Tuesday, November 8, 2011

* Sự huyền bí của những cây đèn quý tộc Tiffany

Đèn Tiffany thường được giới sưu tầm phương Tây đánh giá là loại đèn quý phái và quý hiếm. Còn những người sở hữu chúng không những phải có rất nhiều tiền mà cần cả sự hiểu biết, nhẫn nại và niềm đam mê đặc biệt.

Chao đèn Chuồn chuồn màu xanh huyền bí.

Tiffany và Steve Jobs
Tiffany là cái tên rất quen thuộc với người Mỹ. Không phải vì nó trùng với tên một bộ phim kinh điển ra đời năm 1961 gắn với tên tuổi của huyền thoại màn bạc Audrey Hepburn, Breakfast at Tiffany's mà bởi Tiffany là thương hiệu của một loại đèn kính màu nổi tiếng do họa sĩ, nhà sáng chế, nhà thiết kế danh tiếng người Mỹ có tên là Tiffany sáng tạo ra.
Đèn kính màu Tiffany từ lâu đã được coi là một thú chơi nghệ thuật quý tộc dành cho tầng lớp thượng lưu. Ngày càng có nhiều người biết và có cơ hội sở hữu những cây đèn Tiffany, dù đó là sở hữu những chiếc đèn phiên bản nghiêm túc. Nhưng dù là “bản sao” thì nhiều chiếc đèn Tiffany phiên bản vẫn là món đồ xa xỉ đối với nhiều người.
Khi đọc cuốn Inside Steve's Brain của Leander Kahney viết về Steve Jobs, người sáng tập hãng Apple vừa qua đời hôm 5/10 vừa qua, người viết vẫn mãi cứ ấn tượng bởi hai đoạn nhắc tới cái tên Tiffany trong cuốn sách.
Khi cựu CEO của Apple, John Sculley thăm nhà Jobs, Sculley cảm thấy vô cùng bất ngờ trước vẻ sơ sài của ngôi nhà… "Tôi nhận ra là Jobs ta không có bất kỳ thứ đồ đạc nào, ngoài một bức hình Einstein, là người mà Jobs vô cùng ngưỡng mộ cùng một cây đèn Tiffany, một cái ghế và chiếc giường. Jobs không cần nhiều đồ đạc và chỉ lựa chọn cực kỳ cẩn thận những thứ mình muốn", (Inside Steve's Brain, p.111).

Kiệt tác "Hoa mẫu đơn tinh xảo"

Ở trang 238 của cuốn sách lại viết: "Jobs thường đưa các nhân viên đi thăm quan các viện bảo tàng và tới các buổi triển lãm đặc biệt để giáo dục cho họ về thiết kế và cấu trúc. Ông ấy đã đưa nhóm phát triển MAC tới một phòng trưng bày của nhà thiết kế vĩ đại Louis Comford Tiffany bởi vì Tiffany là một NTK đã đưa được các tác phẩm của mình thành những sản phẩm thị trường có giá trị cao", (Inside Steve's Brain).
Louis Comfort Tiffany là con trai duy nhất của Charles Lewis Tiffany, chủ một hệ thống các cửa hàng kim hoàn lớn nhất Hoa Kỳ vào cuối thế kỷ 19 và nổi tiếng khắp thế giới đến tận hôm nay. Bối cảnh chính của bộ phim Breakfast at Tiffany’s là cửa hàng kim hoàn lớn nhất New York của gia đình Tiffany. Nhưng Tiffany con đã từ chối kế nghiệp cha để đeo đuổi niềm đam mê nghệ thuật và bắt đầu sự nghiệp bằng nghề vẽ. Những năm tu học ở Pháp đã ảnh hưởng rất lớn đến xu hướng nghệ thuật sau này của ông.

