Thursday, November 17, 2011

* Xin Tạ Ơn

Tác Giả: Trà Lũ
Thượng tuần Tháng Mười, thời gian thu hoạch các nông sản và rừng cây xanh bắt đầu đổi mầu, Canada mừng Lễ Tạ Ơn Thanksgiving.

Làng tôi đã tới xứ đạo Cha Paolo mừng lễ này rất trọng thể. Cụ Chánh dẫn cả làng đến nhà thờ để bày tỏ lòng nhớ ơn. Các cụ còn nhớ Cha Paolo của chúng tôi chứ? Cha và xứ đạo của cha năm xưa đã đứng ra bảo lãnh gia đình cụ Chánh từ trại tỵ nạn ĐNA sang Canada ấy mà. Thời gian đi nhanh vậy đó, mới đó mà đã 30 năm. Cả nhà thờ Cha Paolo đã tiếp rước làng tôi rất nồng hậu. Làng được mời ngồi hàng ghế danh dự. Trong thánh lễ Cha Paolo đã nói về ý nghĩa Lễ Tạ Ơn, và đã nhắc đến gia đình Cụ Chánh. Cha bảo cha đã làm cha chánh xứ nhiều năm, đã phụ trách nhiều họ đạo, đã quen biết nhiều người, nhưng chưa có gia đình nào mà Cha gắn bó và thân thiết như gia đình Cụ chánh. Trong lễ có phần giáo dân dâng lễ vật. Cụ Chánh và Chị Ba Biên Hòa được mời phụ trách việc này. Lễ vật đã được chuẩn bị từ trước. Cụ Chánh mang một khay bí đỏ, Chị Ba mang một khay bắp ngô. Cha Paolo đã tiếp nhận lễ vật và để lên bàn thờ. Cụ Chánh tay mang lễ vật mà nước mắt ròng ròng. Cuối lễ Cụ Chánh được mời phát biểu ý kiến. Cụ đã ở Canada tròn 30 năm nên tiếng Anh của Cụ trôi chảy trừ cái giọng. Cụ đã nói tiếng Anh với cái giọng VN, nhưng cả nhà thờ đều hiểu hết.

Đại ý Cụ xin tạ ơn Cha Paolo và giáo xứ đã bảo trợ, đã mang gia đình cụ từ đáy vực sâu lên cõi thiên đàng Canada. Cụ tạ ơn đất nước này đã cho cụ và gia đình cu được no ấm mọi bề. Cụ bảo trong ngôn ngữ nước Canada không hề có chữ ‘đói khát’ và ‘rách rưới’. Cả nhà thờ vỗ tay râm ran vì cụ nói đúng qúa. Ỡ cõi thiên thai này ban đêm ngủ rất ngon giấc vì không bao giờ bị cảnh sát đến gõ cửa mang đi. Cõi Canada này là cõi ước mơ của bao nhiêu người, vì báo chí vừa cho biết hiện nay những người nộp đơn xin đến đây đã lên tới con số một triệu.

Cụ Chánh đã làm cả nhà thờ cảm động. Ai cũng đến bắt tay Cụ trước khi ra về. Sau lễ, làng tôi được Cha Paolo đãi tiệc trong nhà xứ. Thực đơn gồm những món đúng truyền thống Canada : gà tây bỏ lò, các loại khoai nướng , các loại bắp luộc, xúp cà chua, bánh pumkin pie, nước cam, nước táo. Cha Paolo và ban điều hành giáo xứ ngồi chen lẫn với làng tôi,vừa ăn vừa nói chuyện. Không khí thân ái vô cùng. Bao nhiêu chuyện ngày xưa được kể lại, nào lúc mới tới, nào lúc đi học tiếng Anh rồi đi xin việc, nào lúc đi làm. Chuyện nào cũng cảm động và đầy ắp ân tình. Câu chuyện nào kể xong thì hầu như đều có câu kết này : Mới đó mà đã 30 năm!

