Thursday, November 10, 2011

* THÀ LÀM QỦI NƯỚC NAM

Sư Đoàn TQLC

Biến cố 30 tháng Tư 1975 là một biến cố lịch sử, biến cố làm thay đổi cục diện thế giới –nói chung- và nước Việt Nam –nói riêng. Cộng Sản VN sau khi núp bóng quan thầy Cộng sản quốc tế thủ tiêu được một chế độ đã điên cuồng dùng tất cả mọi thủ đoạn cố phá hoại hình ảnh người lính VNCH trong lòng dân tộcnhưng những việc làm của chúng không ngờ lại đánh bóng sáng ngời thêm CHÍNH NGHĨA BẢO VỆ TỰ DO của QUÂN DÂN MIỀN NAM. Sự hy sinh cao quý và bất khuất của những nguời trai miền Nam khiến câu nói của anh hùng TRẦN BÌNH TRỌNG tiếp tục vang vọng đến ngày nay. Bao anh hùng đã ngã gục trong cuộc chiến, và lớp lớp quân dân không chịu khuất phục chế độ bạo tàn vẫn còn TRANH ĐẤU trên quê hương.
34 năm đã qua , bao bụi đường phủ lên mặt làm dầy những rãnh sâu, làm phai nhạt ký ức…Nhiều sự việc đã đi qua, bao nhiêu bạn bè ” rời xa chăn chiếu”. Nhiều sự kiện lịch sử được tô thêm, nhưng riêng ký ức tôi như con trâu nhai đi nhai lại nhưng vẫn không bao giờ quên những ngày tháng Tư ĐEN, tôi vẫn còn nhớ như in…
… Một … Hai …Ba …Bốn …Một hai ba bốn … đếm từng bước vào cuộc đời quân ngũ . Bước qua ngưỡng cửa từ cuộc sống tự do đi vào kỷ luật quân đội, một hành động của những người thanh niên đã tự chọn cho mình một cuôc sống và chấp nhận mọi chuyện đến với con người. Cửa Trung tâm Huấn luyện Rừng Cấm dẫn vào một cuộc sống của tuổi trẻ thanh niên đã chọn một lối sống, một lý tưởng người trai trong cuộc chiến đấu cho TỰ DO để BẢO VỆ QUÊ HƯƠNG cho mọi người, trong đó có gia đình thân yêu … Đếm từng bước một để trở thành người lính TQLC. Ngút ngàn cao ngạo của người lính , 4 chữ xâm trên tay TQLC và SÁT CỘNG, chấp nhận mọi gian nan nguy hiểm để bảo tồn TỔ QUỐC, chấp nhận HY SINH để DANH DỰ và TRÁCH NHIỆM trọn vẹn… và trên dòng sông Thạch Hãn năm xưa, những xác anh em bị thả trôi theo dòng nước với hai cánh tay bị băm vằm (tay áo trái phù hiệu binh chủng, tay áo phải phù hiệu tiểu đoàn) và ngực (với phù hiệu binh chủng) bị đâm thủng. Bọn Việt Cộng vì quá sợ hãi và căm thù người lính TQLC khi anh còn sống nên hèn hạ không tha dù anh đã bị thương. Tuổi trẻ của chúng ta đã được rèn luyện để chấp nhận bao gian khổ của trận chiến và đã từng chiến thắng bao nhiêu trận đánh với tinh thầnchiến đấu bất khuất và bất diệt. Phải chăng đó là hành động để quyết lập lại lời người xưa: Thà chết không chịu hèn!
Lịch sử binh chủng TQLC đã gắn liền với lịch sử đất nước. Từ ngày thành lập 01/10/54 đến 30/4/1975, đơn vị chúng ta có 21 năm chiến đấu và trưởng thành; tiếp theo từ ngày 30/4/75 đến 30/4/2009, d6an tộc trải qua 34 năm người dân phải sống trong xã hội Cộng sản hay cuộc đời lưu vong. Vì thế qúy Niên Trưởng, nếu vào lính năm 18 tuổi, trải thêm 55 năm qua thì bây giờ tối thiểu niên kỷ đã 73. Còn người lính trẻ bị bẻ súng năm 1975 nay cũng đà 52 tuổi, đã vào cái tuổi bắt đầu gối mỏi, chân chồn, mái tóc đã điểm hoa râm (không dám nói đến các bậc trưởng thượng). Tuổi ấy nếu được ở xứ Hoa Kỳ hay các nước tự do thì chắc hẳn vẫn còn bận bịu sinh kế hằng ngày, còn nếu ở lại Việt Nam thì khỏi phải kể, hẳn ai cũng biết tủi nhục đã hằn trên danh dự của người thua trận.
