Wednesday, November 9, 2011

* Phía sau những chiếc đèn độc nhất vô nhị (tiếp theo)

Những chiếc đèn kính màu Tiffany không chỉ khiến người ta bị cuốn hút bởi sự huyền bí, bị ám ảnh bởi màu sắc, bị choáng váng vì độ phức tạp mà còn làm người ta kinh ngạc chính vì bởi nó quá đắt để có thể sở hữu.
Những con số choáng váng

Phiên bản của chiếc đèn Hoa đậu tía đang thuộc sở hữu của một nhà sưu tầm Việt Nam ẩn danh.
Năm 1987, một chiếc đèn Tiffany có tên là Westeria (Cây hoa Đậu tía) đã được nhà cái Christie's bán với giá nửa triệu đô la (khoảng 10 tỉ VNĐ ngày nay). Trước đó vài năm, cũng chính nhà cái này đã bán đấu giá chiếc đèn kính màu Magnolia (Hoa Mộc lan) với giá tương tự. Magnolia có chao hình vòm được ghép từ 1260 miếng kính màu, đường kính 71 cm. Cả hai đều được Tiffany cho ra đời năm 1905.
Cũng vào thời điểm cách đây 25 năm, hai chiếc đèn Tiffany có tên là Cobweb (Mạng nhện) và Peony (Hoa Mẫu đơn) từng thuộc sở hữu của nữ diễn viên kiêm ca sĩ huyền thoại của Mỹ Barbra Streisand cũng đã được chuyển nhượng tại Christie’s với giá trên một triệu đô-la mỗi chiếc (tương đương 20 tỉ VNĐ). Thú vị là phiên bản tuyệt vời có giá trị rất cao của hai chiếc đèn Magnolia và Peony nói trên hiện đang nằm trong bộ sưu tầm đèn Tiffany của một người giấu tên ở Việt Nam.

Một góc của chiếc chao đèn Hoa mẫu đơn tuyệt mỹ.
Rất nhiều cây đèn Tiffany nguyên bản có giá lên đến cả triệu đô nhưng ngay cả khi bạn là người có tiền thì cơ hội sở hữu một chiếc đèn phiên bản gốc cũng là rất hiếm hoi bởi thi thoảng chúng mới xuất hiện trên thị trường đấu giá. Hầu hết những chiếc đèn quý đều đang nằm trong các bảo tàng danh tiếng và từ nhiều năm nay hình ảnh và thông tin về chúng đã có mặt trong hàng trăm cuốn sách nghiên cứu thiệu nghệ thuật Tiffany bằng đủ thứ tiếng.
Dường như mỗi chiếc đèn gốc này đều được những người chơi đèn thuộc lòng cả tên, tuổi lẫn mã hiệu. Thậm chí họ còn biết cả lai lịch và số phận ly kỳ của mỗi chiếc đèn cỡ trăm tuổi này. Cách đây hai năm, trên sàn đấu giá Christie’s bỗng bất ngờ xuất hiện một chiếc Elaborate Peony (Hoa mẫu đơn tinh xảo ghép từ 1250 miếng kính) nhưng không được công bố lai lịch. Tuy màu sắc không được xuất sắc cho lắm và bị dân sưu tầm chuyên nghiệp nghi ngờ về lai lịch nhưng nó đã được mua vội với cái giá trên 1,5 triệu đô la (tương đương 32 tỷ VNĐ).

Elaborate Peony (Hoa mẫu đơn tinh xảo ghép từ 1250 miếng kính)
Những chiếc đèn thật thì có giá lên đến cả triệu đô, thậm chí nhiều triệu đô la, còn những người ham mê đèn mà có tiền thì vẫn mơ ước có ngày sở hữu chúng, tuy cơ hội rất hiếm hoi vì chúng đều đã có chủ. Do vậy, những người yêu đèn Tiffany chủ yếu vẫn đành ngắm chúng từ xa ở các bảo tàng hoặc trên các trang catalogue.
Những người có điều kiện thì mua lại hoặc đặt làm những phiên bản từ những chiếc đèn Tiffany danh tiếng. Việc đặt làm những chiếc đèn như vậy cũng vô cùng tốn kém và mất thời gian, nó cầu kỳ không kém gì việc săn lùng một món đồ cực quý.
Tiffany, người sáng tạo ra những cây đèn kính màu kinh điển mang tên ông đã không còn. Nhiều loại kính cũng thất truyền, nó biến mất khi người nghệ nhân làm ra nó ra đi, nguồn kính quý ngày càng cạn. Do vậy càng về sau việc đặt những chiếc đèn Tiffany phiên bản với chất lượng bảo tàng lại càng khó khăn. Trong những trường hợp như vậy thì tiền bạc không còn đóng vai trò chủ yếu nữa...

Càng về sau việc đặt những chiếc đèn Tiffany phiên bản với chất lượng bảo tàng lại càng khó khăn.

Có tiền cũng chỉ mua nổi đèn phiên bản
Hầu hết những chiếc đèn Tiffany gốc đến nay đều nằm trong các bộ sưu tập của bảo tàng hoặc tư nhân. Ngoài việc đèn Tiffany gốc quá đắt, có chiếc lên đến cả chục triệu đô la, nhưng lại rất hiếm hoi và không bao giờ trôi nổi trên thị trường nên người yêu thích đèn kính màu dù có tiền cũng ít có cơ hội được hữu chúng. Do vậy, muốn có những chiếc đèn đẹp họ chỉ có thể mua lại hoặc bỏ ra món tiền lớn để đặt các nghệ nhân nổi tiếng trực tiếp làm ra các phiên bản cao cấp mà người ta thường gọi là “phiên bản chất lượng bảo tàng”.