Sau buổi tiệc ở nhà xứ Cha Paolo , dân làng kéo về nhà anh John. Anh vừa mở cửa mời mọi người vào nhà vừa nói : Xong tiệc tây bây giờ đến tiệc ta. Chúng tôi biết Cụ Chánh và Cụ B.95 ăn cơm tây gà tây khoai tây không quen nên bây giờ chúng ta ăn cơm ta, canh rau nước mắm. Lời này đúng ý và hợp ý Cụ B.95 qúa. Thế là phe các bà túm nhau vào nhà bếp nấu cơm chiều. Còn phe các ông, tức các nhà quân tử, tức các hội viên hội không sợ vợ thì tụ nhau ở phòng đọc sách của anh John.

Khi các nhà quân tử vừa an tọa thì anh John nói ngay, nét mặt rất nghiêm trang : Này các bác, tôi xin bá cáo một việc rất quan trọng là tờ tuần báo Maclean’s số ra ngày 17 October vừa qua đã có một bài chửi Mỹ rất gay cấn. Nói rồi anh giơ tờ báo lên cho mọi người coi. Anh chỉ ngay vào tờ bìa : Đây là hình 2 người lính, anh bên trái áo cổ đỏ là lính Mỹ, còn anh bên phải áo cổ đen là lính Canada. Anh lính Canada đang lườm anh lính Mỹ. Ở giữa là hàng chữ lớn ghi lời anh lính Canada chửi: “ Đây là chiến thắng tạo thành nước chúng ta. Thế mà bây giờ người Mỹ đang bóp méo lịch sử . Họ bảo họ thắng chứ không phải chúng ta thắng. DAMN YANKEES.’ Phe liền ông chúng tôi đi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác. Chuyện gì vầy nè? Mà sao anh đã dịch câu nói của người lính Canada, tại sao anh không dich luôn hai tiếng ‘Damn Yankees’ ra tiếng Việt cho bà con nghe. Anh ngần ngừ một chút rồi mới nói : Tôi không dám dịch vì đây là tiếng chửi thề. Vì các bác ép tôi nha nên tôi xin dịch theo đúng mạch văn, hai chữ ‘Damn Yankees’ phải dịch là ‘Đ.M. tụi Mẽo !’. Biết chúng tôi chưa hiểu bao nhiêu thì anh đi vào các chi tiết. Tôi nghe anh nói mà như đang nghe những lời phát xuất từ đáy lòng lớp người di dân mang dòng máu Âu Châu xưa sang Canada lập nghiệp hồi đầu thế kỷ 19.

Anh giải thích thế này : Tuần san Maclean’s là tuần san phát hành tòan quốc Canada, nó tương đương với tờ tuần san Time bên Mỹ. Nó rất trí thức và uy tín. Trong số báo tuần vừa qua, nhà văn Peter Shawn Taylor trong ban biên tập đã viết một bài nảy lửa, chủ ý tố cáo các nhà sử học Hoa Kỳ đã bóp méo lịch sử khi viết về trận chiến 1812 giữa Hoa Kỳ và Canada. Thực ra lúc đó chưa có danh xưng là Canada mà là British North America thuộc Anh quốc với dân số chưa tới nửa triệu người.

Người Hoa Kỳ lúc đó đã ổn định và rất muốn bành trướng lên phía bắc. Họ nghĩ đây là cơ hội ngàn vàng, chiếm Canada rất dễ vì mẫu quốc Anh còn đang phải đối phó với chiến tranh bên Âu Châu, còn ở Canada thì người thưa và ở rải rác, không phòng bị. Cựu tổng thống Thomas Jefferson khuyên tổng thống đương quyền Madison rằng tiến quân lên chiếm phía bắc dễ dàng như đi diễn binh, nguyên văn : ‘ a mere matter of marching’. Chủ tịch quốc Hội Hoa Kỳ lúc đó là Henry Clay cũng đồng một luận điệu, rằng chỉ cần đoàn nghĩa quân miền Kentucky cũng đủ chiếm trọn Canada. Thế là ngày 18 tháng Sáu 1812, Hoa Kỳ chính thức tuiyên chiến với Anh Quốc và mang quân lên tấn công Canada.

