Wednesday, November 2, 2011

* Đùa dai và nỗi nhục quốc thể

* Văn Quang


“Lâu nay ở nhiều địa phương, có không ít dự án, công trình chậm tiến độ, gây lãng phí, thất thoát và ảnh hưởng đến đời sống người dân. Lô cốt mọc lên đầy đường và kéo dài hết tháng này qua năm khác. Nhiều con đường, cây cầu làm mãi không xong. Có dự án không chỉ thất thoát mà nảy sinh tham nhũng, nhưng ban quản lý các dự án đó vẫn cứ nhởn nhơ, chẳng ai cách chức. Nhà thầu tự tung tự tác, thi công ẩu, gây ra nhiều hậu quả kể cả chết người, rồi cũng xuê xoa cho qua. Vì để cho các ban quản lý dự án và các nhà thầu “đùa dai” cho nên mới có “nỗi nhục” như vậy”.

Thưa bạn đọc, hàng trên là phần bình luận của một tờ báo trong nước. Theo tôi, chuyện này không phải là chuyện mới, chỉ có hai từ “đùa dai” và lời than “nỗi nhục quốc thể” do chính các quan chức cấp cao VN nói ra có vẻ … hơi mới. Hàng loạt các công trình xây dựng lớn, hàng trăm hàng ngàn tỉ đều rơi vào tay các nhà thầu “quốc doanh”, nói cho rõ là những nhà thầu nằm trong các đại công ty, đại doanh nghiệp của nhà nước, không nói đến 90% rơi vào tay nhà thầu Trung Quốc. Những đại công ty ấy có vô số những “công ty con làm vệ tinh”, đứng dưới công ty mẹ, thầu luôn cả những công trình nhỏ. Và tất nhiên họ được sự ưu ái đặc biệt của các chủ đầu tư vì “phe ta cùng là người nhà nước". Mọi sự đều chín bỏ làm mười, miễn có làm, còn bao giờ xong, tuổi thọ được bao lâu là “chuyện đùa”, chuyện nhỏ như con kiến.

Báo cáo láo lòi đuôi
Nhà ga hành khách sân bay Đà Nẵng được khởi công xây dựng từ tháng 12/2007 với tổng vốn hơn 1.345 tỉ đồng từ ngân sách và vốn vay, do Tổng Công ty Cảng Hàng Không miền Trung làm chủ đầu tư. Theo kế hoạch, nhà ga đã được đưa vào khai thác từ đầu năm 2010 nhưng do thi công bê trễ nên bị chậm gần hai năm.

Ngày 2 tháng 10-2011 vừa qua, Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Giao Thông Vận Tải Đinh La Thăng đến thị sát thực trạng xây dựng công trình nhà ga hành khách sân bay quốc tế Đà Nẵng, trả lời những biện bạch về sự làm như rùa bò của các nhà thầu, ông bộ trưởng Thăng quay sang hỏi đại diện chủ nhà thầu: “ Các ông đùa à?...”

Ông Hoàng Thành, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Cảng HK miền Trung, báo cáo trên công trường có 350 công nhân đang làm việc. Trong khi Tư vấn trưởng giám sát John Richard Malig nói rõ chỉ có 250 công nhân. Đúng là báo cáo láo lòi đuôi. Kiểu “dỡn mặt tử thần này” cũng qua mặt được nhiều “tử thần” rồi. Chuyện đó không lạ đối với lề lối làm việc của của các quan, các “ban bệ” cấp dưới trong nhiều cơ quan ở VN.

Bộ trưởng Thăng nói: “Đấu thầu theo tiêu chí gì mà nhà thầu yếu như thế? Hai nhà thầu chính trong nước thì Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và Thương mại VN (Contrexim) yếu cả năng lực, kinh nghiệm lẫn tài chính. Công ty Xây dựng Công nghiệp số 4 (thuộc Tổng Công ty Xây dựng Công nghiệp VN - ICIC) cũng không phải đơn vị mạnh, làm gì chẳng chậm tiến độ.”. Cả hai giám đốc của hai công ty này đều “trốn” khi Bộ trưởng yêu cầu vào họp kiểm tra tiến độ thi công. Thậm chí gọi điện thoại cho ông Phan Minh Tuấn, Giám đốc Contrexim, song ông này không nghe máy!