Những chiếc đèn phiên bản đôi khi còn đẹp hơn đèn gốc của Tiffany.
Những chiếc chao đèn này bắt buộc phải được thực hiện theo đúng công nghệ, khuôn mẫu của Tiffany Studio (Tiffany Studio đóng cửa vào năm 1938 sau khi Louis Comfort Tiffany qua đời trước đó vài năm). Nhưng cho đến nay, những nghệ nhân làm đèn Tiffany với chất lượng có thể trưng bày ở các bảo tàng cũng chỉ còn khoảng trên dưới chục người, trong đó gần một nửa hiện sinh sống ở châu Âu. Công nghệ làm đèn đang mất dần cùng với sự ra đi của họ. Những dòng kính quý hiếm cũng đang dần mất đi. Chính vì vậy, càng ngày những cây đèn phiên bản chất lượng bảo tàng càng quý, càng đắt và càng được ưa chuộng.

Những dòng kính quý hiếm cũng đang dần mất đi.

Tuy là đèn phiên bản nhưng nếu được một nghệ nhân có trình độ và tiếng tăm làm ra thì có khi còn đẹp hơn cả những chiếc đèn Tiffany nguyên bản. Một người chơi đèn tiết lộ giá một chao đèn phiên bản nhỏ nhắn mà đẹp có khi có giá lên đến hàng chục ngàn đô la (hàng trăm triệu đồng VN). Năm 2000 có một chiếc chao đèn Spidermum (Hoa mạng nhện) phiên bản tuyệt đẹp đã được nhà cái James Julia đưa lên sàn đấu giá và được mua với giá ngang ngửa của những chiếc đèn gốc của Tiffany.

Hhiện nay ở Mỹ còn khoảng bốn hãng sản xuất kính màu theo tiêu chuẩn của Tiffany.
Người chơi đèn Tiffany phiên bản hiển nhiên phải là người hiểu toàn diện về đèn, hiểu về các dòng kính màu, hiểu ngôn ngữ màu sắc của nghệ thuật kính màu, và dĩ nhiên, phải có tài chính. Tìm cho được một nghệ nhân ưng ý và đủ độ tin cậy để giao trước một món tiền không nhỏ với hy vọng có được một chiếc đèn ưng ý là cả một sự nhẫn nại, can đảm và dám chấp nhận rủi ro.
Sự chờ đợi đó có khi kéo dài nhiều tháng, thậm chí nhiều năm cho đến khi người nghệ nhân tìm đủ số kính cần thiết cho chiếc chao đèn mong muốn và bắt tay vào thực hiện các công đoạn làm đèn phức tạp. Khác với Tiffany Studio, để làm ra một chiếc đèn thường là do nhiều công nhân thực hiện dưới sự chỉ đạo của Tiffany hoặc các hoạ sĩ và kỹ sư của ông, ngày nay hầu hết đèn phiên bản chất lượng bảo tàng đều do một người làm từ từ A đến Z (từ khâu chọn kính, cắt kính, lắp ráp lên khuôn, hàn chao đèn, mạ đồng, patina và hoàn thiện).

Đa số những nghệ nhân làm đèn có tên tuổi và trình độ nghệ thuật cao ở Mỹ và châu Âu.

Đa số những nghệ nhân làm đèn có tên tuổi và trình độ nghệ thuật cao ở Mỹ và châu Âu, nhiều người trong số đó họ là hoạ sĩ, nhà thiết kế, nhà tâm lý, thậm chí có người có bằng thạc sĩ, tiến sĩ khoa học. Họ làm đèn vì yêu đèn và coi công việc đó như một nhu cầu tĩnh tâm hoặc giải trí. Nhờ có Internet nên người đặt đèn và nghệ nhân có quan hệ với nhau gần như hàng ngày bằng thư và ảnh. Họ cùng nhau bàn bạc, tranh luận và điều chỉnh từng miếng kính cho phù hợp gam màu theo ý muốn.
Đây chính là giai đoạn thú vị nhất chuẩn bị cho ra đời một tác phẩm nghệ thuật đích thực. Quá trình đó thường để lại nhiều dấu ấn sâu sắc và những kỷ niệm khó quên cho mỗi nghệ nhân và người chủ sở hữu tương lai của mỗi chiếc chao đèn phiên bản.

Nhiều khi, chính sự phối hợp nhịp nhàng và tinh tế đó đã giúp người nghệ sĩ tạo ra những chiếc chao đèn phiên bản kiệt xuất.
Nếu xét về giá trị nghệ thuật chúng còn bất hủ hơn cả các tác phẩm gốc của chính Tiffany Studio. Rất đáng mừng là ở Việt Nam cũng đã có những chiếc chao đèn có giá trị nghệ thuật kiệt xuất như vậy. Chúng được giới sưu tầm quốc tế thừa nhận là tài sản văn hoá vô giá, có vẻ đẹp độc nhất vô nhị và phi thường hơn cả những chiếc đèn nguyên bản.

Nhiều khi, chính sự phối hợp nhịp nhàng và tinh tế đó đã giúp người nghệ sĩ tạo ra những chiếc chao đèn phiên bản kiệt xuất.

No comments:

Post a Comment