Tuesday, November 15, 2011

* Tình báo quốc phòng Nhật Bản

Tình báo quốc phòng Nhật Bản đang thể hiện sức mạnh, hiệu quả trong vai trò tiên phong của quân đội Nhật Bản, hướng tới mục tiêu chung của quốc gia.


Từng bước xây dựng lại
Trước đại chiến thế giới 2 (1939 – 1945), Quân đội Nhật Bản đã có hệ thống tình báo rất hiệu quả. Sau năm 1945, từng bước cùng với sự phát triển của lực lượng quân sự, ngành tình báo quốc phòng có sự phát triển vượt bậc, nhất là trong lĩnh vực khoa học – công nghệ.
Sau Đại chiến 2, quân đội Nhật, với sự giúp đỡ của Mỹ, đã nhanh chóng hồi sinh, dưới danh nghĩa Cục Phòng vệ trực thuộc Chánh văn phòng nội các 1954). Ba quân chủng lục quân, hải quân và không quân, vốn có truyền thống, lại có cơ số công nghiệp quốc phòng tiên tiến từ trước, đã nhanh chóng phát triển. Tình báo của từng quân chủng được chú trọng nhưng phát triển độc lập.
Đến ngày 20/5/1996, Quốc hội Nhật Bản đã thông qua đề nghị của thủ tướng, cho phép thành lập cơ quan tình báo của quân sự với tên gọi “Trung tâm tình báo quốc phòng”.
Tháng 1/1997, Trung tâm tình báo quốc phòng sau thời gian khẩn trương chuẩn bị, đã đi vào hoạt động, có sự giúp đỡ của Mỹ qua mô hình nhiệm vu, tổ chức của DIA (Tình báo quốc phòng Mỹ). Sau thời gian trực thuộc Hội đồng tham mưu liên quân, đến tháng 12/2004, đặt trực thuộc Bộ Quốc phòng.


Tình báo quốc phòng Nhật Bản từng hoạt động rất hiệu quả trong chiến tranh thế giới 2, giúp quân đội Thiên Hoàng gây nhiều thiệt hại cho Quân đội Mỹ.

Nhiệm vụ, quyền hạn

Được qui định trong nghị định thành lập Trung tâm tình báo quốc phòng do thủ tướng Nhật Bản công bố. Đánh giá tình hình khu vực và thế giới dài hạn, nghị định viết ở cả tầm khu vực Đông Bắc Á, Đông Á, châu Á – Thái Bình Dương lẫn toàn cầu, sự thay đổi cục diện chính trị diễn ra quyết liệt, nhanh chóng và khó dự đoán, đòi hỏi cơ quan tình báo quân sự có nhiệm vụ khẳng định được chiều hướng chính của môi trường chính trị, xác định các đối tượng không những của quân đội mà của cả quốc gia, tham mưu cho nội các đề ra quyết sách đúng đắn.
Đòi hỏi tình báo quốc phòng thu thập tin tình báo kịp thời, xử lý tin chính xác, báo cáo đến các địa chỉ nhanh nhất. Nghị định còn có các phụ lục chi tiết về tổ chức, trang bị, quan hệ với các bộ và quốc hội, các nước liên quan.
Riêng phần ngân sách cho tình báo quốc phòng cũng được qui định rất cụ thể theo tài khóa hàng năm và kế hoạch dài hạn. Từ đó, quyền hạn của cơ quan này có những điều ghi cụ thể.

Tổ chức
Dưới tổng giám đốc và các phó tổng giám đốc, có nhiều phòng trực thuộc. Những Cục nghiệp vụ chủ yếu là:
- Cục nghiên cứu tin: Trên cơ sở tin của tình báo con người và kỹ thuật (trinh sát vô tuyến điện, trinh sát kỹ thuật vô tuyến điện, ảnh vệ tinh, các tài liệu và ảnh, mẫu vật do tình báo các quân chủng thu thập…) cùng các tin của các phương tiện thông tấn, báo chí…, tiến hành đăng ký, phân tích, tổng hợp, rút ra những báo cáo tin hàng ngày và các báo cáo định kỳ, đánh giá tình hình khu vực và thế giới, các cuộc khủng hoảng, các tình huống chiến lược liên quan quốc phòng, quốc gia.
- Cục trinh sát vô tuyến điện và kỹ thuật vô tuyến điện: Có tên theo tiến Nhật là Chosa Besshitsu hoặc Chobetsu, thành lập năm 1958, có hơn 1.000 nhân viên, trụ sở chính nằm ở căn cứ Ichigaya, Tokyo, có nhiều trạm trực thuộc.
Năm 1991 được nâng cấp đáng kể trước tình hình thế giới và khu vực có nhiều thay đổi lớn. Các phương tiện chặn thu hướng chủ yếu về Trung Quốc, Nga, Triều Tiên và Hàn Quốc.

Tình báo quốc phòng Nhật Bản được hỗ trợ mạnh mẽ bởi các phương tiện trinh sát hiện đại.

- Cục ảnh vệ tinh: Có các đơn vị chuyên theo dõi hoạt động của đối phương, từ các căn cứ tên lửa chiến lược đến các căn cứ không quân, hải quân, lục quân, đặc biệt là sự di chuyển của hải quân Trung Quốc và Nga.
- Cục phụ trách các tùy viên quốc phòng và bình phong ở nước ngoài: Ngoài các tùy viên quốc phòng, còn có các nhân viên quân sự trong các sự quán và cơ quan đại diện, trong đội quân gìn giữ hòa bình ở nước ngoài.
Cùng với cơ quan tình báo quốc phòng, Nhật Bản còn có: cơ quan điều tra tình báo Nội các, thành lập năm 1955 (mô hinh CIA của Mỹ), Cục điều tra an ninh công cộng Bộ tư pháp, Vụ tình báo và phân tích Bộ Ngoại giao và Tổ chức tình báo kinh tế, khoa học công nghệ. Đây là tổ chức rất mạnh, phát triển hiệu quả từ sau Đại chiến 2, dựa vào các cơ quan đại diện của Nhật Bản ở các nước, rất đa dạng về bình phong hoạt động.
Nhiều nguồn tin cho biết, hàng ngày các cơ quan này thu thập một lượng khổng lồ tin tức để chuyển về trung tâm. Người ta còn biết rằng, Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) cũng đóng góp phần quan trọng cho nguồn tin này.
Năm 1958, một đạo luật về JETRO được ban hành. JETRO hiện có hàng trăm văn phòng đại diện ở trong nước, gần 100 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Sức mạnh của khoa học kỹ thuật Nhật Bản còn thể hiện qua các trang thiết bị chuyên cho trinh sát. Ở lục quân là các xe trinh sát, ở không quân trên các máy bay trinh sát và ở hải quân trên các tàu nổi, tàu ngầm đặc chủng. Cụ thể ở lục quân có hơn 100 xe trinh sát kiểu 87, lượng máy bay trinh sát có hàng chục chiếc. Không quân có 80 máy bay trinh sát chống ngầm P-3C…
Tình báo quốc phòng Nhật Bản đang thể hiện sức mạnh, hiệu quả trong vai trò tiên phong của quân đội Nhật Bản, hướng tới mục tiêu chung của quốc gia là trở thành cường quốc toàn diện ở Đông Á – Thái Bình Dương và toàn cầu, có sức mạnh chính trị, quân sự tương xứng với sức mạnh kinh tế, khoa học kỹ thuật.


Văn Tuấn

No comments:

Post a Comment