Ông Đinh La Thăng nhận định “để xảy ra tình trạng trên trách nhiệm trước hết thuộc về chủ đầu tư và Ban Quản lý dự án. Chủ đầu tư nắm đằng chuôi, giữ tiền nhưng tiến độ chậm hàng năm trời mà không phạt, cứ vui vẻ là không chấp nhận được”. Như thế là cả hai phía, chủ đầu tư và chủ quản lý dự án đều “đùa dai” với nhà nước.

Từ đâu có nỗi nhục quốc thể?
Không cần họp hành lôi thôi, mất nhiều thời gian, lấy ý kiến của đủ thứ ban bệ, ông Thăng móc điện thoại gọi cho ông Nguyễn Nguyên Hùng - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Hàng không miền Nam, yêu cầu điều động ngay một người ở Công ty Hoà Bình là Công ty tư nhân nhưng thi công rất tốt công trình nhà ga sân bay Cần Thơ, ra để sẵn sàng thay thế. Bộ trưởng Đinh La Thăng đã ra lệnh cách chức Trưởng ban quản lý dự án Đặng Hồng Cương ngay tại công trường.

Ông Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết: “Việc hoàn thành dự án nhà ga sân bay Đà Nẵng đúng yêu cầu là danh dự của ngành Giao thông Vận tải và của cả các nhà thầu VN… Thế nhưng khi làm việc với tôi trưa 4-10, Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng đã gọi đây là một “nỗi nhục quốc thể!” Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết Tại cuộc gặp, ông Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng hết sức “bức xúc” trước tình trạng thì công ì ạch, chậm trễ kéo dài hết năm này đến năm khác trong khi hành khách trong nước lẫn quốc tế phải đứng giữa mưa, giữa nắng vì nhà ga cũ đã quá tải. Ông nói thẳng nếu đây là công trình của TP Đà Nẵng thì Ban quản lý dự án đã bị cách chức lâu rồi!

Đây là lần đầu tiên một chủ dự án bị cách chức ngay tức khắc, còn hàng trăm ông chủ đầu tư ở những công trình khác đang ngốn không biết bao nhiêu tỉ đồng của dân, góp phần không nhỏ vào sự lạm phát và suy thoái kinh tế hiện nay vẫn nhởn nhơ. Cần phải có một quy định kỷ luật bằng văn bản rõ rệt. Thí dụ chậm một tuần, chủ đầu tư bị phạt tương đương với số tiền do sự bê trễ gây ra. Chậm một tháng, ngoài tiền bị phạt còn bị cách chức đuổi về làm thường dân chứ không phải đuổi về nhận công tác khác. Có như thế may ra cái nạn làn ăn kiểu rùa bò rồi lại xin bổ sung kinh phí mới bớt, cho dân đỡ khổ.

Ba giai đoạn, một nỗi nhục quốc thể lớn hơn
Nhưng “nỗi nhục quốc thể” này chưa trắng trợn lắm, còn “nguỵ trang” được trước khách quốc tế. Nhân đề cập đến chuyện này, các ông bộ trưởng nên chú ý đến một nỗi nhục quốc thể khác lớn hơn, ngày một lộng hành ngang ngược hơn.

Đó là sự “làm tiền” của những ông hải quan ở ngay sân bay. Điều này thì hỏi bất cứ một bà con nào ở nước ngoài đã từng về VN trong những năm gần đây, ai cũng biết. Nói chuyện này với các bạn như chuyện cổ tích, đã có rất nhiều dư luận râm ran, rất nhiều lần báo chí trong nước và báo nước ngoài đề cập đến, nhưng sau một thời gian dài, nó đã không thuyên giảm mà trở nên chuyện công khai chứ không còn e dè như trước nữa.

Tôi có người cháu, năm nay cũng lớn tuổi rồi, mới về VN hai tháng trước, cháu vừa cười vừa kể với tôi “chuyện cười ra nước mắt” tại phi trường Tân Sơn Nhất. Nhưng khi cháu trở lại Mỹ, tôi sợ mình lẩm cẩm quên mất chi tiết nên đành gửi e mail hỏi lại. Cháu tôi bèn kể lại, chứ không phải tôi “phịa” ra đâu bạn ạ. Lá thư cháu tôi viết:

“Hành khách đến phi trường TSN có 3 giai đoạn. Ngay giai đoạn đầu tiên là đưa passport cho họ kiểm soát. Chỗ này chỉ xem xét giấy tờ. Đây là đoạn làm tiền công khai nhất. Mấy năm trước không có chuyện xin “bồi dưỡng”, nhưng nếu có vị nào muốn đỡ phiền phức đưa “bồi dưỡng” thì họ vui vẻ nhận. Năm nay thì khác, các “cán bộ” công khai hỏi “bồi dưỡng”. Khi cháu hỏi: “Có gì phiền phức cho cháu và chính anh ấy không”. Anh ấy thản nhiên trả lời: “Không sao đâu thím ạ, vui vẻ cả”. Tức là anh ta không sợ nếu có cả cái camera treo đâu đó trong những căn phòng như thế này.