Người anh hùng Canada của trận chiến mở màn này là thiếu tá nghĩa quân Joel Stone. Stone sinh ở Connecticut năm 1749 nhưng đã di cư sang Canada trong cuộc cách mạng Hoa Kỳ và định cư tại Gananoque thuộc miền đông Ontario phía sông Lawrence. Stone là di dân dưới cờ quân đội Anh . Khi cuộc xâm lăng của Hoa Kỳ vừa bắt đầu, Thiếu tá Stone và đoàn nghĩa quân của ông thấy mình ở ngay giữa trận chiến. Sông Lawrence là thủy lộ tiếp liệu duy nhất của quân đội Anh nối Ontario với Ngũ Đại Hồ. Nếu thủy lộ này bị cắt thì chắc chắn quân đội Anh sẽ thua. Ông và nghĩa quân của ông đã anh dũng chiến đấu bảo vệ thủy lộ quan trọng này, đoạn giữa KingstonWindsor. Đêm 21 tháng Chín 1812, Đại Úy Benjamin Forsyth dẫn 100 lính Mỹ tinh nhuệ từ North CarolinaVirginia lên tấn công Gananoque, mục đích là cắt đường tiếp liệu của quân Anh, nhưng đã bị dân quân của Joel Stone đánh bại. Chiến thắng 1812 thật có ý nghĩa vì nó dẫn tới việc khai sinh ra nước Canada. Hiện nay Canada đang đặt chương trình mừng lễ kỷ niệm 200 năm chiến thắng 1812 với ngân sách 12 triệu đồng. Canada sẽ xây một đài kỷ niệm gần quốc hội, và sẽ mang tên người hùng Joel Stone đặt cho một công viên nơi xảy ra trận chiên ngày xưa. Canada chủ trương làm sống lại biến cố lịch sử 1812, người Hoa Kỹ cố quên nhưng người Canada quyết nhớ. Vì mấy nhà viết sử bên Hoa Kỳ cố tình quên trận chiến 1812 này nên ông nhà văn Taylor của Canada đã nổi xùng văng tục Damn Yankees là thế.

Tôi thuật lại chuyện này để các cụ đọc cho biết và cho vui chứ không hề có ý xúc phạm các cụ công dân Mỹ gốc Việt nha. Tội chết. Không dám đâu.
Cuộc xâm lăng Canada 1812 này của Hoa Kỳ còn ghi rất nhiều chuyện mà ta nên biết.
- Như khi bắt đầu cuộc xâm lăng thì đại tướng Hoa Kỳ William Hull đã viết một bài hịch khuyên dân Canada nên đầu hàng, lời lẽ rất cao ngạo, như sau :
“ Hỡi chư dân Canada, binh lực Hoa Kỳ dước quyền lãnh đạo của ta đã xâm nhập Canada và cờ Hoa Kỳ đã bay rợp đất Canada. Ta đến để bảo vệ chứ không tấn công những người dân chuộng hòa bình và không kháng cự. Hoa Kỳ đem Hòa Bình, Tự Do và An Ninh đến. Các bạn có sự chọn lựa hoặc những ân sủng này, hoặc Chiến Tranh, Nô Lệ và Tàn Phá. Các bạn hãy chọn lựa cho đúng.”
- Như việc quân đội Canada thừa thắng đã tràn xuống và chiếm được Detroit của Hoa Kỳ, không tốn một viên đạn, nhờ mưu lược tài giỏi của Tướng Isaac Brock và sự tiếp sức của ngươì Da Đỏ ngày 16.8.1812.
- Như việc tháng 11, 1812, một binh đoàn 1.700 lính Hoà Kỳ đã tiến lên trả thù, đã đánh chiếm Toronto và tàn phá thành phố này, khi đó gọi là York, thủ đô của Ontario bấy giờ.
- Như việc tháng 8, 1814, để trả thù cho cuộc đốt phá Toronto trên đây, binh đoàn Canada đã chiếm được thủ đô Washington DC, tổng thống Hoa Kỳ Madison và nội các của ông bỏ chạy hết vía. Quân đội Canada đã tàn phá thủ đô Hoa Kỳ và đốt cháy dinh tổng thống Hoa Kỳ. Khi vừa lấy lại, Hoa Kỳ đã vội vàng sơn phết những bức tường bị cháy đen bằng mầu sơn trắng. Chính vì vậy mà danh từ ‘White House’ đã ra đời.
- Như chuyện Laura Secord. Không phải là cô Laura Secord của công ty chocolates mà chủ nhân hiện nay là người Mỹ đâu. Ở đây Laura Secord là một nữ anh hùng Canada. Bà có chồng và năm con, sống ở Ontario. Chồng bà tham gia nghĩa quân đánh quân Hoa Kỳ xâm lăng lúc đó. Nghe tin chồng bị thương nặng nên bà đã ra mặt trận và đưa được chồng về nhà chăm sóc. Khi chồng vừa bình phục thì quân Mỹ ập tới và chiếm luôn đất đai nhà bà. Đêm đó bà nghe lóm được mấy sĩ quan Hoa Kỳ bàn mưu sẽ đánh úp đồn Beaver Dams, tức miền Thorold ở Ontario bây giờ, bà liền chạy bộ 32 cây số đi báo tin cho quân Canada. Bà nói một câu rất nổi tiếng vẫn còn lưu trong sách sử ‘ ‘Lính Hoa Kỳ đang kéo tới!’ The Americans are coming. Nhờ tin mật báo này mà ngày 24.6.1813, Tướng FitzGibbon cho quân mai phục với sự tiếp sức của dân Da Đỏ đánh bại quân Hoa Kỳ, bắt sống được 500 tù binh. Xin các cụ nhớ kỹ : Larra Secord trong lịch sử là nữ anh hùng Canada chứ không phải là người Hoa Kỳ nha.

