Tuesday, November 15, 2011

* Mây đen bao phủ thị trường vũ khí Nga - Trung (kỳ 2)

Vũ khí của Nga chỉ có thể lách vào những ngách hẹp trong thị trường vũ khí Trung Quốc, trong tương lai gần.
Vũ khí hàng không
Việc Trung Quốc sao chép các hệ thống vũ khí hàng không Nga cũng là vấn đề nghiêm trọng. Dựa trên thiết kế tên lửa Kh-59Т với đầu tự dẫn truyền hình, Trung Quốc đã làm ra tên lửa KD88. Nga đã chuyển giao cho Trung Quốc công nghệ các loại bom dẫn bằng laser, nhờ đó Trung Quốc đã có khả năng tự sản xuất được các bom tương tự.
Về vũ khí hàng không không điều khiển, Trung Quốc đã làm nhái hầu như tất cả các loại bom Nga. Các tên lửa không - đối - không trên máy bay tiêm kích J-11B đã được thay thế bằng các tên lửa PL-8 và PL-12.
Trung Quốc đã "dùng" Ukraine để thay thế Nga trong vai trò cung cấp tên lửa tầm trung R-27, điều này đã trở nên quen thuộc trong hợp tác kỹ thuật quân sự giữa Trung Quốc và 2 nước SNG này.

Máy bay vận tải quân sự hạng nặng
Phải rất lưu ý là trong 15 năm gần đây, Trung Quốc đã sao chép thành công các máy bay tiêm kích Nga, nhưng lại thất bại hoàn toàn trong việc làm nhái các máy bay vận tải cỡ lớn như Il-76.
Điều đó cho thấy một vấn đề lớn của công nghiệp hàng không Trung Quốc đó là không có kinh nghiệm thiết kế và sao chép các máy bay lớn như vậy.
Trung Quốc đã nhận được sự trợ giúp hiệu quả từ phía Viện thiết kế mang tên Antonov của Ukraine về mặt thiết kế và sản xuất các máy bay vận tải quân sự cỡ lớn, ví dụ Viện Antonov đã chuyển giao cho Trung Quốc tài liệu kỹ thuật của ít nhất 2 loại máy bay.
Máy bay vận tải IL-76.
Tuy nhiên, theo Kanwa, kể cả với sự trợ giúp của Ukraine, cũng phải mất khoảng 8-10 năm nữa, Trung Quốc mới tự lực phát triển được máy bay vận tải hạng nặng và cho nó bay thử lần đầu.
Do việc đình chỉ hợp đồng mua máy bay vận tải Il-76 và máy bay tiếp dầu Il-78 với Nga, Trung Quốc vấp phải những khó khăn to lớn trong việc phát triển lực lượng lính dù và xây dựng đội máy bay chỉ huy/báo động sớm. Kanwa dự báo trong 8-10 năm tới, nếu Nga có thể triển khai trơn tru việc sản xuất máy bay Il-476 và nếu như giá của máy bay mới sẽ hấp dẫn với Trung Quốc, thì một số lượng nhỏ máy bay Nga này sẽ có mặt trên thị trường Trung Quốc.
Hiển nhiên, Trung Quốc sẽ tiếp tục nhập khẩu các động cơ D30-KP2 đang được lắp cho các máy bay Il-76MD/TD có trong trang bị của Trung Quốc. Một số động cơ này sẽ được lắp cho các máy bay ném bom Н-6К.