Giai đoạn thứ hai là đóng dấu vào visa, Thủ tục này bây giờ nhẹ nhàng, nhanh chóng hơn trước rất nhiều, đây là một điểm tốt.

Giai đoạn thứ ba là xách hành lý ra máy kiểm tra. Họ chỉ lịch sự hỏi: “Bà có cần giúp đem tới chỗ kiểm soát không?” Dĩ nhiên mình nhờ thì người ta giúp, mình phải biết appreciate pratical chứ. Có một điều cháu thấy rất rõ ràng mà sau 20 lần cháu về VN mới thấy lần đầu tiên. Khi cháu đẩy hành lý vào cửa phi trường, có 2 anh “cán bộ” đứng ở cửa nói: “Bà đưa hành lý cho người đàn ông kia (ông ta chỉ một người mặc thường phục), cho nó mười đồng (đô la) nó lo cho nhanh ra gặp người nhà, khỏi phải lo gì hết”. Và quả đúng như thế thật. Một hành khách là đàn ông kể với cháu: “Nếu không cho, nó đeo theo mình cho đến khi mình “say yes” nó mới chịu tha. Cũng còn may là họ còn một tí thể diện quốc gia, chỉ dám đòi hỏi người VN mình thôi chứ với người nước ngoài thì họ không dám đâu”. Nhưng dù sao cũng là một nỗi nhục quốc thể.

Có khó để tiêu diệt mầm mống này không?
Là người VN còn ở VN tôi cảm thấy xấu hổ, ngay cả khi viết bài này cũng thấy ngượng ngùng cả với cái bàn phím computer. Tôi tin rằng ngay cả các bạn ở nước ngoài cũng cảm thấy xấu hổ, nhất là bất cứ một người ngoại quốc nào cũng dễ dàng nhìn thấy cảnh này. Không chỉ người dân Việt tức giận mà ngay cả những “cán bộ”, công chức trong hay ngoài ngành Hải Quan cũng cảm thấy như vậy.

Câu hỏi đặt ra là tại sao bao nhiêu năm nay mà các cơ quan có trách nhiệm không khám phá ra đường dây làm nhục quốc thể này? Có khó để diệt nó không? Chắc chắn muốn bắt tận tay những con sâu mọt này chẳng có gì là khó. Nỗi nhục này còn lớn hơn nhiều nỗi nhục xây dựng ở sân bay Đà Nẵng. Vậy những ông bộ trưởng như ông Thăng còn đợi gì không làm? Làm đến nơi đến chốn chứ không đánh trống bỏ dùi như mấy năm trước.

Chán cảnh bệnh viện công, dân ra nước ngoài chữa bệnh
Trong thời gian gần đây, nhiều sự việc đau lòng xảy ra ở một số bệnh viện cho cả các người làm ở bệnh viện và cả bệnh nhân. Đau lòng nhất là tại bệnh viện đa khoa huyện Vũ Thư (Thái Bình). Thấy anh trai thiệt mạng sau khi cấp cứu, một thanh niên 19 tuổi đã đâm chết bác sĩ (BS) Phạm Đức Giàu (60 tuổi, làm việc ở khoa ngoại) còn bác sĩ bị đâm trọng thương là Ngô Duy Hoàn (30 tuổi làm ở khoa hồi sức cấp cứu).

Tại Bạc Liêu, người nhà đập phá bệnh viện, phá nhà bác sĩ, đánh nhân viên y tế chạy nháo nhào. Vài hôm sau, lại thấy báo chí đăng tin, tại quận 5, thân nhân bệnh nhân kéo nhau vào nhà thương đòi tính sổ với bác sĩ. Hôm sau nữa lại thấy hơn 100 người say đập phá bệnh viện ở Móng Cái…

Đó là những hiện tượng lạ lùng mà chỉ thời nay mới có và nó cũng có thể coi như một nỗi nhục quốc thể. Người ta thường coi các y bác sĩ như những “từ mẫu”, bản thân tôi và gia đình tôi cũng rất kính trọng những vị “lương y” này. Vậy tại sao ở VN lại có những hành động trái chiều như vậy? Nếu người dân nước ngoài biết họ sẽ nghĩ gì? Hãy thử đi tìm nguyên nhân chính của nó.