Anh John kể các chuyện trên đây, mặt mũi rất hả hê. Các cụ bên Mỹ có giận anh John của làng chúng tôi không ? Kể xong chuyện người Canada chửi mấy ông viết sử Hoa Kỳ bóp méo giai đọan 1812 thì anh mới hết giận. Anh tỏ ra rất hả dạ. Rồi anh mới cười hà hà.
Chuyện anh nói hấp dẫn qúa làm tôi xém quên kể tiếp chuyện lễ Tạ Ơn ở Canada. Nơi đâu cũng bầy ê hề bắp ngô, bí ngô, khoai lang. Đây là sản phẩm nguyên thủy của người Da Đỏ. Những di dân da trắng đầu tiên đến đây vào thế kỷ 16 đã được người Da Đỏ chia sẻ cho các sản phẩm này. Bắp ngô, bí ngô, khoai lang là những biểu tượng của ngày lễ là thế. Cả nước Canada đều mừng lễ giống nhau. Riêng tại Toronto này có 2 hoạt động mà tôi cho là ý nghĩa nhất, mang dấu ấn tạ ơn sâu sắc nhất. Người dân Canada nghĩ rằng Thượng Đế đã cho họ qúa no đủ nên họ xin chia sẻ với những người chưa no đủ. Đó là hai bữa ăn nóng sốt tại Trung Tâm Good Shepperd và Trung Tâm Scott Mission. Tại trung tâm thứ nhất, người ta đã dùng tới 150 con gà tây, 225 kí lô khoai tây nghiền, 180 kí lô rau, 250 kí lô thịt để nhồi, và 250 cái bánh nướng nhân bí đỏ. 72 người đã đến tình nguyện làm việc trong nhà bếp. Hôm đó họ đã phục vụ 1.600 người. Ai đến cũng được mời ngồi vào bàn và được phục vụ như một qúy khách chứ không phải xếp hàng chờ lấy thức ăn. Đa số là những người nghèo vô gia cư. Trung tâm thứ hai, Scott Mission, cũng phục vụ tương tự như thế, tại đây còn thêm món súp cà chua nóng. Ông giám đốc Peter Duraisami cho biết trung tâm này mở cửa tiếp rước những người nghèo đã 70 năm qua. Chúng tôi vừa mời họ ăn vừa trò chuyện thân ái. Họ là những người thiếu tình thương, thiếu tiếng cười, chúng tôi cùng cười với họ. Điều này rất đúng, phải không các cụ. Các cụ cứ quan sát mà coi, những người ngồi ở vỉa đường chìa tay xin giúp đỡ thì đa số chúng ta móc túi ném mấy đồng bạc vào cái nón của họ rồi vội vã quay đi. Nào có ai ngừng lại vừa trao tiền vừa nói chuyện hỏi han và cười với họ bao giờ đâu.