Có những chao đèn được ghép từ hàng ngàn mảnh kính màu.
Ông say mê trường phái nghệ thuật Tân Hiện đại (Art Nouveau) vì vậy những cây đèn mang một vẻ đẹp khác lạ của ông luôn in đậm phong cách Tân Hiện đại. Tiffany nhạy cảm khác thường với màu săc và là bậc thày về nghệ thuật chơi màu.
Tiffany Studios New York do ông lập ra vào thập niên 1890 đã khẳng định thương hiệu với những chiếc đèn kính màu huyền ảo độc nhất vô nhị do chính tay ông thiết kế bằng thứ kính cho ông đích thân sáng chế. Do Tiffany là loại đèn kính màu do người Mỹ sáng tạo ra nên đa phần những người sưu tầm chúng đều là người Mỹ. Dân Mỹ không chỉ sở hữu nhiều đèn Tiffany mà còn hiểu giá trị của chúng.


Ma lực của đèn Tiffany

Những sắc màu ám ảnh của "Hoa mẫu đơn tinh xảo".

Tuy đã nhiều lần được chiêm ngưỡng những cây đèn kính màu Tiffany huyền ảo với những sắc màu rực rỡ phát ra một thứ ánh sáng đặc biệt, nhưng cảm giác thì lần nào cũng mới mẻ. Bước vào một căn phòng chỉ có ánh sáng phát ra từ những chiếc chao đèn Tiffany với đủ mọi sắc độ, sự biến ảo màu sắc, dường như người ta được tách ra hẳn cái thế giới náo nhiệt của cuộc sống xung quanh.
Thật kỳ lạ, ngay cả khi có cả chục cây đèn được bật sáng cùng lúc, người xem vẫn không có cảm giác bị chói mắt dù màu sắc và họa tiết của mỗi chao đèn lúc nào cũng rực rỡ. Đèn Tiffany luôn cho người ta cái cảm giác ấm áp, trầm tĩnh, một thứ ánh sáng lung linh có khả năng năng xoa dịu tinh thần nhưng lại khiến người ta rụt rè khi tới gần, bởi ngay cả khi chưa biết giá trị thật của mỗi chiếc đèn là bao nhiêu thì người ta cũng đã cảm nhận được đó là những hiện vật rất giá trị.

Chao đèn "Chuồn chuồn" màu hổ phách quý hiếm đang nằm trong tay một nhà sưu tầm ở VN.

Đèn Tiffany đẹp rực rỡ, bí hiểm và lôi cuốn. Đã có rất nhiều người sau khi mua được vài chiếc đèn tự nhiên lại thích ở nhà chỉ để... được đắm mình giữa những chiếc đèn. Có một điều khá kỳ thú là nhìn đèn Tiffany ở góc độ nào cũng thấy có cái đẹp riêng. Chỉ cần thay đổi một chút về góc nhìn và độ sáng là nó lại cho ra một thứ màu sắc, cảm giác khác nhau. Tiffany giống như một cô gái đẹp, sâu sắc và luôn bí ẩn, càng ngắm càng thấy thú vị, càng nhìn càng thấy thu hút.
Đèn Tiffany có khả năng ám ảnh người xem bằng thứ ma lực quyến rũ khó định hình. Rất nhiều nhà ngoại cảm khi ngồi trước cây đèn Tiffany đã phải thốt lên rằng đó là những cây đèn phát ra năng lượng siêu hình.
Có lẽ bởi những nghệ nhân đã làm ra những cây đèn Tiffany không chỉ sử dụng tay nghề, độ nhạy cảm đặc biệt mà còn có khả năng thổi hồn, truyền lên những miếng kính màu vô tri một thứ cảm xúc mãnh liệt ẩn chứa các giá trị tâm linh nào đó để làm ra những hoà sắc mê hoặc lòng người.

Nhiều khi người thợ phải dùng đến vàng để cho ra những sắc màu kỳ ảo.

