Monday, November 7, 2011

* TÀ ÁO DÀI VIỆT NAM


Nguyễn Tất Đạt

- Bài Tà Áo Dài Việt Nam sau đây nguyên là bài nói chuyện của ông Nguyễn Tất Đạt, trưởng nam của họa sĩ Nguyễn Cát Tường (tức Le Mur, cha đẻ của chiếc áo dài tân thời), trong đêm nhạc Thu và Tình Yêu, tổ chức tại Little Saigon ngày 4 tháng 11, 2011. Bài nói này là phần mở đầu của tiết mục Trình Diễn Áo Dài trong chương trình. Vì thời giờ có hạn, diễn giả đã cắt bớt một số đoạn của bài nói, mà sau đây chúng tôi đăng lại toàn văn.-

Ông Nguyễn Tất Đạt

Kính thưa quý vị,

Đêm nhạc hôm nay có chủ đề là Thu và Tình Yêu. Vẻ đẹp lãng mạn của mùa thu rất thích hợp với tình yêu, trong đó chính tà áo dài của người phụ nữ Việt Nam sẽ làm lộng lẫy thêm vẻ duyên dáng của mùa thu lẫn tình yêu. Chẳng thế mà nhạc sĩ Đoàn Chuẩn đã viết nên câu nhạc: Với bao tà áo xanh đây màu thu... Trong âm nhạc và thơ văn của ta, mùa thu, tình yêu và tà áo dài luôn luôn quấn quít lấy nhau. Nhưng điều đáng chú ý là sự quấn quít ấy chỉ bắt đầu từ giữa thập niên 1930 của thế kỷ 20 trở về sau mà thôi. Nhân chương trình hôm nay có mục trình diễn áo dài, tôi xin có một số ý kiến về sự kiện này.

Từ nghìn xưa, đất nước Việt Nam của chúng ta sống trong nền văn hóa khép kín kiểu Á đông, với chế độ quân chủ và đặc biệt chịu ảnh hưởng của tư tưởng Khổng Mạnh. Khi người Pháp xâm chiếm nước ta vào hậu bán thế kỷ 19 thì ảnh hưởng của nền văn minh Âu Tây mới dần dần thâm nhập vào xã hội Việt Nam, ảnh hưởng của Nho giáo ngày một thu hẹp lại trong khi ảnh hưởng của văn hóa Pháp ngày một mạnh hơn. Trong quá trình chuyển động ấy, thập niên 1930 đã chứng kiến một biến chuyển lớn về văn hóa giúp xã hội tiến nhanh trong việc đổi mới. Đó là sự xuất hiện của nhóm Tự Lực Văn Đoàn với một nhà xuất bản và hai tờ báo Phong Hóa và Ngày Nay. Văn đoàn này chủ trương dùng báo chí và văn chương để đả phá những cái thủ cựu lạc hậu, đồng thời tiếp thu những cái tiến bộ về nếp sống và tinh thần khoa học của Âu Tây. Với một nhóm người có tài năng và nặng lòng canh tân đất nước, nhóm Tự Lực Văn Đoàn đã thực sự gây được một ảnh hưởng mới mẻ trong xã hội Việt Nam về nhiều mặt. Một trong nhiều cải cách đã đạt được kết quả cụ thể của báo Phong Hóa và Ngày Nay là đổi mới chiếc áo dài của phụ nữ Việt Nam.