Tôi nhớ có đọc ở đâu một bài báo viết về một ông cha tên Charles ở New York. Cứ sáng chủ nhật ông cha này mang một túi tiền cục, ông đến với nhóm người vô gia cư ở các ngã tư bên đường. Ai ông cũng biếu một đồng, ông đứng lại bắt tay hỏi han và cười với họ. Sáng chủ nhật nào ông cũng làm như thế. Ai cũng mê ông cha này, nhất là những người vô gia cư. Có người vô gia cư đã nói với phóng viên : Chúng tôi có phải là người cùi người hủi đâu mà tại sao ai bỏ tiền vào nón chúng tôi rồi ai cũng vội vã chạy đi ?
Các cụ thấy chưa, người nghèo vừa thiếu của vật chất vừa thiếu tình thương và sự kính trọng nữa.

À, mà tôi chưa nói hết về cái trung tâm bác ái Scott Mission. Họ mở cửa 7 ngày một tuần, mỗi ngày phục vụ bữa trưa và bữa tối, món ăn nóng và miễn phí, cho bất cứ ai ghé vào. Ngoài thức ăn, nơi đây còn có nhà tắm miễn phí, máy giặt miễn phí, quần áo tặng không, và một phòng ngủ 45 giường cũng miễn phí.
Đứng sau hai nơi bác ái này là Ngân Hàng Thực Phẩm. Họ cung cấp thực phẩm cho hai trung tâm trên đây. Những ai nghèo khó ghé đây xin thực phẩm thì cũng được tặng mỗi người một gói. Các nhà thờ ở Toronto đều có một thùng ở phía cuối. Giáo dân đi lễ thường bỏ vào đây những thực phẩm khô, hàng tuần các nhà thờ đều mang những đóng góp này tới ngân hàng thực phẩm trung ương. Nước Canada được nhiều phước lành có lẽ một phần nhờ các việc bác ái thầm lặng và dấu mặt này. Xin hết chuyện bác ái.
Tháng trước tôi có trình các cụ về việc nhiều thành phố ở đây đang chuẩn bị làm luật cấm bán vây cá mập. Lý do là vì lòng nhân đạo. Các nhà làm luật trưng ra chứng cớ mỗi năm thế giới đã giết chết 73 triệu con cá mập để lấy vây nấu súp. Trên thị trường mỗi cân vây cá gíá 600 đồng. Hiện nhóm vận động Shark Truth đã xin được 2.700 chữ ký. Chưa biết việc này rồi sẽ ra sao. Trong các buổi tiệc ở nhà hàng Tàu, trong tương lai sẽ không có súp vi cá nữa nha bà con. Cụ nào thích món này nhớ đi ăn nhiều ngay đi.

Chưa thấy Đại sứ toàn cầu Leonardo DiCaprio nói gì. Các cụ còn nhớ DiCaprio chứ? Anh tài tử đẹp trai vai chính trong phim Titanic ấy mà. Hiện anh đã được Quỹ Phúc Lợi Động Vật Quốc Tế, IFAW, bầu là đại sứ tòan cầu. Quỹ này bênh vực Voi, chống việc giết voi lấy ngà bán trên thị trường. Chắc rồi anh sẽ để mắt tới cá mập, anh sẽ không để vì một món súp mà mỗi năm người ta giết tới 73 triệu con.
Anh H.O. trong làng nghe chúng tôi nói chuyện các phong trào bảo vệ voi và cá mập, bèn xin góp vui bằng một tin thời sự về chim. Anh cười hề hề một chập rồi mới nói : Chim đây là chim súng đạn của liền ông. Tôi vừa đọc tin trên internet là ở trong nước hiện nay, chỉ trong một năm vừa qua mà thôi và chỉ ở Saigon mà thôi đã có vài chục ca ‘cắt chim’. Người cắt là các bà vợ và các người tình, người bị cắt là phe liền ông. Lý do họ cắt là vì liền ông không chịu ở dòng chính mà dám lăng nhăng ngoài luồng. Thống kê cho biết lý do cắt là vì ghen tuông. 65% bị vợ cắt, 30% bị tình nhân cắt, và 5% tình địch cắt. Tuổi nạn nhân từ 18 tới 59. Đa số nạn nhân bị cắt lúc đang ngủ. Bị cắt xong, khẩu súng hoặc bị cho vào nồi nước sôi hoặc bị ném xuống ao xuống cống. Báo chí cho biết, chỉ có liền bà VN mới dữ tợn và độc ác như vậy, chứ ở Đại Hàn trong 11 năm vừa qua chỉ có 12 trường hợp cắt chim và đều do chính nạn nhân tự cắt vì mắc bệnh tâm thần. Rồi anh H.O. đặt câu hỏi: Voi bị cắt ngà, cá mập bị cắt vây thì được bênh vực, còn liền ông VN bị cắt vốn qúy thì không được ai bênh vực, tại sao lại bất công như vậy?