Tuy nhiên không vì thế mà người lính TQLC bỏ cuộc. Anh em trong nước vẫn mong muốn có một ngày xum họp, anh em xứ ngoài vẫn hun đúc một lòng sẽ có ngày trở về trong vinh quang. Lòng ai cũng muốn vậy, thế nhưng sự thực 34 năm qua đã nói lên điều gì và tự trong lòng mình câu hỏi nhức nhối luôn dằn vặt: chúng ta cần phải làm gì trong khả năng mỗi người?
Nhiều người ngoài binh chủng đã có lần hỏi: điều gì đã hun đúc nên ý chí bất diệt để vinh danh là nguời Thủy Quân Lục Chiến? Đó chính là tâm tình một người anh lớn đã nói thay các em: MỘT NGÀY TQLC là MỘT ĐỜI TQLC.
Ngày 30/4/1975, đang ngồi bên đường lòng rối bời vì không biết giải quyết cách nào với cái lệnh trên radio gọi tập trung súng đạn để chờ bàn giao thì chợt thoáng thấy bóng 3 người và câu hỏi “Sao bây giờ chưa về hở em ?” ... Ngước đôi mắt cay sè (không phải vì đã lâu không ngủ mà thực ra thấy gì nữa đâu?) nhìn lên thì đó là ông Tư lệnh phó! Tôi không bao giờ nghĩ điều nầy có thực mà đó là sự thực . Trên bộ quân phục ông vẫn còn nguyên cấp bậc trên cổ áo, phong thái ông vẫn còn nguyên là người chỉ huy lo lắng cho đàn anh em đến giờ phút cuối. Với tôi và bao nhiêu anh em, đó là những giờ phút cuối cùng chan chứa tình huynh đệ chi binh bất diệt.
Sau ngày 02/5/1975, anh L.T.Thạnh ngồi trên chiếc Honda PC, còn tôi đẩy xe lên dốc cầu Trương Minh Giảng trên đường đến Bộ Tư Lệnh để mong nhìn thấy những người còn lại. Anh vỗ về:
- Giờ phút nầy, cái gì còn lại là điều đáng quý… Ráng lên hết con dốc rồi tuột dốc là hết mệt .Giống như thằng Nghĩa vào tù là khổ nhưng bây giờ thì … tới phiên tụi mình...
Một buổi chiều trong trại tù cải tạo Suối Máu, Lý Oanh hỏi:
-Tao đói , mầy có còn gì ăn?
-Có, tí nữa lại đây.
Và những búp hoa mồng gà ở hai bên hông nhà tù, luộc chín bay màu trở thành những búp chouf fleur dã chiến trong ánh chiều chạng vạng tối. Lúc đó Oanh có biết chăng? Miễn cứ no bụng đã rồi ngày mai tính tiếp...
Cũng trong tù, một kỳ sốt rét hành tơi tả; Bác sĩ Nhiếp (Nhảy Dù) chia sẻ:
- Tôi còn vài viên thuốc ký ninh đây, giữ mà mà uống cho đỡ bệnh ... để tôi liên lạc anh Dõng xem có còn thuốc lấy thêm cho anh em ...
Anh chỉ biết tôi là bệnh nhân trong trại, không quen nhau nhưng trong một trại tù và biết tên nhau qua lời bè bạn thân còn hơn lời giới thiệu. Tình cảm nồng nàn không thua gì đế Cà Mau độ nào, dù có thế nào đi nữa tôi vẫn thương mãi những ngày đó…
Thế rồi đến những ngày “xã hội chủ nghĩa xếp hàng cả ngày”, người lang thang đầy đường nhưng nhìn rõ tướng đi là biết ngay phe ta … và nơi mà anh em hay đến gặp nhau, cũng là nơi kiếm tiền rất “dễ dàng” là :
Trại củi Lữ Gia của Lê Hiệp Pháo Binh làm chủ với 4 tay chuyên môn chẻ củi thần tốc và hai xe ba gác chuyên… chở…đồ lậu . Một TQLC, một 81 BCD, hai Bộ Binh, sống bên nhau từ sáng sớm đến nửa khuya, có gì đâu ngoài 5 thằng. Tiếng lành đồn xa, bạn tù về tha hồ đến tập trung nơi này, trong đó có cả đốc tờ Dõng từng đến chơi và đôi khi có một bạn tù vừa ra trại (1994), rõ ràng là cái bang 6 túi cộng thêm chiếc túi cói treo lủng lẳng trên chiếc xe đạp. Lê Hiệp hay nói và … dấm dúi:
- Anh được thả là điều may mắn, cầm tạm vài chục đồng mua gạo cho vợ con rồi qua đây ăn cơm với tụi tôi.
Trại củi khác gần góc Nguyễn Thiện Thuật – Phan Thanh Giản, Hùng nhô – ó đâm , nhỏ con cùng một toán anh em cựu tù trại Suối Máu cũng có một phân nhánh chẻ củi cung cấp cho những nhà chung quanh, nói với một huynh trưởng lang thang :
- Anh cần tiền thì cầm đi, chẻ đống củi nầy nhằm nhò gì. Đừng nghĩ ngợi phí sức..