Là một họa sĩ, Tiffany thường yêu cầu rất cao trong việc tạo ra những loại kính có màu sắc đặc biệt để làm tranh kính và đèn. Để có được những miếng kính màu rực rỡ trên các tác phẩm tranh kính và chao đèn, ông đã cùng các nhóm kỹ sư miệt mài nhiều năm tháng, đầu tư thời gian và hầu hết tiền của gần như suốt cả cuộc đời, để tìm kiếm, thử nghiệm và tạo ra những công thức và công nghệ làm ra loại kính màu mà ngày nay người ta vẫn quen gọi là kính màu Tiffany. Hơn 100 bằng sáng chế là bằng chứng cho cả cuộc đời lao động và sáng tạo miệt mài của ông.
Để “sao lại” nguyên tác những chiếc đèn đúng mẫu, đúng tinh thần của Tiffany là rất khó. Một nhà sưu tầm kỹ tính đặt làm một chiếc đèn “Dàn nho” đã mất hai năm trời cất công lục lọi gõ cửa các nghệ nhân gần như khắp thế giới để tìm cho được một chiếc lá màu xanh ngọc có cấu trúc 3D, bởi loại kính này đã “tiệt chủng” vĩnh viễn từ nhiều thập kỷ này.
Cho nên, ngày nay việc sở hữu một chiếc đèn Tiffany dù là phiên bản có chất lượng bảo tàng không phải cứ có có tiền là có được. Nó còn tuỳ thuộc người nghệ nhân làm đèn có khả năng tìm ra đủ loại kính cần thiết cho một tổ hợp màu sắc của một chiếc chao đèn hay không. Mà trên thực tế những miếng kính, thậm chí là những mẩu kính quý hiếm này này đôi khi phải cần tới nhiều năm tháng tìm tòi rồi sau đó mới nghĩ đến việc làm đèn.

Một nhà sưu tầm kỹ tính đặt làm một chiếc đèn “Dàn nho” đã mất hai năm trời cất công lục lọi gõ cửa các nghệ nhân gần như khắp thế giới để tìm cho được một chiếc lá màu xanh ngọc có cấu trúc 3D, bởi loại kính này đã “tiệt chủng” vĩnh viễn từ nhiều thập kỷ này.

Những chao đèn khiến người xem choáng váng
Cho đến nay, chiếc đèn Hoa sen nguyên bản do Tiffany Studio làm ra vẫn là chiếc đắt nhất được bán đấu giá công khai. Còn nhớ ngày 12/12/1997, nó được nhà cái ở Christies', New York (Mỹ) bán đấu giá ở mức 2,8 triệu đô la. Nhưng ngay sau đó nó đã được chuyển nhượng lại cho một nhà sưu tầm Nhật Bản giấu tên với giá khó tin.
Hầu hết những chiếc đèn Tiffany nguyên bản hiện nay đều có chủ, hoặc đang nằm ở trong các viện bảo tàng danh tiếng trên thế giới hay đã yên vị trong những bộ sưu tập tư nhân. Thi thoảng cũng có vài chiếc đèn Tiffany cỡ nhỏ có thiết kế đơn giản mang tính “đại chúng” xuất hiện tại các sàn đấu giá thế giới. Còn trên các mạng mua bán thì đầy “đèn Tiffany chính hiệu” đáng ngờ, có khi giá chào hàng lên đến vài trăm nghìn đô la mà vẫn có người mua vì chúng quá đẹp.
Hễ trên các sàn đấu giá có tiếng tăm bỗng xuất hiện một chiếc đèn có dáng dấp “xuất chúng” nhưng lạ lẫm (tức không có tên trong danh mục bảo tàng hoặc bộ sưu tầm đã được công bố) là lập tức gây xôn xao và nghi ngờ cho giới am hiểu, sưu tầm đèn. Những ai tin đó là đèn thật của Tiffany Studio New York thì xin mời, cứ mua đi, dù phải trả cả đôi triệu đô la.