Tên lửa đất - đối - không
Loại tên lửa này là ưu tiên trong chiến lược quốc phòng của Trung Quốc, nhất là do tình hình căng thẳng leo thang ở eo biển Đài Loan và những cuộc tập trận quy mô lớn tiếp đó của hạm đội Mỹ ở vùng biển Hoàng Hải, vì thế Trung Quốc buộc phải tiếp tục tăng cường lực lượng phòng không của mình.
Khoảng 20 tiểu đoàn tên lửa tầm xa S-300PMU, S-300PMU-1 và S-300PMU-2 với tầm bắn lần lượt là 90, 150 và 200 km đang bảo vệ không phận Trung Quốc. Hệ thống nội địa HQ-9 Trung Quốc có tầm bắn 125 km, điều này cho thấy rõ quãng cách công nghệ giữa Trung Quốc và các hệ thống phòng không nước ngoài, nhất là trong lĩnh vực công nghệ đầu đạn tên lửa. Một nguồn tin uy tín nói với Kanwa rằng, nhiệm vụ trước mắt đối với Trung Quốc là phát triển một hệ thống tên lửa phòng không có tầm bắn 200 km.
Tên lửa phòng không S-300PMU-2
Ngoài ra, Trung Quốc đang kiên trì tìm cách mua các hệ thống tên lửa phòng không S-400 có tầm bắn 400 km của Nga, đây có vẻ là hệ thống duy nhất của Nga mà Trung Quốc muốn có được.
Trong 10 năm tới, hệ thống của Nga với tầm bắn 400 km sẽ rất hấp dẫn đối với Trung Quốc bởi vì những hệ thống đó có thể từ đại lục khống chế toàn bộ eo biển Đài Loan và đảo Đài Loan.
Ngoài ra, hệ thống này có tầm bắn vượt trội so với bất kỳ tên lửa hàng không nào hiện có của Không quân Mỹ. Như vậy, S-400 có thể ngăn chặn các máy bay Mỹ tiến vào không phận Hoàng Hải nhằm tấn công vào Bắc Kinh và Thiên Tân.
Chỉ còn một câu hỏi để ngỏ là Nga liệu có sẵn sàng bán cho Trung Quốc các hệ thống tầm bắn 400 km khi có nguy cơ chúng bị sao chép hay không? Hiện tại, biến thể xuất khẩu của S-400 có tầm bắn 240 km.

Vũ khí trang bị hải quân
Trong 18 năm gần đây, Trung Quốc đã nhập khẩu từ Nga nhiều hệ thống vũ khí hải quân lớn như các tàu khu trục lớp Projekt 956/956EM và tàu ngầm Projekt 636, cũng như các hệ thống phụ trợ. Rõ ràng là ngay từ đầu Trung Quốc đã định sao chép các hệ thống của Nga sau khi mua được chúng với mục đích làm ra các bản sao Trung Quốc của chúng.
Tiếp đó, chính sách của Trung Quốc tiến lên, chuyển thành nhập khẩu các hệ thống của Nga với tư cách các bộ phận, thành phần lắp trên các bệ mang nội địa của Trung Quốc. Cách tiếp cận này đã tỏ ra thành công hơn.

Tàu ngầm
Việc đóng tàu ngầm lớp Nguyên (Yuan) 041 thứ ba đã bắt đầu – 2 tàu đầu tiên lớp này đang hoạt động trong biên chế hạm đội Trung Quốc. Phân tích chính sách dài hạn của Trung Quốc trong lĩnh vực này cho thấy , mỗi khi Trung Quốc bắt tay vào đóng tàu thứ ba của loạt vũ khí thì điều đó có nghĩa là thiết kế tàu đã có những đường nét cuối cùng, mọi vấn đề kỹ thuật đi kèm đã được giải quyết và tàu được hải quân chấp nhận.
Tàu ngầm Projekt 636.

Như vậy, việc tiếp tục đóng tàu ngầm lớp Nguyên có nghĩa là hiện tại thị trường Trung Quốc hầu như đóng cửa đối với tàu ngầm Projekt 636 của Nga. Chỉ còn lại là việc hiện đại hóa và bảo dưỡng 12 tàu ngầm điện-diesel Projekt 877, 636 và 636М hiện có, lắp đặt hệ thống tên lửa hành trình Club-S và các ngư lôi mới.
Điều không thể phủ nhận là bề ngoài của tàu ngầm lớp Nguyên có những đường nét của tàu ngầm Nga Projekt 636. Ngoài ra, Trung Quốc đã bắt đầu xúc tiến các tàu ngầm này sang thị trường Pakistan và Thái Lan.