Thưa quý vị, nếu ở đầu thập niên 1930 những người đàn ông theo tân học đã mặc veston, thắt cà vạt, mang dày da giống như người Pháp thì về cánh phụ nữ sự thay đổi về y phục vẫn còn rụt rè lắm, nếu không nói là hầu như chưa có gì. Tuy về màu sắc thì lác đác đã có phần linh động hơn là chỉ có màu đen và màu trắng, chiếc áo dài của phụ nữ ở thời điểm ấy vẫn là những chiếc áo mà thế hệ mẹ và bà mình vẫn mặc trước kia, nghĩa là luộm thuộm, quá kín đáo và bất tiện, nhất là không làm tôn vẻ đẹp của dáng vẻ và thân hình người phụ nữ lên. Năm 1934, báo Phong Hóa đã dành hẳn một mục về cải cách y phục của phụ nữ, do họa sĩ Nguyễn Cát Tường phụ trách. Trong bài mở đầu cho mục này, ông viết: “Đoái nhìn lại nước nhà tôi không khỏi có điều chán nản. Trừ y phục của bọn trai chúng tôi, phần nhiều phỏng theo kiểu mẫu của người Âu, Mỹ, còn y phục của các bạn gái, tôi xem thấy có nhiều điều bất tiện mà lại không có vẻ chi là mỹ thuật.” Một đoạn khác, ông viết: “Phụ nữ đời nay có khác phụ nữ đời xưa họa chăng ở chỗ không đội nón thúng quai thao, không đi dép cong hay giầy “mõm nhái” như họ. Còn thì, vẫn kiểu áo lòe sòe ấy, vẫn cái quần lụng thụng đen ngòm ấy.” Và ông đề nghị phải sửa đổi y phục phụ nữ. Liên tiếp trong nhiều năm sau đó, trên mặt báo này, ông đã trình bày nhiều kiểu quần áo cho phụ nữ Việt Nam do ông vẽ ra, mà đặc biệt là sửa đổi chiếc áo dài. Có thể nói ông là tác giả của chiếc áo dài tân thời, mà từ thời thập niên 1930, cả xã hội đã mệnh danh là “Áo Dài Le Mur”. Xin nói thêm về tên gọi này: tên ông là Tường, mà trong tiếng Pháp, bức tường gọi là Le mur, nên ông lấy biệt danh là Le Mur cho các tác phẩm hí họa, minh họa và vẽ kiểu y phục của mình.


Những kiểu áo dài trình diễn

Có thể nói không ngoa, từ các cải cách của họa sĩ Nguyễn Cát Tường, chiếc áo dài của phụ nữ Việt Nam đã bước hẳn sang một giai đoạn mới. Với chiếc áo dài “tân thời” –như cách gọi của thời ấy- người phụ nữ Việt Nam đã đẹp hẳn lên nhờ chiếc áo làm nổi bật vẻ duyên dáng của thân thể mà vẫn giữ được sự kín đáo nữ tính. Và trên cái nền cải cách ấy chiếc áo dài lại tiếp tục được cải tiến hết thế hệ này sang thế hệ khác để giữ luôn luôn vẻ yêu kiều hợp với thẩm mỹ của mỗi thời đại. Từ sau cuộc cải cách lớn về y phục phụ nữ trong thập niên 1930 ấy, chiếc áo dài tung gió chơi vơi đã gây cảm hứng cho không biết bao nhiêu là nhạc sĩ, họa sĩ, thi sĩ, văn sĩ và các nhà nhiếp ảnh. Cuộc sống của người Việt Nam đã đẹp hẳn lên với chiếc áo dài. Đối với thế giới, chiếc áo dài Việt Nam đã là một nét văn hóa dân tộc nổi bật rất đặc sắc không thua sút y phục bất cứ nước nào.


Một kiểu áo dài đầu thập niên 1960

Riêng trong một lãnh vực quan trọng trong đời sống chúng ta là tình yêu, thì lạ thay, tình yêu cũng rực rỡ hẳn lên với tà áo dài duyên dáng. Ngay từ ngày xưa y phục của người phụ nữ đã đóng vai trò thu hút đối với cái tình của đàn ông đối với người khác phái. Câu ca dao sau đây nói lên tính chất thi vị của một lời tỏ tình, trong đó vạt áo dài của người phụ nữ là trung tâm:

Người về ta chẳng cho về
Ta nắm lấy áo ta đề câu thơ

Lẳng lơ, tình tứ (và hơi “thô bạo” nữa) biết bao trong hành động “nắm lấy áo”! Dĩ nhiên động tác có vẻ thô thiển ấy là để ngăn cản không cho người đẹp ra về, nhưng tiếp theo lại là “ta đề câu thơ” lên vạt áo thì bao nhiêu vẻ phóng đãng bậy bạ đã được xóa hết, chỉ còn lại cái tình tứ rất có ăn học, một lối “bạo lực” rất văn nghệ! Ôi cái vạt áo dài của người nữ từ xưa đã đóng vai trò mời gọi biết là chừng nào trong mối tình nam nữ!

Kịp đến khi chiếc áo dài đã được cách tân thì nó trở nên gợi tình hơn gấp bội với các đường nét phô diễn thân thể với hai tà có khả năng gọi gió. Trước sau, chính vẻ đẹp của phái nữ là điểm thu hút nam giới, mà chiếc áo dài khi đã vượt ra khỏi quan niệm chật hẹp đã giam hãm người đàn bà một cách quá đáng để chính nó cùng với người mặc nó đạt tới cái ĐẸP viên mãn thì cũng là lúc văn nhân thi sĩ – và nói chung những tâm hồn nghệ sĩ – đã say mê và ca tụng hết lời.