Năm 1987, một chiếc đèn Tiffany có tên là Westeria (Cây hoa Đậu tía) đã được nhà cái Christie's bán với giá nửa triệu đô la

Nhưng dân sưu tầm chuyên nghiệp thì lắc đầu quầy quậy: “Bây giờ còn bói đâu ra những chiếc đèn Tiffany như vậy cơ chứ!” Bởi vậy, cho đến nay bên cạnh những chiếc đèn đã có danh có phận, những chiếc còn lại, dù đẹp đẽ và đắt đến bao nhiêu thì chúng vẫn là những câu hỏi dành cho giới chơi đèn Tiffany nếu chúng dám tự vỗ ngực là “Made by Tiffany Studio”.
Những người đam mê đèn Tiffany hẳn đều biết đến cây đèn Oriental Poppy nổi tiếng từng được bán với giá nhiều triệu đô la từ thập kỷ 80 thế kỷ trước. Hiện tại một phiên bản khác của Tiffany Poppy với chất lượng bảo tàng cũng đang thuộc sở hữu của một nhà sưu tầm đèn Tiffany giấu tên ở Việt Nam. Ông còn có trong tay một phiên bản Westeria tuyệt đẹp cùng nhiều chao đèn Hoa Mẫu đơn và nhiều chiếc hết sức tinh xảo trong đó có một cây đèn Chuồn chuồn làm bằng loại kính lưỡng sắc được chế từ năm 1906 rất quý giá.
Tiffany chinh phục người chơi không chỉ bởi tạo hình đặc biệt, màu sắc độc nhất vô nhị mà còn bởi độ phức tạp của mỗi chao đèn. Như chiếc chao đèn Cây Kim tước (Laburnum) chẳng hạn, nó được ghép từ 2200 miếng kính. Mọi công đoạn chọn kính, cắt kính, ghép kình và hoàn thiện đều được thực hiện bằng tay. Do vậy, khi đã có đủ lượng kính màu với màu sắc ưng ý rồi có khi phải mất nhiều tháng đến cả năm trời để hoàn thành.

Chiếc chao đèn phức tạp nhất, khiến bất cứ nghệ nhân nào cũng phải kinh sợ là Spidermum.

Tuy nhiên, chiếc chao đèn phức tạp nhất, khiến bất cứ nghệ nhân nào cũng phải kinh sợ là Spidermum. Một người chơi đèn ở VN tiết lộ, riêng tiền cắt kính cho phiên bản chiếc đèn Tiffany gốc này cũng đã lên đến trên mười nghìn đô la (để cắt mài 1240 miếng kính cho đúng khuôn). Hàng trăm miếng kính có độ mảnh chỉ bằng que tăm, kính lại dày nên rất dễ gãy, chỉ cần cắt chệch là sự cố và không có khả năng thay thế, mất khả năng phối màu của hoạ tiết.
Chiếc đèn Spidermum ở Việt Nam cũng là chiếc Spidermum duy nhất trên thế giới được làm bằng loại kính cổ có nhiều lớp màu chồng lên nhau, bề mặt gợn sóng và có rãnh sâu, là loại kính rất đẹp nhưng cũng là loại rất khó cắt và dễ gãy. Nghệ nhân phải đã phải dùng đến máy cắt kính tinh xảo đặc chủng cưa kính bằng lưỡi cưa kim cương nhỏ như sợi chỉ để xử lý từng chút một nên một ngày có khi chỉ cắt được vài miếng kính.

Chiếc đèn Tiffany có tên "Khóm hoa cúc dại"
Do vậy nghệ nhân nào dám thử sức với chiếc chao đèn này đều là những người cực kỳ có bản lĩnh. Người sưu tầm nó cũng phải có bản lĩnh lớn sau khi dám chi trả một món tiền lớn còn phải ngồi đợi hai ba năm mới được sờ vào chiếc đèn của mình! Người ta gọi đây là một thú chơi chẳng phải cứ có tiền mà có là vì thế.

No comments:

Post a Comment