo dục cấp tiến chân chính nhân bản thì chỉ cần thêm một bước nữa, chúng ta đã trở thành những công dân tự giác, tự tạo, tự giúp để lấy cái vốn xã hội làm trung gian vững vàng giữa những thế lực hiến định đôi khi chống đối nhau, trong những khó khăn giai đoạn.
Ý thức công dân ngày hôm nay cũng có lúc biết vượt ra khỏi ranh giới của đất nước mình đệ chăm sóc, hỗ trợ, tranh đấu quyền lợi cho những dân tộc khác, cho cả nhân loại không kỳ thị nguồn gốc, sắc tộc, tôn giáo, văn hoá, văn minh.
Vậy, tới giờ phút này, nếu dân tộc chúng ta chưa đứng dậy tự vệ, đòi lại quyền sống và phẩm giá cao quý của chính mình thì còn quy trách ai bây giờ?
Mẹ Việt Nam vẫn bỏ bê lấy chính mình, vẫn để một lũ con gây tội ác mà không hề áy náy, bực tức. Mẹ Việt Nam hằng ngày vẫn thấy gần 90 triệu con mình bị đày đoạ, cướp bóc, hủy hoại từ thân thể tới tinh thần, mà vẫn vô cảm, không biết đứng dậy chống đỡ, bảo vệ.
Giờ quy trách không còn nữa. Phải sòng phẳng, phân minh với chính mình. Tất cả chúng ta hãy nhận trách nhiệm làm người Việt Nam tử tế, không sống chung với kẻ bất nhân, phạm tội, nhưng sẵn sàng đón tiếp họ, nếu họ tự thú, tự giải, thật lòng quay về với Chính Nghĩa Dân Tộc.

Dẹp xong tai ương CSVN trong nước, Toàn Dân có đủ quyền tự quyết mới vững mạnh, mới đủ tự tin và tâm thức Đại Đoàn Kết để ra tay đánh đuổi kẻ thù ngoại xâm.
Trân trọng và Tâm nguyện,
TS-LS. LƯU NGUYỄN ĐẠT
GHI CHÚ
[1] natural/innate rights
[2] Social Contract/Contrat social,
[3] mutual consent
[4] general will/volonté générale: La « volonté générale » [Jean-Jacques Rousseau, Du contrat social, livre II, Chapitre III] ou volonté du peuple, fonde la légitimité du pouvoir politique.Les forces de l’État peuvent seulement être dirigées par la volonté générale (l’accord des intérêts particuliers) pour tendre vers le bien commun. La souveraineté populaire peut être déléguée, en s’accordant provisoirement avec la volonté d’un homme, mais ne saurait se soumettre dans la durée à la volonté d’un seul homme. Il est à noter que la volonté générale ne correspond pas à la volonté de la majorité : elle est, d’après Rousseau, “la somme des différences de la volonté de tous”, à laquelle on a donc ôté les plus et les moins qui s’entredétruisent.
[5] due process
[6] Ultra Vires
[7] fonction publique
[8] civil service,
[9] meritocracy
[10] The combination of both “plutocracy” [tài phiệt] and “oligarchy” [nhóm phiệt]” is called “plutarchy”
[11] conflict of interests.
[12] Civil Society
[13] NPO [Non-Profit-Organizations]
[14] NGO [Non-governmental organizations]
[15] New Social Movements
[16] Third sector– Voluntary or non-profit sector of an economy; EX.: ”intermediary space between business and government where private energy can be deployed for public good.” Also called tertiary sector
[17] Political Society],
[18] Economical Market
[19] Investment capital
[20] Social capital is a sociological concept, which refers to connections within and between social networks. The concept of social capital highlights the value of social relations and the role of cooperation and confidence to get collective or economic results. In general terms, it could be said that social capital is the fruit of social relations, and consists of the expectative benefits derived from the preferential treatment and cooperation between individuals and groups.
Robert Putnam has used the concept in a positive light: though he was at first careful to argue that social capital was a neutral term, stating “whether or not [the] shared are praiseworthy is, of course, entirely another matter”,his work on American society tends to frame social capital as a producer of “civic engagement” and also a broad societal measure of communal health. He also transforms social capital from a resource possessed by individuals to an attribute of collectives, focusing on norms and trust as producers of social capital to the exclusion of networks.
Mahyar Arefi identifies consensus building as a direct positive indicator of social capital. Consensus implies “shared interest” and agreement among various actors and stakeholders to induce collective action. Collective action is thus an indicator of increased social capital.
[21] State
[22] Tổ Chức An Ninh & Hợp Tác Châu Âu [Organization for Security and Co-operation in Europe/OSCE], cùng Văn Phòng Tổ Chức Dân Chủ và Nhân Quyên [Office for Democratic Institutions and Human Rights/ODIHR] và Ủy Ban Châu Âu Dân Chủ Bằng Luật Pháp [European Commission For Democracy Through Law/Venice Commission] trong buổi hội họp tại Venice, Ý Đại Lợi, ngày 15 và 16 tháng 10 năm 2010, đã xác định các Tiêu Chuẩn Tổ Chức Đảng Phái trong Thể Chế Dân Chủ Tự Do.

No comments:

Post a Comment