Cụ B.95 nghe đến đây thì giơ tay ngăn lại. Cụ cho rằng hôm nay anh H.O. say rượu nên mới nói về những chuyện dơ dáy này. Cụ xin ông ODP đưa câu chuyện về nguồn chính, trong sạch, vui tươi và trong sáng. Ông ODP nhận lời ngay. Ông xin nói về thức ăn. Ông bảo ông mới đọc được một bài của chuyên viên đài CNN đặc trách Á Châu. Bài này nói về 20 món ăn Việt Nam tiêu biểu. Họ liệt kê như sau : Phở bò, Phở xào, Phở cuốn, Chả cá Lã Vọng, Bánh xèo, Mì Cao Lầu Hội An, Rau muống xào, Nem rán, Gỏi cuốn, Bún Bò Huế, Bún bò Nam Bộ, Bánh Khọt, Gà tần, Nộm hoa chuối, Hoa qủa dầm sữa chua, Gà nướng, Cà phê trứng, Bò lá lốt, Xôi, Bánh cuốn.

Ông ODP nói tiếp : Đọc xong danh sách 20 món mà họ cho là ngon nhất này thì tôi giật mình. Tôi giật mình vì tôi xa nước chưa tới 40 năm mà có mấy món tôi chưa hề nghe, như phở cuốn, cà phê trứng, bún bò Nam Bộ. Tôi bị mất gốc rồi chăng? Đọc tên mấy món ăn và lời giải thích thì tôi thấy đây là một danh sách có ngôn ngữ đặc Bắc Kỳ Hà Nội. Không biết danh sách này do ông Bắc Kỳ chọn hay do nhân viên CNN chọn rồi ông Bắc Kỳ phiên dịch? Rõ ràng đây là ngôn ngữ Bắc Kỳ : giá đỗ, rau diếp, rau mùi, nem rán, bún bò Nam Bộ, nộm hoa chuối, lạc giòn, rưới nước mắm, cái cốc, thịt bò rán , qủa trứng rán, thịt lợn, dưa chuột… Nhiều món tôi chưa hề được ăn nên chưa hề biết mùi vị, như phở cuốn. Xưa nay tôi mới chỉ biết phở nước và phở áp chảo, chưa hề nghe phở cuốn.

Kể đến đây xong thì ông cười hà hà. Rồi ông chuyển sang chuyện ngôn ngữ. Ông nói tiếp : Ngôn ngữ bao giờ cũng biến đổi với thời gian, đó là luật tự nhiên. Tôi mang ngôn ngữ VN trước 75 chạy ra hải ngoại, ngôn ngữ này không biến đổi nhiều nếu so với ngôn ngữ ở trong nước. Tôi biết vậy và phải chấp nhận như vậy, nhưng thấy nhiều chỗ buồn cười. Nói gì đâu xa, bây giờ đọc thư người nhà viết từ VN gửi sang, tôi thấy ai cũng viết ‘ ko’. Các bác có biết ‘ko’ là gì không? Thưa ‘ko’ là ‘không’ đấy ạ. Hay khi chê ai keo kiệt thì trong nước người ta nói là ‘trùm sò’.