Tiệm sửa kính xe hơi trên đường Đinh Tiên Hoàng, nơi tập trung các… hung thần cả hai bên:
- Anh Dõng, có vụ này nhờ anh giúp anh em.
- “Ma” mà tới là phải có chuyện. Chuyện không lành?
- Đi gấp, mổ dùm thằng bạn vượt biên bị bắn vào chân.
Không hỏi thêm nửa chữ, anh xách túi đi ngay. Xong ca mổ thầy dặn dò :
-Mai tới hãng lấy thuốc.
Vậy là xong. Không dư một chữ, đủ thời gian để… dzọt. Đơn giản như ăn chén chè đậu. Ngọt lắm anh Dõng ơi ! Không bao giờ quên những lời tâm sự …vụn của anh :
- Đã là tù thì không còn phân biệt màu áo, chỉ phân biệt bằng cái khí khái của thằng tù không sợ tù tội … hơn nhau ở cái danh dự, ở tinh thần tự trọng… thương nhau là biết đùm bọc che chở cho nhau trong những lúc túng cùng. Vợ con không có chỉ có anh em thì phải biết sống! Hôm nay đã mất nước mang thân tù tội anh em không thương nhau thì thương ai?
Vì thế sau ngày ra đi được một thời gian , anh Dõng gởi về một thùng thuốc tây cho Ma gọi là quà mừng anh em, chia sẻ với anh em để có những ngày tạm no đủ.
Chắc là ai cũng biết đường Nguyễn Du và Trương Định, Sàigòn! Ngã tư đường (trước cửa vườn Tao Đàn), dưới cột đèn có hai người sửa xe nhưng cứ chiều mát hay trời tối là có thêm vài người tụ tập bên chiếc điếu cày và hai xị, tất cả đều là anh em TQLC. Hai thương binh và liệt binh Philato và Ma chia nhau ngụm rượu, với điếu thuốc làm mềm lòng người, uống không say nhưng say vì nước mắt rưng rưng...
Tình cảm con người thật khó diễn tả nhưng trong một môi trường, trong một cuộc sống và nhất là trong một trò chơi đem mạng sống làm trò may rủi thì cùng nhau bảo vệ lấy nhau để trường tồn là điều tất yếu. Anh mất mà tôi còn thì ngày nào đó khi đến phiên tôi, ai chơi với tôi ?.
Trong chiến đấu, trong ngục tù, trong tận cùng cái xã hội chủ nghĩa, anh và tôi, chúng ta vẫn hiên ngang đứng vững. Cái chân tình phát xuất tự đáy lòng, hiểu nhau thì không cần đến lời nói để diễn tả. Lời nói đôi khi dư thừa hay khách sáo... Cái tận cùng đó là tình cảm huynh đệ chi binh của những người tưnừ cầm súng, chạm mặt gian khổ và nỗi chết trong mọi trường hợp và hôm nay có mặt tại đây! Tình cảm anh em trên hết.
Ngoài ra còn có tình … ngoài biên giới nhà binh!
Đây là lời Linh mục Nguyễn Hải Khánh “Tôi rất thương những người lính VNCH, những người lính đã chiếu đấu cho quê hương. Tôi cũng có người thân ở TĐ 4 TQLC đã mất tích. Tôi hiểu sự đau thương đó nên tôi thường xuyên cầu nguyện cho anh em đã mất và hằng năm tôi xin được chia sẻ với anh em thương binh TQLC”.
Còn có Linh muc Đức luôn luôn đi sát với các chương trình yểm trợ TB/TQLC và các nơi nên Cha luôn luôn có thư của anh em từ VN gửi qua. Trong những ngày tháng Tư hay tháng Chín (ngày 16/9 là ngày TB/VNCH tại DFW), Cha Khánh và Cha Đức luôn tổ chức những buổi lễ cầu nguyện cho những người đã chết cho cuộc chiến và anh em TB còn ở quê nhà.
Hoặc bạn Mạnh Xuân Thái :
- Tao được cái may mắn rời VN đi du học năm 68. Thời gian đó còn nhỏ không hiểu những sự kiện của đất nước. Hôm nay (2004) gặp lại mày, hiểu được mọi việc và tao giúp mày. Mầy cần gì cứ nói?
- Tao cần một sự giúp đỡ cho anh em TB/TQLC còn lại VN .
Vì thế, thùng tiền THƯƠNG BINH /TQLC có mặt tại văn phòng bảo hiểm và hàng năm, quỹ anh em TB có thêm một số tiền.

Đấy là những tình cảm của tôi, những phá phách của một con ma nhiều trò ... được người thương và ĐB Tango có một lần gọi đến đòi đổi tên.
Cuộc sống đã quá dài nhưng nghĩ lại vẫn còn QUÁ NGẮN vì cái tình HUYNH ĐỆ CHI BINH chưa trọn! Vậy làm sao hở anh?

No comments:

Post a Comment