Chúng ta hãy đọc đoạn mở đầu bài Áo Dài Trong Thơ và Nhạc của tác giả Lê Hữu (đăng ở diendantheky.net ngày 22 tháng 10, 2001) để thấy tà áo dài đã gây cảm hứng cho văn nghệ sĩ nước ta như thế nào:
Chiều nào áo tím nhiều quá / lòng thấy rộn ràng nhớ người...

Giọng hát trầm ấm, dìu dặt của Duy Trác cất lên đâu đó trong một ngày đầu thu gợi nhớ hình ảnh và nơi chốn thân quen trước “cổng trường áo tím” những chiều tan học. Áo tím túa ra như đàn bướm, áo tím thướt tha dọc theo những “lối đi dưới lá” trên lề đường Phan Thanh Giản, trên những đường phố Saigon ngập nắng. Những tà áo nhẹ bay trong gió từ lâu lắm đã đi vào thi ca, làm rung động lòng người và là nguồn cảm hứng vô tận của những người làm thơ, viết nhạc. Tà áo nên thơ ấy, dưới đôi mắt ngắm nhìn của người nghệ sĩ, là bức tranh sinh động với nhiều đường nét, nhiều dáng vẻ, thể hiện qua từng lời thơ ý nhạc:

Dưới mắt Phạm Đình Chương là “Áo bay mở, khép nghìn tâm sự...” (Mộng dưới hoa)

Dưới mắt Vũ Thành là “Áo dài bay ngờm ngợp cả khung trời...” (Mùa kỷ niệm)

Dưới mắt Hoàng Dương là “Áo mầu tung gió chơi vơi...” (Hướng về Hà Nội)

Dưới mắt Trịnh Công Sơn là “Áo xưa lồng lộng đã xô dạt trời chiều...” (Tình nhớ)

Những vạt áo dài, từ lâu lắm, đã lất phất trong những trang thơ tiền chiến. Từ…

“Đôi tà áo lụa bay trong nắng” (Áo lụa, Bàng Bá Lân) đến…

“Nắng thơ dệt sáng trên tà áo

lá nhỏ mừng vui phất cửa ngoài” (Áo trắng, Huy Cận)

Áo dài cũng len cả vào những câu lục bát trữ tình của Nguyễn Bính:

“Hồn anh như bông cỏ may

một chiều cả gió bám đầy áo em” (Bông cỏ may)

Và len cả vào dòng thơ hào hùng và lãng mạn của Quang Dũng:

“Em đi áo mỏng buông hờn tủi

dòng lệ thơ ngây có dạt dào” (Đôi bờ)

Áo dài còn là giấc mơ thanh bình của những làng quê hiền hòa trong tình ca quê hương của Phạm Duy:

Nằm mơ, mơ thấy trăm họ tốt tươi / mơ thấy bên lề cuộc đời / áo dài đùa trong tiếng cười… (Quê nghèo)

Áo dài lướt thướt như vạt áo của nàng Xuân trong thơ Trần Mộng Tú:

“Tôi gói xuân vào hai vạt áo

ngước nhìn mây trắng dạ mang mang” (Mẫu Đơn)

Áo dài bồng bềnh như dải trăng thu huyền ảo trong thơ Nghiêu Minh:

“Dấu thu kinh tự còn mê

Em mang tà áo bốn bề là trăng” (Thu vô lượng)
Chỉ mới một đoạn mở đầu, chúng ta đã thấy biết bao là kiểu dáng và tình tự của chiếc áo dài trong con mắt của người nghệ sĩ. Những câu thơ, câu hát được trích dẫn còn dài lắm, đó là chưa kể những tác phẩm ngoài văn tự như hội họa, nhiếp ảnh nhằm ghi lại trực tiếp, cụ thể vẻ đẹp của chiếc áo dài và người phụ nữ mặc nó. Có thể nói cảm hứng mà tà áo dài mang lại cho người nghệ sĩ nước ta là vô bờ, trùng trùng điệp điệp, đã đem lại cho cuộc sống của người Việt Nam vô vàn xúc cảm phiêu du.

Trong cõi tinh thần và tình cảm giàu có mà chiếc áo dài đã mang lại, tôi chỉ biết nói: Xin cám ơn chiếc áo dài!

Và vì không thể lan man mãi theo những cảm xúc vô tận này, tôi chỉ xin đọc mấy câu của nhà thơ Nguyên Sa để kết thúc bài nói chuyện hôm nay:
Có phải em mang trên áo bay
Hai phần gió thổi, một phần mây
Hay là em gói mây trong áo
Rồi thở cho làn áo trắng bay?

No comments:

Post a Comment