Anh H.O. liền giơ tay xin góp thêm chi tiết. Anh kể anh mới về VN. Anh gặp bạn bè làng xóm, ai cũng kêu “ Gia đình chúng em ‘vất’ lắm”. Họ không nói vất vả mà chỉ nói ‘vất’ mà thôi. Hoặc khen món ăn : “món này ngon cực”. Cực là cực kỳ, là rất ngon. Hoặc ông thợ xây bảo anh phu hồ “Lấy cho tao một bao xi”. Xi đây là xi măng. Không hiểu tại sao người mình lại có khuynh hướng nói rút ngắn lại như thế. Chưa hết. Anh kể anh đến một buổi họp nghe hát. Ông trưởng ban xin anh một cái máy kích. Các bạn có biết máy kích là máy gì không? Thưa là máy kích âm, tức là cái loa.

Bà cụ B.95 nghe ông ODP nói về các món ăn thì thích lắm. Cụ bảo cái món phở cuốn thì cụ chưa hề ăn. Lạ nhỉ các bác nhỉ. Phở thì phải là phở nước chứ ai lại phở khô rồi cuốn lại bao giờ!
Rồi cụ xin anh John nói về tin thời sự Gadhafi vừa bị giết. À, tin này còn đang nóng hổi. Anh John liền kể ngay. Anh nói rành mạch trơn tru tỏ ra anh thông thạo tình hình thế giới lắm. Rằng xưa nay trong ngôn ngữ bình dân, ta dùng tiếng ‘vua’ để chỉ người đứng đầu một nước. Ông Gadhafi đứng đầu nước Lybia trong 42 năm nên tôi xin gọi là Vua Gadhafi. Trên thế giới rất ít vua tại vị lâu như ông ta. Kìa Mao Trạch Đông ( 1949-1976) làm vua nước Tàu có 27 năm, Kìa Vua Minh Mạng (1820-1840) của ta được tiếng là làm vua lâu mà cũng chỉ được 20 năm. Kìa Vua Napoléon ( 1804-14) nổi tiếng của Pháp cũng chỉ ngồi trên ngai có 11 năm. Thế mà Vua Moammar Gadhafi cai trị nước Lybia những 42 năm. Hiện ông chỉ thua có Nữ hoàng Victoria (1837-1901) đã cai trị 64 năm, và đương kim Nữ hoàng Elizabeth hiện nay đã cai trị vương quốc Anh được 59 năm. Gadhafi lật đổ vua Idriss khi mới 27 tuổi. Ông đã ngồi trên đỉnh vinh quang với một bể dầu lửa vĩ đại dưới chân. Ông đã ban phát ân huệ cho nhiều nước bé nhỏ ở Phi Châu, vua xưng mình là ‘Anh Cả’, Big Brother. Ông đã tự cho mình cầm đầu khối thứ ba trên thế giới. Trùm khủng bố Bin Laden coi ông là thần tượng.Tổng thống Ronald Reagan đã gọi ông ta là con chó điên và đã cho ném bom biệt điện Bab al-Aziziyah của Gadhafi năm 1986, nhưng Gadhafi không hề sợ. Ông ta không cho sửa lại biệt điện này. Ông dùng nó làm chứng cớ tội ác của Hoa Kỳ. Nhưng hình như ông chưa học kỹ bài học chống Mỹ. Xưa nay có ai chống Mỹ mà được an toàn trọn đời đâu. Ông đã bị phe đảo chánh giết chết ngày 20 tháng Mười vừa qua trên đường chạy trốn.
Chưa biết xứ Lybia sẽ đi về đâu. Trước đây Gadhafi cầm chân được nhóm Hồi Giáo qúa khích, nay Gadhafi mất rồi, liệu phe qúa khích này có để cho Lybia và thế giới ngồi yên không?