Tại sao người dân đổ ra nước ngoài chữa bệnh?
Theo số liệu mới đây của Bộ Y tế, mấy năm gần đây, mỗi năm có khoảng 40.000 người dân Việt Nam ra nước ngoài chữa bệnh, tiêu tốn hơn 1 tỷ USD. Đây mới chỉ là thống kê trên sổ sách, thực tế con số này có thể lớn hơn nhiều lần. Ngoài Singapore như nhiều năm trước, hiện nay, nhiều người Việt còn chọn Hàn Quốc, Thái Lan, Mỹ... làm nơi đến điều trị. Tại sao lại như vậy?

Câu trả lời thật giản dị. Một chuyên gia đầu ngành về phẫu thuật tim mạch, ghép tạng tại Hà Nội, từng được đào tạo nhiều năm tại nước ngoài cũng cho rằng, nhiều người ra nước ngoài chữa bệnh, chấp nhận phải chi trả lớn là tâm lý đúng, chẳng có gì khó hiểu. Ông nói: "Về điều này, chúng ta cần phải xem lại mình chứ không nên phê phán người bệnh “sính ngoại”. Các bệnh viện công có gì để thu hút những người bệnh có khả năng tài chính cao và giữ lại một tỷ đô la chảy ra nước ngoài? Sao hàng nội không tốt lại cứ bắt tôi dùng? Nếu có người quen hỏi, mà tôi biết họ có khả năng tài chính, tôi cũng khuyên họ ra nước ngoài mà chữa”.

Xin nêu thêm vài ý kiến trong rất nhiều ý kiến của người dân:
- Bạn Thanh Bình viết: “Phát ngán các bệnh viện Việt Nam. Nếu ai đã từng vào các bệnh viện lớn nhất tại Tp. HCM sẽ có chung một cảm giác: chật, tù túng, bệnh nhân thì nằm khắp hành lang, cầu thang, mất thời gian, chất lượng điều trị thì hên xui. Không hiểu nhà hoạch định nghĩ gì mà không thấy các bệnh viện mới ra đời hay được nâng cấp, chỉ toàn thấy các toà nhà thương mại, khách sạn hay văn phòng ...bạn hãy thử vào bệnh viện Nhi Đồng, con của bạn dù không bị bệnh vào không gian đấy cũng sẽ bị bệnh, hay bệnh viện Hùng Vương khi bạn thấy sản phụ nằm hành lang thì không muốn vào đó sinh nữa”.

- Bạn dollar_Den cho biết: “Mẹ tôi nằm ở khoa ung bướu BV Bạch Mai (to nhất nước) gần 1 tháng nay rồi. Lúc thì họ kêu bị ung thư, lúc kêu là có thể là lao xương vì có một khối u ở đốt sống ngực D6&D7. Nhưng cái xét nghiệm lao chờ đến nửa tháng mà không có kết quả. Các bác sĩ, y tá không thăm hỏi gì. Hình như mẹ tôi nằm 3 tuần rồi mới có 1 lần bác sĩ đến xem. Vậy với cách chữa trị như vậy ai còn dám tin tưởng nữa (đây là BV đầu ngành của VN,) nếu tôi có tiền cũng sẽ ra nước ngoài, nhưng điều kiện không cho phép nên đành phải chịu. Chi khổ những người nghèo thôi.

- Bạn Đức Trung kể: “Tôi cũng đã từng là bệnh nhân bị bệnh hiểm nghèo và đã được chữa khỏi. Tôi đồng ý với nhận định: bệnh nhân kéo nhau ra nước ngoài điều trị vì ngành y của ta thiếu y đức và thái độ quá kém. Tôi bệnh sắp chết mà một quan chức y tế người Nghệ Tĩnh còn hỏi: thế đã bồi dưỡng bác sĩ chưa? Buồn hết chỗ nói!”.

Tuy nhiên, không phải tất cả các vị bác sĩ ở VN là như thế. Có thể nói đúng là một số BS thiếu y đức, chứ không thể vơ đũa cả nắm. Còn nhiều những vị BS đầy nhiệt huyết, đầy lương tâm với nghề nghiệp cao quý của mình.

Bài viết đến đây đã khá dài, xin để kỳ khác, tôi sẽ tiếp tục “nói chuyện” với bạn đọc những “lời bàn” của người dân và ý kiến của chính các BS ở VN.

No comments:

Post a Comment