Tàu khu trục Projekt 956/956EM
Kanwa khẳng định rằng, trong khi sử dụng 4 tàu khu trục lớp Projekt 956/956EM đặt mua từ Nga, Trung Quốc đã cố gắng sao chép chi tiết các phân hệ của các tàu chiến này, cụ thể là trạm thủy âm lắp trong thân tàu, radar Fregat 3D và ụ pháo 130 mm АК-130. Một số hệ thống làm nhái này đã được lắp cho frigate nội địa của Trung Quốc lớp 054А.
Từ đó có kết luận khái quát là các chiến hạm cỡ lớn do Nga đóng không còn triển vọng trên thị trường Trung Quốc. Thực tế là Trung Quốc chưa bao giờ nỗ lực nhập khẩu các tàu chiến lớn từ Nga ở mức độ ưu tiên.
Trong tương lai gần, thị trường tàu chiến mặt nước Trung Quốc sẽ nhằm vào bảo dưỡng 4 tàu khu trục Projekt 956/956EM hiện có và đổi mới các loại vũ khí. Với sự xuất hiện của hệ thống tên lửa phòng không HQ-16 sử dụng bệ phóng thẳng đứng, thị trường dành cho các hệ thống Shtil-1 của Nga chỉ hạn chế ở các tàu khu trục Projekt 956/956EM và frigate 052В, nên ít có khả năng Trung Quốc sẽ tiếp tục mua các hệ thống Shtil với số lượng lớn.

Tàu khu trục Projekt 956/956EM. 
Trong khi đó, các trực thăng chống ngầm của Nga sẽ tiếp tục hiện diện trên thị trường Trung Quốc, chủ yếu là vì Trung Quốc không có kinh nghiệm tự lực phát triển các trực thăng này và hiện chưa có trong trang bị các trực thăng chống ngầm hạng nặng.
Năm 2007 đã trở thành năm tối thiểu lịch sử đối với hợp tác kỹ thuật quân sự Nga-Trung khi Trung Quốc chỉ ký hợp đồng mua 9 trực thăng chống ngầm Ка-28. Có khả năng khi tiến hành chương trình đóng một tàu sân bay cỡ lớn, Trung Quốc sẽ phải mua nhiều hơn trực thăng chống ngầm Ка-28 và thậm chí trực thăng mang radar cảnh giới Ка-31.

Vũ khí trang bị lục quân
Vũ khí lục quân chưa bao giờ là một ưu tiên trong hợp tác kỹ thuật quân sự Nga - Trung. Nga đã xuất sang Trung Quốc các hệ thống phòng không lục quân Тоr-М1, đạn pháo có điều khiển Krasnopol, hệ thống tên lửa chống tăng Bastion, các hệ thống điều khiển hỏa lực của xe chiến đấu bộ binh BMP-3 và công nghệ sản xuất tháp xe.
Đồng thời, với việc mua các hệ thống này, Nga đã chuyển giao cho Trung Quốc các công nghệ sản xuất đạn pháo có điều khiển, tên lửa chống tăng và tháp xe BMP-3.
Điều đáng kinh ngạc là Trung Quốc tỏ ra tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của Nga nhưng chỉ đối với các hệ thống vũ khí lục quân rẻ tiền. Điều đó không có nghĩa là Trung Quốc không bao giờ sao chép vũ khí lục quân của Nga mà hệ thống rocket phóng loạt Smerch là bằng chứng nổi bật.
Rocket phóng loạt Smerch.
Trung Quốc đã nhận vào trang bị các hệ thống vũ khí rất giống pháo tự hành 2S19 và pháo tăng nòng trơn 125 mm của Nga. Trong tương lai, thị trường Trung Quốc hầu như đóng cửa với vũ khí lục quân Nga.
Ngoài ra, Trung Quốc đã bắt đầu chuyển giao cho quân đội các hệ thống phòng không HQ-16, việc phỏng tạo và làm nhái các hệ thống vũ khí cơ bản khác hầu như đã hoàn tất.

Triển vọng hợp tác kỹ thuật quân sự Nga - Trung
Đỉnh cao hợp tác kỹ thuật quân sự Nga - Trung đã qua rồi, theo Kanwa. Trong 10-20 năm tới, thị trường dành cho vũ khí Nga chủ yếu hạn chế ở việc cung cấp phụ tùng và linh kiện, thay thế các hệ thống đơn lẻ, cũng như cung cấp động cơ máy bay.
Căn cứ vào giá trị của mỗi động cơ máy bay ở mức 3-5 triệu USD/chiếc, cũng như việc nội địa hóa sản xuất các chi tiết, linh kiện cho tiêm kích Sukhoi tại Trung Quốc, Kanwa kết luận rằng, phía Nga có thể hy vọng nhận được 300-500 triệu USD hằng năm từ xuất khẩu công nghệ và thiết bị quân sự sang Trung Quốc. Khoản tiền này với thời gian sẽ còn giảm đi hơn nữa.

Nhân Vũ (tổng hợp)


No comments:

Post a Comment