Bà Cụ B.95 nghe tin này xong thì lại kêu là tin căng thẳng gây nhức đầu, Ông ODP liền nói ngay : Cụ kêu căng thẳng, vậy bây giờ tôi kể chuyện này để cụ thư giãn nha. Rằng có một ông công chức kia làm việc xa nhà và vợ ông thì sắp đẻ. Bác sĩ cho biết là ông sẽ có con trai, nên ông mong tin mừng từng ngày. Ông dặn bố vợ : Khi vợ con đẻ xong thì xin ba gọi điện thoại cho con. Vì con không có điện thoại riêng, xin ba nhắn tin qua tổng đài. Xin đừng báo tin con có con trai kẻo cả sở sẽ bắt con khao. Xin Ba cứ nói vắn tắt rằng cái đồng hồ anh gửi mua đã tới, con sẽ hiểu liền. Và ngày vợ ông sinh đã tới, nhưng không phải chị đẻ con trai mà lại là con gái. Ông bố vợ không biết báo tin ra sao. Nghĩ mãi rồi ông mới báo như thế này : Cái đồng hồ anh đặt mua đã tới nhưng nó không có qủa lắc.
Nghe đến đây thì cả làng bò ra cười nghiêng ngả. Lời thanh tao qúa chứ .

Hết cơn cười rồi làng chợt nhớ Cụ Chánh tiên chỉ chưa góp ý gì cả trong suốt bữa cơm chiều. Làng xin Cụ Chánh lên tiếng. Cụ nói ngay :
Mẩu tin Gadhafi bị giết chết làm lão suy nghĩ mãi. Nếu ông ta biết mình sẽ bị chết thảm như vậy thì liệu hồi 27 tuổi ông ta có lên làm vua và cai trị Lybia lâu như vậy không? Và Lybia không có Gadhafi liệu sẽ hên hay xui? Sở dĩ lão nghĩ như vậy vì lão nhớ chuyện Tái Ông mất ngựa ngày xưa trong sách cổ, cũng như một câu chuyện cụt ngón tay lão vừa đọc. Chuyện như thế này : Một ông vua kia bị sưng một ngón tay, bệnh rất nặng. Ông vua bèn hỏi vị cận thần đây là điềm hên hay điềm xui. Quan cận thần bèn thưa : Hên hay xui khó mà biết được! Một tuần sau thì ngón tay làm độc phải cắt. Vua lại hỏi quan cận thần việc mất ngón tay là điềm tốt hay xấu. Quan cận thần vẫn trả lời : Không biết được! Vua thấy ông quan này ba phải, trả lời nước đôi, vua giận quá bèn bỏ tù ông quan này. Ít lâu sau thì ông vua đi săn. Bữa đó ông vua mải đuổi theo một con nai nên bị lạc trong rừng, và bị một bộ lạc bắt. Rồi họ định đem giết ông vua để tế thần. Lúc sắp giết thì họ chợt thấy ông vua này cụt một ngón tay nên họ thôi không giết nữa vì vật tế thần không toàn hảo. Họ thả ông ta về. Về tới cung điện , vua nhớ lới ông quan cận thần là người đã nói ‘ hên hay xui khó mà biết được’. Ngày xưa mình bị mất ngón tay thì mình cho là xui. Nhưng nếu không mất ngón tay thì mình đã bị giết rồi, vậy hóa ra mất ngón tay là hên. Vua bèn thả ông quan ra và xin lỗi vì đã nóng giận bỏ tù ông. Ông quan bèn tâu : Việc thần bị giam, tưởng là điềm xấu cho thần, nhưng nghĩ lại thì đó là điềm hên. Vì nếu thần không bị giam thì tất đã theo nhà vua đi săn, và đã bị bắt cùng với nhà vua. Và khi bộ lạc trong rừng thả nhà vua ra vì nhà vua cụt ngón tay, thì dĩ nhiên họ sẽ giết thần thay thế vì thân thể của thần toàn vẹn.

Tữ chuyện này, các bạn nghĩ gì nào? Cuộc đời này có bao nhiêu việc mà ta nghĩ là xui xẻo, nhưng về sau thì nó không xui xẻo chút nào, nó dẫn đến hạnh phúc. Nói gì đâu xa, việc chúng ta phải bỏ nước trốn đi, lúc đó chúng ta cho là cực kỳ bi đát. Bây giờ nhìn lại thì nhờ việc bi đát đó chúng ta mới được sống hạnh phúc ở nước thiên đàng Canada hiện nay, chúng ta mới được gặp nhau kết nghĩa anh em và mừng lễ Thanksgiving hạnh phúc này. Có đúng không, các bạn?


No comments:

Post a Comment